16/03/2024 15:13 GMT+7

Phóng viên phải tự bảo vệ được mình mới có thể bảo vệ được sự thật và lẽ phải

“Mỗi nhà báo điều tra phải trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội và đặc biệt khả năng tác nghiệp. Phải tự bảo vệ được mình mới có thể bảo vệ được sự thật và lẽ phải”.

Phiên thảo luận về chủ đề “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích” - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Phiên thảo luận về chủ đề “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích” - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Sáng 16-3, Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 có phiên thảo luận về chủ đề: “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích” với đông đảo nhà báo, phóng viên, sinh viên tham dự. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chủ trì phiên thảo luận.

Phóng sự điều tra là "hòn đá tảng" của tờ báo

Chia sẻ tại phiên, nhà báo Phùng Công Sưởng, phó tổng biên tập báo Tiền Phong, nhìn nhận phóng sự điều tra là "hòn đá tảng" trên mỗi tờ báo. Tuy nhiên, hiện nay lượng sản phẩm thuộc thể loại này khá thưa thớt, ít tác phẩm thực sự hấp dẫn và lay động đến độc giả.

Nguyên nhân đến từ nhiều khía cạnh, về mặt chủ quan là những rào cản tâm lý như ngại khó, ngại khổ, ngại tiếp xúc, va đập với cuộc sống của nhiều phóng viên trẻ. Cùng đó là các nguy cơ khi tác nghiệp, đặc biệt là những nguy cơ pháp lý mà nhà báo điều tra hay gặp phải.

Nguy cơ pháp lý này bao gồm việc sử dụng những tài liệu chưa được giải mật, thông tin về những vấn đề đang trong quá trình điều tra theo quy trình tố tụng hay việc nhập vai vượt giới hạn cho phép dẫn đến vi phạm pháp luật… "Bởi luật chưa thừa nhận nhà báo khi tác nghiệp là người thi hành công vụ" - ông Sưởng nói.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng cho rằng điều quan trọng nhất khi làm tuyến bài điều tra là khả năng tác nghiệp. Mỗi nhà báo phải trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội và đặc biệt khả năng tác nghiệp. Mỗi phóng viên phải tự bảo vệ được mình mới có thể bảo vệ được sự thật và lẽ phải.

Cũng về vấn đề pháp lý, nhà báo Lê Anh Đạt, phó tổng biên tập thường trực báo Đại Đoàn Kết, cho rằng khi tham gia vào các tuyến bài điều tra phóng viên cần phải trình kế hoạch để ban biên tập phê duyệt và lên phương án bảo đảm an toàn. Nhưng thực tế một số tuyến bài điều tra thường xuyên bị can thiệp từ nhiều cấp bậc, các mối quan hệ đan xen và nếu không xử lý khéo, các tuyến bài điều tra sẽ bị "việt vị".

Xác định rõ việc mình làm có vì lợi ích nhóm hay không?

Phát biểu tại buổi thảo luận, nhà báo Hồng Vinh, nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân, nhận định để làm được thể tài điều tra, các nhà báo cần hội tụ đủ 3 phẩm chất gồm bản lĩnh, tri thức và trình độ tác nghiệp.

"Cần xác định rõ việc mình làm có vì lợi ích nhóm hay không, có phải để nổi danh hơn hay không? Và quan trọng hơn, mỗi người cần khẳng định mình đang chống tiêu cực để hướng tới mục tiêu có ích cho xã hội, cho nhân dân và dấn thân để đi tới cùng", ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, để vượt qua được những nguy cơ trong con đường phóng sự điều tra, phóng viên cần tích lũy tri thức, hiểu rõ, hiểu sâu về đề tài mình lựa chọn cũng như các quy định pháp luật có liên quan. Ngoài ra, cũng cần lựa chọn cách viết để bảo đảm tác phẩm có tính thuyết phục và hấp dẫn.


Phóng viên phải tự bảo vệ được mình mới có thể bảo vệ được sự thật và lẽ phải- Ảnh 2.

Phiên thảo luận với các chủ đề đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn - Ảnh: B.P.

AI giúp các tòa soạn hiểu được độc giả

Cũng trong sáng 16-3, Hội báo diễn ra phiên thảo luận với các chủ đề đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn. Tại đây, hầu hết các cơ quan báo chí và doanh nghiệp đã trao đổi kinh nghiệm, bàn giải pháp để ứng dụng công nghệ AI vào quá trình làm báo.

Ông Lee Kah Whye, giám đốc khu vực châu Á, Hiệp hội Báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA), cho biết phần nhiều các cơ quan báo chí trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, đang trong quá trình đầu tư, ứng dụng công nghệ vào việc làm báo.

Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí đang bỏ qua việc đầu tư cơ bản về mặt công nghệ để ưu tiên cho những cải tiến mới. “Đôi lúc chỉ cần cơ quan báo chí làm được những cái cơ bản đã đem lại sự thay đổi lớn. Sau khi đã đầu tư bài bản thì việc đổi mới công nghệ sẽ càng dễ dàng hơn”, ông Whye nói.

Về vấn đề ứng dụng AI vào làm báo, nhà báo Trần Việt Hưng, phó tổng biên tập báo Thanh Niên, cho rằng câu trả lời tập trung vào giá trị cốt lõi của báo chí và độc giả. “AI giúp chúng ta hiểu độc giả, hiện tại ít cơ quan có đủ công cụ hiểu được độc giả của mình là ai”, ông Hưng nói.

Ngoài ra, ông Hưng đề xuất cần xây dựng nền tảng quốc gia về dữ liệu dùng chung, đặc biệt là xây dựng về hạ tầng. Nếu hạ tầng chung được đưa vào sử dụng sẽ giúp đỡ rất nhiều trong công việc cho các cơ quan báo chí.

Vụ xe gia đình phóng viên Tuổi Trẻ bị tạt sơn: Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ ánVụ xe gia đình phóng viên Tuổi Trẻ bị tạt sơn: Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án

Liên quan đến vụ xe gia đình phóng viên Tuổi Trẻ bị tạt sơn vào ngày 30-4-2023, sau nhiều tháng xác minh, Công an TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết đã khởi tố vụ án.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên