22/12/2021 09:52 GMT+7

Phòng viêm đa hệ thống ở trẻ sau khi mắc COVID-19

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Hơn 17.000 trẻ em đã nhiễm COVID-19 trong đợt dịch thứ 4, dù tỉ lệ phục hồi rất nhanh nhưng nhiều trẻ vẫn gặp phải các di chứng kéo dài. Cần lưu tâm chăm sóc hậu COVID-19, phòng tránh hội chứng viêm đa hệ thống.

Phòng viêm đa hệ thống ở trẻ sau khi mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Hai bé F0 cùng đọc sách tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình (TP.HCM) Ảnh: XUÂN MAI

Trong 6 tháng vừa qua, có khoảng 17.600 trẻ em nhiễm COVID-19 ở Việt Nam, trong đó có 43 trường hợp tử vong, chiếm tỉ lệ 0,2%. Theo nghiên cứu ở các nước, tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 đã khỏi nhưng vẫn bị triệu chứng hậu COVID-19 chiếm 6 - 15%.

Mệt mỏi với viêm đa hệ thống

BS CKII Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị khoảng 2.200 ca bệnh nhi mắc COVID-19, phần lớn trẻ đều ở mức nhẹ, hồi phục nhanh. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp nhiễm COVID-19 nặng, suy hô hấp, phải thở máy, can thiệp kỹ thuật cao, sau khi chữa trị có thể để lại một số di chứng.

"Một số trẻ gặp phải các tình trạng hậu COVID-19 như: sốt nhẹ, khó thở, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa (chán ăn, ăn không ngon miệng...), rối loạn giấc ngủ, khó tập trung hoặc thay đổi tâm trạng...", BS Việt cho hay.

Bên cạnh các triệu chứng thông thường thì hội chứng viêm đa hệ thống đang là nguy cơ đáng quan ngại.

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết trong thời gian qua đã tiếp nhận và điều trị gần khoảng 20 trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống.

PGS Phạm Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết hội chứng viêm đa hệ thống phần lớn chỉ có ở trẻ em từ 6 - 12 tuổi sau khi khỏi COVID-19 từ 2 - 6 tuần. Khi mắc bệnh, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; trẻ có thể bị tổn thương tim, đặc biệt là mạch vành. Đồng thời, có thể xảy ra hiện tượng rối loạn đông máu, rối loạn tiêu hóa cấp tính (đau bụng, ói, tiêu chảy...).

"Tình trạng bệnh kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương đa cơ quan như gan, thận..., nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng thường phải dùng phương án chỉ định lọc máu hỗ trợ", BS Quang chia sẻ.

Theo BS Phạm Văn Quang, hội chứng này rất giống với bệnh Kawasaki, một bệnh viêm không đặc hiệu, thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi và gây tổn thương, di chứng mạch vành. Để phân biệt hai loại bệnh này cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

Mặt khác, các bác sĩ nhắc nhở khi về nhà đôi khi trẻ sẽ có các biểu hiện của bệnh lý thông thường như sốt, ho, đau họng, ói, tiêu chảy... khiến phụ huynh dễ lo lắng xem đó có phải triệu chứng hậu COVID-19. Tuy nhiên, ngoài COVID-19 thì trẻ vẫn có thể bị các bệnh lý thông thường khác.

Chế độ dinh dưỡng phục hồi cơ

Khi trẻ bị nhiễm COVID-19, diễn tiến của quá trình viêm sẽ để lại một số vấn đề ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ. TS Nguyễn Thị Thu Hậu - trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết sau giai đoạn điều trị trẻ thường bị mất đi các khối cơ khiến trẻ trở nên yếu ớt, việc ăn uống, vận động sẽ khó khăn hơn.

"Cytokine gây viêm sẽ tác động lên não, gây ra triệu chứng mệt mỏi, biếng ăn, tác động đến đường tiêu hóa. Ở trẻ em có trên 60% dấu hiệu của bệnh tiêu hóa khi nhiễm COVID-19", BS Hậu nhận định.

Theo BS Hậu, có một dấu hiệu trẻ thường gặp nhiều ở giai đoạn hậu COVID-19 là rối loạn về giác quan. Vì vậy việc xây dựng chế độ ăn uống hợp lý sau khi khỏi COVID-19 có vai trò rất lớn giúp trẻ phục hồi các cơ quan nhanh chóng và tránh các bệnh thông thường khác.

"Đảm bảo chế độ ăn cân đối theo lứa tuổi, bổ sung những chất giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm chính, tuy nhiên nên lựa chọn những món dễ tiêu hóa hơn vì giai đoạn này đường tiêu hóa của trẻ không được tốt", BS Hậu chia sẻ.

Phụ huynh nên chọn các loại thực phẩm giàu đạm như trứng, sữa, đạm động vật... vì đạm trong đó giúp tăng cường kháng thể và bổ sung khối cơ. Sử dụng các chất béo có vai trò điều hòa, giảm phản ứng viêm như mỡ cá, thực phẩm có Omega 3, DHA... đỡ được triệu chứng đau đầu, mệt mỏi. Đồng thời cần cung cấp thêm các loại vitamin (trái cây, rau củ có màu đậm); kẽm và selen có trong gạo lứt, rong biển, cacao...

Cùng trẻ đối diện với nỗi lo

Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ em thường vượt qua vấn đề tâm lý dễ dàng sau khi khỏi COVID-19, tuy nhiên theo các chuyên gia, trẻ em vẫn gặp phải stress. "Đối với trẻ em, khi nhiễm COVID-19, trẻ thường không được biết điều gì đang xảy ra với mình, có thể là một cú sốc tinh thần cho trẻ sau này", chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên chia sẻ.

Bà Uyên cho biết trong thời gian ở khu vực cách ly điều trị COVID-19 đã có một số bệnh nhi có biểu hiện bất thường về thần kinh, phải nhờ các chuyên gia tâm lý vào tận nơi để tham vấn. Theo bà Uyên, khi trẻ đã kết thúc điều trị và trở về sinh hoạt bình thường, đôi khi vẫn thấy được những biểu hiện hoảng loạn ở trẻ.

"Ở trẻ nhỏ, sự diễn đạt ngôn ngữ còn hạn chế nên việc chia sẻ những sợ hãi, lo lắng trong lòng cho người lớn là rất khó nên đa số chỉ biểu hiện qua hành vi. Đối với trẻ lớn, có khả năng trẻ sẽ mất hứng thú với những hoạt động thường ngày như tập thể thao, chơi cùng bạn bè, lo ngại về việc bị kỳ thị...

Để trẻ em thật sự hòa nhập với cuộc sống hậu COVID-19, bà Uyên cho rằng phụ huynh nên tham gia chơi cùng với trẻ. Nên xem những biểu hiện lo lắng, sợ hãi của trẻ là những phản ứng hợp lý khi trẻ vừa trải qua sang chấn lớn, đừng cố gạt bỏ điều đó.

Xơ phổi, mất khứu giác hậu COVID-19 không thể coi thường Xơ phổi, mất khứu giác hậu COVID-19 không thể coi thường

TTO - Nhiều bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh đi khám tầm soát mới phát hiện mình bị xơ phổi, đặc biệt là đối với những bệnh nhân phải nhập viện. Theo các bác sĩ, nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng về sau.

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên