16/01/2020 12:39 GMT+7

Phong vị Sài Gòn trên sách xuân

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Hai tập sách độc đáo mang đậm phong vị Sài Gòn vừa ra mắt bạn đọc vào những ngày cận Tết Canh Tý: Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn và Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa.

Phong vị Sài Gòn trên sách xuân - Ảnh 1.

Cuốn sách mới mang phong vị Sài Gòn - Ảnh: L.Đ.

Dạo phố Sài Gòn

Họa sĩ Phạm Công Tâm tự nhận: Ở tuổi 60, "tôi có mong muốn vẽ tranh về nơi mình đang sống, khi cảm xúc đến càng lúc càng nhiều hơn". Thành quả trong ba năm thực hiện mong muốn ấy nay đã hiện diện trên kệ sách dành cho bạn đọc nhân dịp xuân về: Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn (Phương Nam và NXB Thế Giới).

Tập sách gồm tranh màu nước và ký họa, bạn đọc có dịp làm một cuộc tham quan qua nét cọ của một họa sĩ quê Phú Nhuận - Sài Gòn vốn từ lâu nặng lòng với mảnh đất này. Vẽ, cũng là một cách để nhìn lại quê hương.

Tập sách gồm hai phần: Sài Gòn và một chút Gia Định, Chợ Lớn. Ở mỗi phần nội dung, tác giả thể hiện các công trình điểm nhấn của Sài Gòn qua góc nhìn tối ưu toát lên được thần thái của mảng đô thị. 

Đó là trung tâm Sài Gòn hôm nay với đường Đồng Khởi, phố đi bộ Nguyễn Huệ, có cả đường sách Nguyễn Văn Bình như một biểu tượng văn hóa mới của Sài Gòn... Chợ Lớn với những mảng màu xưa cũ, nhưng nét hối hả của các ngả đường như vẫn còn nối tiếp từ một thuở vàng son kéo dài đến hôm nay.

Nhưng có lẽ nội dung ấn tượng khó quên của tập sách chính là phần "Kiếm sống trên đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn". Tác giả vẽ rất sinh động hình ảnh chiếc xích lô, bác xe ôm đang đợi khách, chàng thanh niên bên xe ba gác, cô hàng rong, xe bán dừa xiêm, xe máy thồ hàng, khuân vác hàng hóa, vựa ve chai, nhóm bốc xếp...

Phong vị Sài Gòn trên sách xuân - Ảnh 2.

Cuốn sách mới mang phong vị Sài Gòn - Ảnh: L.Đ.

Đọc lại báo xuân Sài Gòn từ hơn nửa thế kỷ

Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (Phương Nam và NXB Văn Hóa - Văn Nghệ) là thành quả của bao năm tìm kiếm và tuyển chọn từ bộ sưu tập báo xuân Sài Gòn xưa của Phạm Công Luận. 

Với tấm lòng yêu cổ tịch và nhiều năm làm báo, tác giả đã huân dưỡng tâm hồn đồng cảm với các bài báo hay, đặc biệt là chữ nghĩa và câu chuyện của nhiều tao nhân mặc khách đất Sài Gòn.

Đọc bốn mươi tám bài báo xuân đặc sắc đã từng xuất hiện từ thập niên 1930 đến 1970, người đọc có cái thú khi bắt gặp tác giả mình yêu thích và tờ báo xưa mình từng nghe. Có thể một số bạn đọc chưa biết những tác giả từng nổi tiếng trong làng văn bút, nhưng có hề gì, chính những bài báo vẫn còn sống đến hôm nay sẽ đánh thức niềm yêu thích và tìm hiểu về những tác giả thời trước.

Phong vị Sài Gòn trên sách xuân - Ảnh 3.

Một bức tranh trong tập sách của họa sĩ Phạm Công Tâm, vẽ những người phụ nữ mua ve chai đứng nghỉ chân sau chợ Kim Biên

Đó là chuyện ông quan trưởng huyện Mỏ Cày đã "vi hành" xét xử vụ mất dao của hai cô mua bán cau; chuyện kỳ lạ như tết năm 1914 có hai bà người Mỹ đến Huế và lẻn xem lễ chúc hoàng thượng ở điện Thái Hòa vốn là buổi cấm ngặt sự hiện diện của phụ nữ; đặc biệt còn có câu chuyện về thi sĩ Tản Đà lưu ngụ đất Vĩnh Yên để làm nghề... dạy võ, mà qua đó lại để lại nhiều di cảo thơ, bằng nét bút chì cao hứng viết lên vách...

Một điểm đáng kể nữa của tập sách này là các bài viết về giới sân khấu một thời hưng thạnh: câu chuyện của nhiều nghệ sĩ vang bóng một thời như: Bảy Nhiêu, Năm Châu, soạn giả Duy Lân, nghệ sĩ Kim Cương, thuở hàn vi của Phùng Há...

Dạo phố Sài Gòn qua tranh và ký họa của Phạm Công Tâm Dạo phố Sài Gòn qua tranh và ký họa của Phạm Công Tâm

TTO - Qua nét cọ của một họa sĩ quê Phú Nhuận - Sài Gòn vốn từ lâu nặng lòng với mảnh đất này, bạn đọc có dịp làm một cuộc tham quan Sài Gòn - Chợ Lớn.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên