25/05/2017 08:15 GMT+7

Phỏng vấn hành lang và 'hơi thở' nghị trường

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - “Hơi thở” nghị trường bớt sôi động hơn khi có sự hạn chế phóng viên tiếp cận hành lang phòng họp Quốc hội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí - Ảnh: Viễn Sự
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc luôn là nhân vật "đắt hàng" ở hành lang Quốc hội - Ảnh: VIỄN SỰ

Hoạt động của Quốc hội nước ta có sự đổi mới mạnh mẽ và sôi động nhất là giai đoạn khoảng 25 năm trở lại đây. 

Không khí công khai, dân chủ, cởi mở, “hơi nóng" của cuộc sống “dội” vào nghị trường để “sức nóng” từ nghị trường “phả” vào đời sống. Báo chí đã góp phần rất quan trọng vào quá trình này.

Còn nhớ mãi hình ảnh các nhà lãnh đạo như Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Văn An... trong vòng vây của các phóng viên ngay bên hành lang hội trường Ba Đình (cũ).

Một lần thấy ông Võ Văn Kiệt, khi ấy ở vị trí nguyên thủ tướng, trả lời phỏng vấn “say” quá, anh thư ký của ông có ý ra hiệu cho phóng viên dừng lại, nhưng ông Kiệt gạt đi: “Cứ để mình nói chuyện với anh em”.

Hình ảnh các ông/bà nghị quen thuộc với phóng viên cũng đi vào vè như “nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”, hay những trải lòng của đại biểu Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyễn Minh Thuyết, Lê Như Tiến... luôn được cử tri tin quý.

Đưa tin về hoạt động của Quốc hội, báo chí có thể tường thuật trực tiếp, tường thuật lại, phản ánh, tổng hợp..., để người dân biết các đại biểu của mình làm gì, nói gì tại các phiên làm việc chính thức.

Nhưng cũng không kém phần quan trọng là các cuộc phỏng vấn hành lang, nơi các đại biểu Quốc hội trực tiếp trao đổi với phóng viên về những điều chưa nói hết, chưa nói rõ được trên nghị trường.

Ví dụ, sau khi trả lời chất vấn chuyện “vơ vét thẩm phán” ở một phiên họp “nóng rực”, chánh án Nguyễn Văn Hiện sẵn sàng dành cả giờ bên hành lang trao đổi với phóng viên để dư luận hiểu rõ hơn vấn đề.

Phỏng vấn hành lang còn tạo điều kiện cho đại biểu hoặc quan chức trả lời về những bức xúc, những sự kiện lớn đang xảy ra, được nhân dân quan tâm nhưng không được thảo luận trong chương trình làm việc chính thức của Quốc hội.

Chẳng hạn mấy hôm nay dư luận đang xôn xao về “phố biệt thự” của một số lãnh đạo ở tỉnh Lào Cai thì các đại biểu Quốc hội ứng cử nơi đây hoàn toàn có thể lên tiếng...

Ngoài ra, phỏng vấn hành lang giúp làm sáng rõ hơn những vấn đề đang được bàn luận ở nghị trường, bổ sung vào hoạt động nghị trường những chất liệu “nóng hổi” đang xảy ra trong đời sống xã hội, chuyển tải những quan điểm, chính kiến hoặc lời hứa giải quyết của đại biểu và quan chức có thẩm quyền đến với nhân dân.

Đáng tiếc sau ba ngày làm việc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, những bài phỏng vấn như vậy ít xuất hiện trên các trang báo.

Có trên 300 phóng viên được cấp thẻ tác nghiệp tại kỳ họp Quốc hội (tại Trung tâm báo chí) nhưng theo quy định mới thì chỉ có 30 phóng viên được phát thẻ sự kiện mỗi ngày để có thể tiếp cận hành lang phòng họp Diên Hồng (kỳ họp trước có 70 thẻ sự kiện).

Có lẽ, “hơi thở” nghị trường bớt sôi động hơn khi có sự hạn chế phóng viên tiếp cận hành lang phòng họp Quốc hội.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên