15/01/2018 14:14 GMT+7

Phòng tránh thừa cân béo phì ở trẻ

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Sóc Trăng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Sóc Trăng

Trẻ em béo phì sẽ có nguy cơ trở thành người lớn béo phì với một tương lai bệnh tật đang chờ đón.

Phòng tránh thừa cân béo phì ở trẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: cbsnews.com

Thừa cân béo phì đang là vấn đề toàn cầu vớì mức độ tăng nhanh đáng kể hàng năm ở cả người lớn và trẻ em.

 Tại Việt Nam, đi đôi với tỷ lệ suy dinh dưỡng còn khá cao thì tỷ lệ người bị béo phì cũng tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt là ở trẻ em. 

Đây là điều đáng lo ngại vì trẻ em béo phì sẽ có nguy cơ trở thành người lớn béo phì với một tương lai bệnh tật đang chờ đón. Phòng thừa cân béo phì từ thời trẻ là rất cần thiết.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa, thừa cân và béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức hoặc không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nguyên nhân của béo phì đơn thuần là ăn, uống thức ăn, nước uống có chứa nhiều chất béo và năng lượng cao; trong các bữa ăn hàng ngày có sử dụng nhiều dầu, mỡ dễ gây béo; trẻ lười hoạt động, trẻ vừa xem ti vi lại vừa ăn vặt hoặc uống nước ngọt một cách thụ động. 

Những thói quen kéo dài này sẽ dẫn đến tình trạng béo phì do thay đổi cân bằng năng lượng, tăng lượng thu vào và giảm lượng tiêu hao làm tăng tích tụ mỡ trong cơ thể, đặc biệt là ở bụng, mông, đùi và vai. 

Ngoài ra, béo phì thường mang tính gia đình hoặc những trẻ có bố, mẹ, ông, bà béo phì thì thường có nguy cơ dễ béo phì. Bên cạnh đó, béo phì còn do nội tiết, như: do suy giáp trạng (béo toàn thân, lùn, da khô và thiểu năng trí tuệ); do cường năng tuyến thượng thận (béo bụng, da đỏ có vết rạn, huyết áp cao);... hay do các bệnh về não; hoặc do dùng thuốc corticoid kéo dài;....

Thể trạng của một người được gọi là cân đối, thừa cân, thiếu cân, gầy hay béo phì... được tính bằng chỉ số BMI với công thức: Chỉ số BMI = cân nặng (kg)/(chiều cao (m)2. Sau đây là bảng đánh giá theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chuẩn dành riêng cho người Châu Á (IDI & WPRO):

Phân loại

WHO BMI

(kg/m2)

IDI & WPRO BMI (kg/m2)

Cân nặng thấp (gầy)

<18.5

<18.5

Bình thường

18.5 - 24.9

18.5 - 22.9

Thừa cân

25

23

Tiền béo phì

25 - 29.9

23 - 24.9

Béo phì độ I

30 - 34.9

25 - 29.9

Béo phì độ II

35 - 39.9

30

Béo phì độ III

40

40

Dựa vào cách tính chỉ số BMI phía trên và bảng dữ liệu đánh giá chúng ta có thể dễ dàng biết được có bị mắc bệnh béo phì hay không.

Trẻ em bị béo phì có nguy cơ mắc các bệnh giống như người lớn nhưng nặng hơn vì thời gian bệnh kéo dài và ảnh hưởng tới nội tiết, tinh thần, như: Tăng huyết áp, kháng insulin, rối loạn lipid máu (xuất hiện khi có tăng tích lũy mỡ trong ổ bụng), dị dạng xương chày (do phát triển quá mạnh), nghẽn thở khi ngủ và bệnh giả u não,...

Để phòng tránh thừa cân béo phì ở trẻ, chúng ta nên: Nuôi con bằng sữa mẹ ngay sau sinh và tiếp tục cho trẻ bú đến 18-24 tháng. Cho trẻ ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm; chế độ ăn cân đối, hợp lý, bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi, đa dạng các loại thức ăn tốt cho sức khỏe như các thực phẩm cung cấp chất đạm, chất béo, chất bột, chất xơ (thịt, cá, thịt gà, trứng, đậu nành, lạc, gạo, bắp, các loại hoa quả,...); cho ăn đúng giờ theo bữa. Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga. Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem, sữa đặc có đường. Không nên dự trữ trong nhà các loại thức ăn giàu năng lượng, như bơ, pho mát, bánh, kẹo, chocolat, kem, nước ngọt. Không nên cho trẻ ăn nhiều vào buổi tối trước khi đi ngủ. Khi trẻ bị béo phì thì chế độ ăn uống phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Đồng thời, chúng ta cũng nên chú ý các biện pháp giúp trẻ tăng cường vận động, như tạo niềm thích thú ở trẻ đối với các hoạt động thể thao. Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao, bao gồm: Đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, chơi cầu lông, đá cầu, bơi lội,... Hướng dẫn trẻ sống năng động, tham gia làm các công việc ở nhà; lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc,... Hạn chế cho trẻ ngồi xem ti vi, chơi trò chơi điện tử. Không nên bắt trẻ học quá nhiều, nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng,... Các bậc phụ huynh khi thấy trẻ tăng cân bất thường nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Sóc Trăng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên