Ảnh minh họa. Nguồn: futura-sciences.com
Trước khi quyết định áp dụng các biện pháp giảm béo, bạn cần tìm hiểu những nguyên nhân béo phì để có hướng khắc phục một cách triệt để và hiệu quả.
Theo những nghiên cứu y khoa, nguyên nhân của bệnh béo phì đã được chứng minh là do chế độ ăn uống và cách sinh hoạt chưa hợp lý, kèm theo một số yếu tố liên quan khác như:
- Về di truyền: Béo phì có liên quan đến yếu tố gia đình rõ rệt, qua khảo sát ở những cha mẹ bị béo phì con cái của họ có tỉ lệ bị thừa cân cao hơn rất nhiều, so với nhóm trẻ em mà cha mẹ chúng không bị béo phì.
Trong khi đó một số người ăn uống rất hạn chế, hoạt động thể lực nhiều nhưng vẫn bị thừa cân, có lẽ do họ chịu ảnh hưởng sự di truyền từ cha mẹ và sự tiêu hao năng lượng của họ thấp hơn những người khác, nên rất dễ phát sinh bệnh béo phì hơn.
- Yếu tố tuổi tác: Y học đã xác định tỷ lệ bệnh béo phì ở các nhóm tuổi có sự phân bố khác nhau, phổ biến ở tuổi trung niên, có tỉ lệ cao nhất chiếm 25%, tuổi thanh niên là 7,4% và lứa tuổi thiếu niên là 3%.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy béo phì có liên quan đến lượng vận động ở các nhóm tuối có sự khác nhau, nếu càng ít hoạt động thể lực, thì nguy cơ thừa cân, béo phì sẽ gia tăng.
- Giới tính và nghề nghiệp: Phụ nữ dễ có nguy cơ thừa cân hơn nam giới, có thể số lượng tế bào mỡ ở nữ nhiều hơn nam giới. Bên cạnh đó, tính cách của giới nữ thường thụ động hơn giới nam.
Nghề nghiệp cũng có liên quan đến béo phì, những người lao động nhẹ, có tỷ lệ béo phì cao hơn những người phải lao động tay chân.
Những bệnh nguy hiểm liên quan đến béo phì
Béo phì là nguyên nhân trực tiếp phát sinh bệnh hoặc là yếu tố thuận lợi làm cho bệnh nặng thêm hoặc là cả hai, có rất nhiều bệnh liên quan trực tiếp đến béo phì như:
- Bệnh tim: Béo phì là tiền đề gây ra chứng cholesterol máu tăng, dẫn đến nguy cơ các bệnh xơ mỡ động mạch, bệnh thiếu máu cơ tim và loạn nhịp tim với những biến chứng của các bệnh này rất nguy hiểm, thường dẫn đến tử vong đột ngột.
- Bệnh về mạch máu: Trường hợp mỡ tích tụ quá nhiều trong thành mạch, làm cản trở sự tuần hoàn của huyết dịch trong lòng mạch máu, làm phát sinh bệnh tăng huyết áp hoặc gây cho các mạch máu trong não bị tắc nghẽn mà y học gọi là tai biến mạch máu não.
Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong và tàn phế ở người lớn tuổi tại nhiều nước trên thế giới hiện nay.
- Bệnh hệ hô hấp: Béo phì sẽ làm giảm thông khí ở đường hô hấp trong lúc nằm ngủ, có thể gây ngừng thở đột ngột khi ngủ.
- Bệnh nội tiết: Với những người mập phì, sẽ làm cho tụy tạng bài tiết không đủ số lượng nội tiết Insulin cần thiết, đây là một hormon chính trong việc chuyển hóa chất đường trong máu, nếu thiếu nó sẽ gây ra bệnh tiểu đường và kèm theo rất nhiều biến chứng: Hôn mê bất tỉnh; bệnh về mắt, có thể dẫn tới mù lòa; bệnh về thận; bệnh hệ thần kinh ngoại biên, gây ra các triệu chứng tê liệt, mất cảm giác ở chân tay...
- Ảnh hưởng của tình trạng thừa cân và béo phì đối với hệ vận động: Khi trọng lượng cơ thể tăng lên một cách đột ngột, sẽ tạo ra một sức nặng đè ép lên các sụn khớp, lâu ngày khớp xương bị bào mòn, bị thoái hóa, gây ra thoái hóa cột sống, gây ra đau thắt lưng.
Một vài khớp cũng bị ảnh hưởng như khớp háng, khớp gối, cổ chân, các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh hơn. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động trong sinh hoạt hàng ngày.
Người béo phì được coi là yếu tố nguy cơ gây loãng xương, vì qua các nghiên cứu cho thấy, mật độ xương ở những người béo giảm hơn so với người bình thường.
- Bệnh về gan: Béo phì làm cho mỡ tích tụ vào trong gan, dễ gây ra chứng gan nhiễm mỡ và cũng là yếu tố thuận lợi của bệnh viêm túi mật, sỏi mật.
- Béo phì cũng là yếu tố làm phát sinh của nhiều bệnh khác như bệnh thống phong (bệnh Gout) hoặc suy giảm chức năng tình dục...
Thảo dược hỗ trợ giảm cân, béo phì
Với những tác hại của chứng béo phì nêu trên, xin giới thiệu một số dược liệu nhằm làm giảm hấp thu chất mỡ, làm tăng quá trình chuyển hóa và đào thải chất mỡ ra khỏi cơ thể, hỗ trợ việc giảm cân, béo phì, như:
- Lá sen sắc uống hoặc sắc đặc lấy nước nấu cháo ăn thường xuyên.
- Bí đao: Thường xuyên làm thức ăn như nấu, xào...
- Củ mài (khoai mài) nấu cháo ăn thường xuyên.
- Râu ngô số lượng vừa đủ hãm nước sôi uống thay trà mỗi ngày.
- Lá trà: đun sôi hoặc hãm trà uống hằng ngày.
- Cành hoa mẫu đơn và lá cây hoa hòe đều 15g, sắc uống hằng ngày.
- Quả thị xanh (1 quả), cành dâu 30g, sắc nước uống hằng ngày thay nước uống.
- Cúc hoa, cành dâu đều 30g, đào nhân 15g, sắc uống ngày 1 -2 lần.
- Hạt mã đề, hạ khô thảo đều 30g, lá liễu l0g sắc uống hằng ngày thay nước uống.
- Hoa mồng gà 30g, quả dành dành (chi tử) 15g, hạt bo bo 30g, sắc uống hằng ngày thay nước uống.
- Hòe hoa 15g, hoàng bá 12g, ô mai 6g, sắc uống mỗi ngày.
- Tỏi, loại viên nang, uống từ 1- 3 viên/ngày hoặc có thể dùng tỏi ngâm dấm, ngâm rượu, uống từ 3-5 tép tỏi, mỗi ngày.
- Rễ hành và rau mùi (hồ tuy) hai thứ 30g, mộc nhĩ đen 20g, sắc uống hoặc nấu canh ăn mỗi ngày.
- Rễ hành l0g, lá bắp 30g, đậu đen 20g, sắc uống hằng ngày.
Lưu ý: Để giảm béo phì hiệu quả, bạn cần hạn chế ăn nhiều chất đường bột, bánh kẹo, chất tinh bột, giảm lượng cơm ăn hằng ngày, thay thế bằng cách ăn nhiều rau quả, trái cây có vị chua chát, không nên ăn các loại trái cây quá ngọt như mít, nhãn, sầu riêng...
Nên ăn các loại rau cần, rau cải, cà chua, cà rốt, lá chua me đất... Có thể dùng dưới dạng nước ép riêng từng loại hoặc pha lẫn với nhau cũng có hiệu quả.
Bài tập vận động để giảm béo phì
Ngoài việc sử dụng dược thảo, bạn nên có kế hoạch tăng dần lượng vận động, nếu có điều kiện mỗi ngày bạn nên tập các động tác làm tan mỡ bụng vài lần. Đây là những bài tập hỗ trợ làm giảm mỡ bụng rất hiệu quả.
Động tác ưỡn mông: Nằm ngửa trên mặt giường, lấy điểm tựa ở vùng vai lưng và 2 gót chân. Cố ưỡn lưng, nâng mông lên khỏi mặt giường, đồng thời hít vào; giữ im tư thế này vài giây. Rồi hạ mông xuống, thở ra và ép bụng thật mạnh, đuổi hơi ra ngoài. Làm như thế từ 3 - 5 hơi thở.
Động tác tam giác: Nằm ngửa, đặt hai bàn tay úp xuống dưới mông, co chân lại, gót chân gần đụng mông. Hít vô tối đa; giữ hơi. Trong lúc này ngã hai chân qua bên này rồi bên kia đụng mặt giường, mỗi bên vài giây. Thở ra bằng cách co chân lại và ép đùi vào bụng để duỗi hơi ra triệt để, xong để chân xuống. Làm như thế từ 3-5 hơi thở.
Động tác chào mặt trời: Ngồi một chân co dưới bụng, chân kia duỗi ra phía sau, hai tay chống xuống giường. Đưa hai tay lên trời, thân ưỡn ra sau tối đa, hít vô thuận chiều; trong lúc giữ hơi, dao động thân trên và đầu theo chiều trước sau từ 2-6 cái; hạ tay xuống chống giường, thở ra tối đa thuận chiều có ép bụng. Làm như vậy từ 1-4 hơi thở. Đổi chân và tập như bên kia.
Động tác ngón tay chạm đất: Hai chân đứng ngang vai, hai tay xuôi theo người, từ từ cúi người về phía trước, tay đụng đất. Thở ra tối đa bằng cách hõm bụng lại. Đứng thẳng dậy, đưa hai tay lên trời ra phía sau hết sức, ưỡn lưng, động thời hít vô tối đa. Rồi trở lại tư thế bắt đầu, tiếp tục làm như vậy từ 2-4 hơi thở. Người huyết áp tăng nên thận trọng tập động tác này.
Nếu bạn thực sự muốn giảm cân, thì cần xác định mức độ thừa cân của mình, rồi tập luyện thường xuyên các động tác giảm mỡ bụng và dùng thảo dược. Đây là việc làm đòi hỏi nhiều thời gian, nếu kiên trì chắc chắn bạn sẽ có một vóc dáng mạnh khỏe và phòng tránh được các bệnh do béo phì gây ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận