Họ là một nửa trái đất chúng ta. Nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8-3, hai trang Phóng sự ảnh dành cho các tay máy nam thể hiện những tấm ảnh chụp phụ nữ mà họ tâm đắc nhất.
![]() |
Đều đặn mỗi sáng, cô giáo Trần Thị Hồng Thủy đến từng gia đình ở những bản làng xung quanh để đưa học sinh tới Trường mầm non Làng Mô (xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Gieo chữ ở những ngôi trường tại các xã vùng sâu của huyện Sìn Hồ đòi hỏi phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ.
Giữa núi rừng ở cực tây Tổ quốc, tiếng thầy giáo, cô giáo, tiếng học trò vẫn vang vọng trong các lớp học.
Đẹp biết bao công việc bền bỉ lặng thầm của cô giáo Hồng Thủy và các đồng nghiệp!
Cả thế giới của tôi
Học sinh gọi người phụ nữ này là cô Thúy. Tôi chỉ gọi chị là Thúy. Chúng tôi gặp nhau năm 2005, khi tôi chỉ là gã Tây balô. Từ đó đến nay, Thúy đã giúp tôi rất nhiều việc, nhiều đến mức không thể liệt kê hết ra được.
Chị là giáo viên ở Hà Nội. Con người thuần khiết luôn bên tôi qua năm tháng, khi đời thằng Tây tôi ba chìm bảy nổi ở Việt Nam. Nếu không có Thúy, có thể tôi đã không ở đây ngần ấy năm qua. Chị giống như người mẹ Việt Nam của tôi.
![]() |
Người bán hoa dạo
Người phụ nữ với chiếc xe đạp chở đầy hoa tươi, rực rỡ rời làng hoa Nghi Tàm đi qua những phố cổ khi còn mờ sương đã điểm tô thêm nét duyên cho Hà Nội, làm nao lòng du khách khi đến đây.
Hà Nội nay đã hiện đại hơn nhiều, nhưng vẫn còn đó hình ảnh những người phụ nữ bán hoa dạo duyên dáng, chân quê đáng yêu.
![]() |
Nụ cười mến khách
Khi đi vào một bản ở giáp ranh xã Lao Chải và Tả Van (một điểm du lịch của Sa Pa, Lào Cai), tôi thấy một cành cây khô có treo và trang trí những cái túi nhỏ, hồ lô bé bé bằng đá rất đẹp ló ra từ trong cửa sổ. Bên trong một cô gái đang ngồi đạp máy may. Cô tên Vũ Thị Lan, dân tộc Giáy, đang làm những món đồ lưu niệm bán cho du khách. Cô cười thật tươi: “Cái này dùng để treo điện thoại di động hoặc móc khóa cũng được anh ạ”.
![]() |
Cô gái gốm Bàu Trúc
Trang là một cô gái Chăm ở làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận). Cô say mê với nghề truyền thống này và niềm say mê đó đã không phụ cô. Những sản phẩm do bàn tay cô làm ra đã giúp chồng học xong đại học và đi làm trong ngành du lịch.
![]() |
Mẹ Thứ
Mẹ Thứ gần như không nói.Khăn tay là vật bất ly tay. Cả một chiều loay hoay trong im lặng.Đất nước gọi mẹ: bà mẹ Việt Nam anh hùng.Đá: tạc tượng mẹ.Nhiều thơ, nhiều tùy bút.Ngợi ca lòng mẹ hoặc một điều gì hơn thế, ảnh bất lực trọn vẹn.Rời nhà mẹ Thứ.Khoảnh đất tôi đứng chôn chân trũng xuống như một hố bom.
![]() |
Ý chí và nghị lực
Lần đầu tôi đến Huế gặp chị Nguyễn Thị Hạnh cụt hai tay là tôi đã mến. Vào nhà thấy hoàn cảnh rất khó khăn, rồi thấy chị phải làm việc chỉ bằng hai chân nên tôi thật sự cảm phục ý chí và nghị lực của chị.
![]() |
Khi rời đồng ruộng
Rời tay cày tay cấy, những phụ nữ nông thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) nỗ lực tập màn múa chạy cờ trước đền thờ Hai Bà Trưng để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.970 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2010) trước Tết Canh Dần 2010.
![]() |
Được mùa hành
Thôn nữ chân quê, mộc mạc luôn là đề tài gây cho tôi nhiều cảm xúc mỗi khi bấm máy. Nụ cười rạng rỡ được mùa hành trên gương mặt thôn nữ người Khmer Nam bộ đã tô điểm cho cuộc đời thêm đẹp hơn...
![]() |
Bền bỉ lao động
Cuộc sống của diêm dân thật nặng nhọc. Để làm ra hạt muối trắng tinh thật vất vả. Họ thật khỏe mạnh, cần cù, bền bỉ trên cánh đồng... Hình ảnh người phụ nữ trong lao động sản xuất luôn là hình ảnh đẹp và lãng mạn.
![]() |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận