30/09/2018 18:45 GMT+7

Phở... mua bao nhiêu bán bấy nhiêu!

MAI HÀ TRÀ DUNG
MAI HÀ TRÀ DUNG

TTO - Một ngày, dì Ba bán bánh mì trong xóm rủ tôi vô Bệnh viện Ung bướu thăm một người hàng xóm bị bệnh ung thư. Bệnh viện lúc đó chưa đông như bây giờ. Nằm chung phòng với chị ấy toàn những bệnh nhân thuộc tốp... bác sĩ chê.

Phở... mua bao nhiêu  bán bấy nhiêu! - Ảnh 1.

Tác giả (bìa phải) trong một chương trình trình diễn về phở - Ảnh: NVCC

Có mọi thứ nhưng tôi vẫn sắt son với ý tưởng ban đầu của mình: phở của tôi, ai mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, mua giá nào cũng được, sang hèn đều ăn được

Có một chị ở mãi Cần Thơ, bác sĩ... cho về mà nhà nghèo quá chưa mượn đủ tiền để thuê xe đưa chị về. Ở lại với chị chỉ có một đứa nhỏ chừng 9 tuổi.

Nghèo không đủ tiền ăn tô phở

Bữa đó, chị bảo thèm ăn phở và kêu con nhỏ đi mua phở. Đứa nhỏ xách cà mèn đi ra ngoài, lát sau quay về, cứ đứng ngoài hành lang khóc. Tôi hỏi: "Có chuyện gì với con à, nói cô nghe đi nào?...". Cháu mếu máo: "Con không đủ tiền cô ơi, 5.000 đồng một tô. Nhưng con chỉ có 3.000, người ta không bán 3.000 cô ạ...". 

Tôi cay sè trong hốc mắt, phải bặm môi để mọi thứ khỏi trào ra: sao mình đã khổ thế này mà còn có người khốn khổ hơn mình thế nhỉ, đến lúc gần chết muốn ăn tô phở mà cũng không đủ tiền mua! Lúc đó gia đình tôi lâm cảnh phá sản, tình cảnh cũng thê thảm te tua.

Trong túi tôi lúc ấy chỉ còn đúng một tờ tiền giấy màu xanh 20.000 (thời đó còn dùng loại tiền giấy). Đó cũng là số tiền duy nhất để sớm mai tôi ra chợ mua rau cho nồi bún riêu bán ở đầu ngõ của mình. Số tiền không lớn lao gì - chỉ bằng bốn tô phở - nhưng tôi cũng chỉ còn có vậy. Nó là vốn cho kế sinh nhai của gia đình tôi vào ngày mai...

Đắn đo miết, rồi tôi cũng quyết định tặng cháu toàn bộ số tiền để mua phở cho người mẹ tội nghiệp muốn ăn tô phở, có thể là lần cuối. Tôi dặn cháu mua cho mẹ một tô phở ngon, nếu mẹ muốn ăn nữa con cứ mua cho mẹ ăn nhé. Còn phần mình, tôi nghĩ ngày mai sẽ ra chợ năn nỉ người ta bán nợ cho mình một bữa.

Trên đường về, trong đầu tôi cứ lởn vởn suy nghĩ: một tô phở 5.000 đồng nhưng người ta chỉ có 3.000, sao không bán 3.000? Mua bao nhiêu bán bấy nhiêu chớ, có sao đâu?... Ngay tối hôm đó, chương trình thời sự trên tivi phát có mẩu tin: phở Việt Nam được công nhận là 1 trong 12 món ăn ngon nhất thế giới có tên trên bản đồ ẩm thực toàn cầu và nhiều người nước ngoài chỉ biết đến Việt Nam qua món phở.

Và... tại sao mình lại không đi bán phở nhỉ? Phở nhiều người ăn được, từ trẻ tới già ai cũng có thể là khách của hàng phở cả. Hồi còn làm nghệ thuật ở ngoài Hà Nội (tác giả là lứa diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội - BTV), sau mỗi đêm đi diễn về chúng tôi toàn chui vô hàng phở. Vậy là tôi dẹp nồi bún riêu qua một bên và bán phở.

Ai sang - hèn cũng đều ăn được!

Nhưng trời ạ! Ngày đầu tiên, nồi phở của tôi mọi người bảo nó không phải là phở, làm theo lời mọi người góp ý nhưng hôm sau họ bảo vẫn khó ăn. Phải đi học nghề thôi! Sau thời gian dài học nghề, phở của tôi thay đổi hẳn. Mọi người khen ngon, bắt đầu đông khách. Rồi tôi tiết kiệm được một ít tiền nhỏ nhoi, mỗi ngày một chút, một chút...

Mười năm rồi kể từ ngày tôi đến bệnh viện, gặp người mẹ ung thư thèm ăn tô phở và cơ duyên đưa tôi đến với phở. Bước đi ấy - bắt đầu từ một cảm xúc trắc ẩn - là khoảnh khắc thay đổi toàn bộ cục diện cuộc đời tôi. Tôi từng là nhân viên của Hitachi những năm 1990, rồi tán gia bại sản, lê la bán cháo, bán bún vỉa hè độ nhật. Rồi tôi đến với phở, tôi có nhà có cửa, mua lại căn nhà đã mất và có mọi thứ. 

Có mọi thứ, nhưng tôi vẫn sắt son với ý tưởng ban đầu của mình: phở của tôi, ai mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, mua giá nào cũng được, sang hèn đều ăn được.

Những năm qua, tôi được đi trình diễn phở ở nhiều nước trên thế giới, ở các sự kiện mà Việt Nam tham gia. Phở Thái Hưng của tôi cũng tham gia Ngày của phở do báo Tuổi Trẻ phát động năm 2017. Còn cái quán lâu nay vẫn đấy, trên đường Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh, TP.HCM (dù nay có thêm nhiều quán khác). Ai ghé mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, vẫn thế. Chín năm nay, bảng giá phở của tôi vẫn không thay đổi.

Tôi bây giờ đã ổn định. Tôi truyền dạy nấu phở cho bất kỳ ai quan tâm, đứng lớp dạy về kỹ năng khởi nghiệp và quản trị. Cuộc sống của chúng ta luôn thay đổi nếu chúng ta biết thay đổi!

Phở có một không hai

Phở Thái Hưng của tôi dĩ nhiên là ngon. Nhưng vấn đề là có nhiều điều đặc biệt. Đó không chỉ là chín năm không thay đổi giá, là mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, mà còn là nồi phở được nấu bằng nước rau và các loại trái cây, không dùng phụ gia thực phẩm. Tôi chú trọng không chỉ cái ngon, mà còn tốt cho sức khỏe con người.

Một điều nữa: khi thực khách ghé quán, xin đừng phàn nàn các em phục vụ vì các em đều là những bạn khiếm thính. Xin hãy ghi ra giấy những yêu cầu của bạn, sẽ được phục vụ rất nhanh. Để có được công việc, hẳn các bạn trẻ khiếm thính rất hạnh phúc và tôi luôn muốn các em có công việc, sống vui với đời. Tôi cũng muốn mọi người nhìn nhận khả năng làm việc của các bạn trẻ ấy.

Có lẽ vì những điều đó mà phở Thái Hưng của tôi có hương vị rất riêng chăng?

Từ ngày 24 đến 28-9, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Võ Thị Kiều Linh, Trần Văn Tường, Lê Thuấn (TP.HCM); Phạm Thị Như Hoa (Hải Phòng); Quỳnh Như (Bình Dương); Đào Thị Lệ An (Cần Thơ); Bùi Trọng Tâm, Trần Văn Lẩm (Bến Tre); Nguyễn Văn Khánh (An Giang); Ngô Văn Đệ (Bạc Liêu).

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi vui lòng gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi") hoặc email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn. Trân trọng.

hb-bank

đồng hành cùng cuộc thi này

MAI HÀ TRÀ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên