19/11/2003 06:11 GMT+7

Phó giáo sư 39 tuổi

NGUYỄN PHAN
NGUYỄN PHAN

TT - Sinh ra trong một gia đình bình thường, thi tuyển sinh ĐH môn toán chỉ đạt 5,5 điểm. Nhưng 14 năm sau, Đặng Đức Trọng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Bách khoa Paris; 37 tuổi, là nhà toán học đầu tiên ở phía Nam được trao giải thưởng của Viện Toán học và mới đây anh lại được công nhận chức danh phó giáo sư ở tuổi 39...

0qBpYRYD.jpgPhóng to
Phó giáo sư Đặng Đức Trọng và con gái - Ảnh: T.T.D.
TT - Sinh ra trong một gia đình bình thường, thi tuyển sinh ĐH môn toán chỉ đạt 5,5 điểm. Nhưng 14 năm sau, Đặng Đức Trọng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Bách khoa Paris; 37 tuổi, là nhà toán học đầu tiên ở phía Nam được trao giải thưởng của Viện Toán học và mới đây anh lại được công nhận chức danh phó giáo sư ở tuổi 39...

Bài báo ở Paris

“Phòng biểu diễn là một đại thính đường của một trường kỹ sư nổi tiếng là Trường Bách khoa Paris, và đầy phòng (750 chỗ ngồi), có lẽ hơn 80% thính giả và khách mời là người VN...”.

Đó là đoạn mở đầu một bài báo có tựa đề “Nhạc sĩ Đặng Thái Sơn và một luận án toán học VN tại Trường Bách khoa Paris”, đăng trên tờ Diễn Đàn xuất bản tại Pháp, viết về đêm nhạc mừng buổi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học của Đặng Đức Trọng, đồng thời cũng là buổi tưởng niệm giáo sư Hoàng Xuân Hãn (cựu SV Trường Bách khoa Paris), chủ tịch đầu tiên của Hội Association d'Aubonne, Culture & Education France - Viet Nam, đơn vị cấp học bổng cho Đặng Đức Trọng.

Bài báo viết: “Trước đó ngót một tháng, ngày 13-6-1996, một cuộc bảo vệ luận án tiến sĩ khác thường cũng đã diễn ra tại trường: thầy và trò đều đến từ VN. Chỉ mấy ngày trước, người bảo vệ luận án - TS Đặng Đức Trọng, giảng viên ĐHQG TP.HCM - đã hoàn thành công trình nghiên cứu của mình tại chỗ dưới sự hướng dẫn của GS Đặng Đình Áng. Song, nói thế chỉ đúng một nửa, và không cắt nghĩa tại sao luận án được mang tới Paris để bảo vệ. Nửa còn lại mới nói lên tính độc đáo - và ý nghĩa mở đường - của sự kiện: trong ba năm qua, anh Trọng đã tiến hành nghiên cứu dưới sự đồng hướng dẫn của hai GS, một ở VN (GS Đặng Đình Áng) và một ở Pháp (GS Trường Bách khoa Paris Alain Damlamian), với một học bổng đến từ Pháp...” (tức là Hội Association d'Aubonne, Culture & Education France - Viet Nam - PV).

Năm đó Đặng Đức Trọng tròn 32 tuổi, bảo vệ thành công luận án với đề tài “Nghiệm toàn cục của một số bài toán trong cơ học”.

Lời thầy...

Tiếp tôi, GS Đặng Đình Áng không giấu vẻ tự hào khi nói về người học trò của mình. Chỉ cho tôi xem tấm ảnh buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của PGS Trọng, GS Đặng Đình Áng nói: “Trọng là nhà toán học đầu tiên của phía Nam được trao giải thưởng của Hội Toán học VN. Mà năm ấy (năm 2001-PV) chỉ có mỗi mình Trọng được thôi! Giải thưởng này có uy tín lắm, giải được trao hai năm một lần dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi.

Năm ngoái, khi chưa được công nhận PGS, Trọng đã được ĐH Orléans (Pháp) mời sang giảng dạy với danh nghĩa GS thỉnh giảng, tức ăn lương như GS, với toán học như thế khó lắm! Năm nay, Hàn lâm viện Khoa học Trung Quốc cũng mời hai GS toán VN sang thỉnh giảng, một người phía Bắc và một người phía Nam. Người phía Bắc đi rồi, nhưng Trọng bận viết sách nên hoãn lại một năm. Nói về Trọng tôi không thể nói gì hơn, chỉ nói rằng Trọng nhiều sáng tạo, rất kỷ luật, say mê với toán học, là người thầy tận tâm”.

Còn PGS-TS Dương Minh Đức, người thầy đồng thời cũng là đồng nghiệp của PGS Trọng, cho biết: “Tuy nghiên cứu về các vấn đề khác nhau, nhưng Trọng và tôi đã hợp tác chặt chẽ trong việc đào tạo các sinh viên xuất sắc của khoa toán - tin học. Việc này chúng tôi đã tiến hành nhiều năm nay và đạt được một số thành quả đáng kể đối với lớp SV như Lê Long Triều, Lê Quang Nẫm, Nguyễn Lê Lực, Trương Trung Tuyến, Trần Tuấn Anh, Trần Tấn Quốc, Chung Nhân Phú... Tôi rất quí việc này, đó là hình ảnh của các thế hệ nối tiếp và kết hợp trong không khí vừa là thầy trò vừa là đồng nghiệp”.

“Người bình thường” gặp thầy giỏi

Lý giải về chuyện hiện có năm SV đang trọ học ở nhà mình, PGS Trọng chỉ nói ngắn gọn: “Chuyện cũng đơn giản thôi, các em thiếu chỗ ở còn tôi thì có...”. Chuyện đơn giản ấy của PGS Trọng cũng chính là điều đáng quí ở anh mà PGS-TS Dương Minh Đức kể cho tôi nghe. PGS Đức cho biết: “Trọng thi vào ĐH Tổng hợp TP.HCM với môn toán chỉ 5,5 điểm, nhưng càng học Trọng càng làm các thầy cô lưu ý về khả năng học toán của Trọng”.

Lúc đi học cũng “chỉ theo học ở những trường không nổi tiếng như Trường Bình Minh ở đường Lê Văn Sĩ, Trường Bùi Hữu Nghĩa ở đường Bà Huyện Thanh Quan”. Năm lớp 9, Trọng mới đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố (năm 1979) và được tuyển vào lớp chuyên toán đầu tiên của Trường THPT Lê Hồng Phong TP.HCM. Và vào ĐH, càng học cậu SV Trọng càng khiến các thầy cô lưu ý về khả năng học toán của cậu.

Còn Trọng khi đã trở thành thầy giáo, anh lại nhận ra rằng: “Thầy giáo thì nhiều, nhưng phụ huynh và học trò vẫn tìm kiếm những người thầy có trách nhiệm và nghiêm túc. Thầy nghiêm khắc và hiểu biết về học trò để có thể nâng cao sức tự học của học trò thì không nhiều và rất khó tìm. Nếu gặp thầy giỏi, một học trò tố chất trung bình cũng có thể trở thành người giỏi. Nếu không gặp thầy giỏi, một học trò tố chất tốt có thể chỉ là trung bình”.

Đến bây giờ PGS Trọng vẫn cho rằng mình luôn may mắn khi gặp được những người thầy - những người thầy đã giúp một cậu HS “bình thường” trở thành một PGS ở tuổi 39. Những người thầy như “GS Đặng Đình Áng với sự quan tâm sâu sắc đến học trò và sự hiểu biết trong cuộc sống; GS Nguyễn Hữu Anh và GS Alain Damlamian về sự năng động; PGS Dương Minh Đức về sự tận tâm với học trò; các thầy ở Trường Lê Hồng Phong cũng ảnh hưởng đến phương pháp giảng dạy về sau của tôi rất nhiều... - PGS Trọng cho biết - Bên cạnh đó là sự may mắn đến từ gia đình, một gia đình luôn tôn trọng và khuyến khích việc học tập, không đòi hỏi việc học tập đó phải sinh ra tiền, nhờ vậy tôi có thể theo đuổi việc học trong nhiều năm liền. Tôi cảm thấy rất biết ơn và kính trọng các thầy của mình. Tôi nhớ một đoạn đối thoại:

- Nếu gặp một người, thầy đã dạy nhưng không tiếp thu, không có gì thay đổi thì thầy sẽ làm gì?

- Tôi sẽ giết người ấy!

- Nhưng thầy không được giết người...

- Không dạy một người nghĩa là giết người ấy!”.

Chia tay thầy giáo Trọng, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc... lạ lẫm. Những lời nói, tâm sự của vị PGS-TS toán học trẻ tuổi này luôn mang đậm chất thiền, sự suy ngẫm về đối nhân xử thế. Cái cảm giác giống hệt sự ngạc nhiên của một cán bộ Trường ĐH Khoa học tự nhiên khi nghe tôi hỏi thăm về PGS Trọng: “Trọng nào? Trọng khoa toán hả? Mặt trẻ măng mà được phong phó giáo sư rồi à? Sao mà giỏi quá vậy, thiệt hông?”.

NGUYỄN PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên