Phóng to |
Nguyễn Văn Pho đang thu hoạch tôm tại vuông tôm nhà mình - Ảnh: Thanh Dũng |
“Bỏ học ai mà chẳng tiếc, ngặt nỗi gia đình nghèo quá, lại có thêm hai thằng em cũng sắp vào ĐH...” - Nguyễn Văn Pho (sinh 1974, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) tâm sự.
Khởi đầu mưu sinh trên quê nghèo
Về quê, rồi lập gia đình. Với số vốn ít ỏi dành dụm được sau ngày cưới, thời gian đầu hai vợ chồng Pho mở một cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp. Sau hai năm (1996-1998), tài sản là con số nợ tròm trèm 50 triệu đồng. Nguy cơ phá sản đã trước mắt. Dẹp cửa hàng, trả nợ nần còn dư chừng 2,8 lượng vàng làm vốn lận lưng, vợ chồng Pho mua 3ha đất và bắt đầu vào một cuộc mưu sinh mới: nuôi tôm.
Vụ đầu tiên bước vào tập làm nông dân nuôi tôm, chàng kỹ sư tin học... hụt gần như không hề biết tí gì về kiến thức, kỹ thuật về nuôi tôm cá. Năm ấy tôm trong ao chết sạch sành sanh do phèn, gần 10 triệu đồng tiền giống, tiền công mất toi. Lẽ nào phải dừng bước tại đây? - Pho tự hỏi mình và quyết định “ôm” 5 triệu đồng vay mượn bạn bè, khăn gói lên đường sang huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) “tầm sư học đạo”.
Pho kể: Đến Sóc Trăng may mắn gặp Sulsat - một người Thái Lan đang công tác tại Tập đoàn CP chuyên cung cấp giống, thức ăn cho tôm, Sulsat chỉ dẫn tận tình kinh nghiệm kỹ thuật nuôi... Ở Sóc Trăng, nghe bà con nơi đây đồn đại về phong trào nuôi tôm ở Khánh Hòa có hiệu quả, Pho nhảy xe đò ngược lên Cam Ranh (Khánh Hòa).
“Bà con, thanh niên mình còn nghèo...”
Theo anh Trần Thanh Dũng - phó trưởng Ban mặt trận thanh niên Tỉnh đoàn Kiên Giang, kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp trẻ Kiên Giang, Nguyễn Văn Pho là người mở hướng tiên phong nuôi tôm công nghiệp tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), góp phần “đánh thức” một vùng đất chua phèn, nghèo đói quanh năm bằng những vuông tôm bạc tỉ. Pho còn giúp đỡ nhiều bà con nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thoát nghèo, vươn lên làm giàu. |
“Đất Vĩnh Thuận (Kiên Giang) này phèn dữ lắm” - Pho bảo và kể về cách trị - Mỗi lần vệ sinh vuông ao phải xử lý khối lượng vôi nhiều, không được tiết kiệm và phải sử dụng diện tích ao lắng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật nuôi”. Trang trại nuôi tôm của Pho có tổng diện tích 8ha thì Pho dành hơn phân nửa diện tích làm ao để lắng phèn, chỉ nuôi 3ha. Con giống (đã qua kiểm dịch) lấy trực tiếp từ trại giống Cà Ná (Ninh Thuận).
Vụ tôm đầu tiên sau khi trở về từ Cam Ranh, Pho thả nuôi 250.000 con giống trên diện tích 9.000m2, thu hoạch được 205 triệu đồng, lợi nhuận hơn 80 triệu đồng. Ba năm gần đây, vụ tôm nào Pho cũng thu hoạch trên 1 tỉ đồng, trừ chi phí lợi nhuận trên 700 triệu đồng/năm. Trang trại nuôi tôm Thiên Tài của Nguyễn Văn Pho lúc nào cũng có 15 - 20 công nhân phụ việc, hầu hết là những đoàn viên, thanh niên địa phương.
Đến nay thì nông dân cả huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đều phục cái gan làm giàu của chàng kỹ sư dở dang Nguyễn Văn Pho. Bởi trước đó, bà con từng nói đùa vùng này ai nuôi tôm thành công sẽ được tạc tượng.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng liên tục bởi chuông điện thoại, hết điện thoại di động đến điện thoại bàn. Pho phân trần, xin lỗi: “Bà con ở miệt Cà Mau, Bạc Liêu... gọi điện nhờ xuống vuông tôm xử lý giúp tình trạng tôm chết mùa hạn... Bà con mình khá lên là vui rồi, ai nỡ lấy tiền công”.
Điều cần nói thêm về tỉ phú tôm này: Nguyễn Văn Pho là một phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp trẻ của tỉnh Kiên Giang, kiêm chủ nhiệm CLB Nuôi tôm của huyện Vĩnh Thuận với 16 thành viên, tích cực “xốc” các phong trào Đoàn - Hội - Đội ở địa phương, đặc biệt là hỗ trợ nhiều bạn trẻ như mình làm kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận