09/04/2017 10:57 GMT+7

Phim Việt nghiêng xuống những phận đời ra sao?

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - Ba bộ phim ra mắt khán giả gần như trong cùng thời điểm: Dạ cổ hoài lang, Lô tô và Cha cõng con, cùng với Có căn nhà nằm nghe nắng mưa sắp tới, đã cho thấy một tín hiệu, một xu hướng đáng được khích lệ...

Hai cha con Mộc (Ngô Thế Quân đóng) và Cá (bé Tấn ở Làng SOS Phú Thọ) trong phim Cha cõng con - Ảnh: ĐPCC
Hai cha con Mộc (Ngô Thế Quân đóng) và Cá (bé Tấn ở Làng SOS Phú Thọ) trong phim Cha cõng con - Ảnh: ĐPCC

... Rằng điện ảnh Việt đã bắt đầu “sà” xuống những phận đời

Vài năm gần đây, khi điện ảnh Việt đang nở rộ về số lượng, những người làm phim, nói chính xác hơn là những người kinh doanh phim ảnh, vẫn nghĩ rằng khán giả chỉ quan tâm tới hài nhảm, sốc, xếch.

Họ vẫn “bay” lơ lửng với những đề tài mua vui vô thưởng vô phạt và dường như không chạm được đến ai; vẫn chạy đua kỳ tích phòng vé và tạo ra một thị trường điện ảnh vừa bát nháo vừa không có giá trị cốt lõi.

Tất nhiên, giữa thị trường điện ảnh chạy theo lợi nhuận đó, không phải không có những bộ phim tử tế, không phải không phát hiện ra những nhà làm phim nghiêm túc, có tài, có tự trọng nghề nghiệp.

Nhưng con số này vẫn quá ít, quá hiếm hoi và những bộ phim Việt vẫn ở đâu đó bên ngoài cuộc sống.

Những thân phận bên lề và kỳ tích phòng vé

Sự ra mắt của Dạ cổ hoài lang và Lô tô gần như cùng thời điểm: một về đề tài người già cô đơn và lạc lõng ở xứ người; một về những thân phận người đồng tính, chuyển giới trôi nổi, bấp bênh trong những gánh lô tô - những đề tài vốn rất khó thu hút khán giả, cuối cùng lại là một phép thử thành công khi cả hai đều tạo được những phản hồi, tranh luận xôm tụ, từ báo chí đến mạng xã hội, đồng thời tạo được hiệu ứng tại phòng vé.

Tất nhiên, sự vượt thoát về đề tài không đồng nghĩa với chất lượng, nhưng đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy điện ảnh Việt không chỉ có hài nhảm nữa mà còn có những phận đời để người xem chia sẻ, đồng cảm và phần nào thấy mình trong đó.

Thực ra, những đề tài tưởng “khó xơi” và hầu như không có yếu tố giải trí dạng này không hề kén khán giả nếu biết cách làm và biết cách chạm được vào cảm xúc của người xem.

Đề tài về tình cảm thiêng liêng của gia đình, thân phận con người hay những bi kịch nhỏ đôi khi lại tạo được những chấn động lớn và thành công vang dội về doanh thu.

Điện ảnh Hàn Quốc đã cho thấy điều này khi những bộ phim giản dị và xúc động về đề tài gia đình, không có ngôi sao lại thành công lớn; như các bộ phim Ode to my father (Lời hứa với cha) thu được 14,2 triệu lượt người xem, đứng thứ hai trong những bộ phim Hàn ăn khách nhất mọi thời.

Miracle in cell no.7 (Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7) thu hút 12,8 triệu lượt người xem; Miss Granny (Ngoại già tuổi đôi mươi) - 8,6 triệu lượt hay Mother - trên 3 triệu lượt... là những ví dụ điển hình nhất cho thấy sự vượt thoát về đề tài đã mang lại thành công lớn như thế nào!

Những bộ phim từng là hiện tượng của điện ảnh Hàn trong vài năm gần đây đều là những bộ phim về đề tài gia đình hay sự thiêng liêng của tình phụ tử, mẫu tử.

Diễn viên, nghệ sĩ Hữu Châu (vai Lệ Liễu) trong phim Lô tô
Diễn viên, nghệ sĩ Hữu Châu (vai Lệ Liễu) trong phim Lô tô

Ba cuộc thử lửa của phim Việt

Với điện ảnh Việt, hai thành công lớn gần đây của Em là bà nội của anh và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng khai thác đề tài về gia đình hay những ký ức thời thơ ấu gắn liền với làng quê.

Điều đó cho thấy khán giả ở đâu cũng vậy, họ có thể yêu thích giải trí, lựa chọn những bộ phim vui vẻ, nhẹ nhàng; nhưng họ vẫn chờ đợi và khao khát những bộ phim gần gũi và chạm vào được những cảm xúc bên trong.

Ba cuộc thử lửa trong một thời gian ngắn của phim Việt một lần nữa khẳng định lại những nhận định này. Dạ cổ hoài lang cho thấy điện ảnh vẫn... có đất cho người già.

Lô tô cho thấy điện ảnh chạm được vào những tình thế lưỡng nan của người đồng tính, chuyển giới mà không mang họ ra như một trò mua vui lố lăng, kệch cỡm hoặc bi kịch hóa theo kiểu mua nước mắt.

Cha cõng con - bộ phim nhiều thách thức để thu hút khán giả hơn lại cho thấy sự dũng cảm và dấn thân khi chuyển thể một câu chuyện nhỏ có tính biểu tượng và ẩn dụ về tình cha con và giấc mơ đô thị của những người nghèo miền núi.

Ba bộ phim tạo ra ba hiệu ứng khác nhau, chưa bộ phim nào thực sự vượt trội, vẫn còn bộc lộ những điểm sáo mòn và lệ thuộc vào tính ước lệ của sân khấu (Dạ cổ hoài lang); sự non tay trong việc xây dựng biểu tượng và ẩn dụ (Cha cõng con).

Lô tô vẫn còn ít nhiều sự vụng về trong xử lý kịch bản và vẫn hơi “đẹp” quá so với một bộ phim về những kẻ bên lề, dù vậy có thể coi Lô tô là bộ phim hoàn chỉnh nhất trong cả ba.

Đây cũng là bộ phim thành công nhất của cuộc “thử lửa” này về doanh thu, khi sau một tuần trình chiếu đã thu được khoảng 15 tỉ đồng và dự đoán sẽ vượt 20 tỉ đồng đến hết tuần này.

So với kinh phí chỉ khoảng 5 tỉ đồng và do một êkip mới, đạo diễn phim đầu tay thì Lô tô là một bộ phim thành công và giới thiệu được một gương mặt mới đầy triển vọng cho điện ảnh Việt!

Cha cõng con: Giản dị mà lay động

Cha cõng con, dự án điện ảnh kéo dài gần 10 năm của đạo diễn Lương Đình Dũng, vừa được trình chiếu cho khán giả vào ngày 5-4 và đồng thời cũng trở thành ứng cử viên sáng giá của giải Cánh diều vàng 2017 sẽ công bố vào đêm 9-4.

Cha cõng con vừa phần nào gợi nhớ đến những bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất trong những năm 1990 hay đầu những năm 2000 như Trái tim bé bỏng, Tâm hồn mẹ...; vừa mang dáng dấp của một bộ phim nghệ thuật thể nghiệm kiểu “art-house” của dòng phim độc lập.

Nửa đầu của bộ phim đưa người xem đến với không khí bảng lảng khói sương của vùng miền núi phía Bắc (qua góc máy tài hoa của nhà quay phim Lý Thái Dũng), nơi một trận lũ bùn đã chôn vùi nhà cửa, buộc cha con Cá phải di chuyển lên ngôi nhà chung cao hơn để sống tạm với những người cùng bản làng.

Ở đó, ta bắt gặp vẻ đẹp dung dị của một cộng đồng, những đứa trẻ hồn nhiên và những câu chuyện mang đậm màu sắc “huyền thoại phố phường” của chú Mù - một người đàn ông mang giấc mơ đô thị gãy cánh trở về và những câu chuyện phố phường kể lại cho lũ trẻ miền núi như một món quà.

Nửa sau của bộ phim là hành trình của cha con Cá lên thành phố, khi cậu bé bị phát hiện mắc một chứng bệnh hiểm nghèo. Những điểm sáng ở phần đầu về khả năng kể chuyện, chỉ đạo diễn xuất, xử lý bối cảnh lại là những điểm yếu và non tay ở nửa sau của bộ phim, khi đạo diễn xây dựng biểu tượng và ẩn dụ...

Dù vậy, Cha cõng con vẫn để lại những hình ảnh xúc động và có thể chạm vào trái tim người xem về tình phụ tử, về sự tương phản giữa đô thị và miền núi, đặc biệt sự xót xa của những bệnh nhân nghèo trong các bệnh viện thành phố.

Diễn xuất của hai diễn viên nghiệp dư đóng cha (Ngô Thế Quân) và con (bé Tấn ở làng SOS) cũng là một điểm sáng, với diễn xuất chân thực, giản dị nhưng có sức lay động.

Cha cõng con là một bộ phim có những tìm tòi về nghệ thuật đáng được khích lệ và đặc biệt là cách đạo diễn mời được những tên tuổi quốc tế và một êkip chuyên nghiệp cho bộ phim đầu tay của mình. Đây đích thực là một bộ phim chạm vào những phận đời bị quên lãng.

 

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên