Phóng to |
Trước đó, Tâm hồn mẹ cùng với Mùi cỏ cháy cũng chỉ mới được chiếu miễn phí trong khuôn khổ Tuần phim chào mừng Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần 17. Hai bộ phim đều là đứa con tinh thần của Hãng Phim truyện Việt Nam này chậm đến với khán giả tại Việt Nam dù đã hoàn thành từ rất lâu, một lần nữa phản ánh những vấn đề tồn tại trong việc khai thác lợi nhuận từ phim nhà nước.
Chiếu "không công, không lãi"
Giành giải Ban giám khảo tại LHP Việt Nam lần 17 (12-2011), giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Dubai lần 8 (dành cho gương mặt 12 tuổi Phùng Hoa Hoài Linh), phim Tâm hồn mẹ đã hoàn thành từ giữa năm ngoái nhưng đến nay chưa được ra rạp. Bộ phim chiến tranh Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười) đoạt nhiều giải thưởng trong LHP Việt Nam 17, trong đó có giải Bông sen bạc cũng gặp trường hợp tương tự.
Vì vậy, việc một lần nữa Tâm hồn mẹ được chiếu miễn phí không khiến đạo diễn Nhuệ Giang vui mừng. Buổi chiếu phi lợi nhuận tại Trung tâm Hỗ trợ tài năng điện ảnh theo đạo diễn chỉ mang tính chất học tập. "Hơn nữa, với một buồng chiếu rất nhỏ, không đủ trang thiết bị để có thể giới thiệu đến người xem bản phim nhựa chất lượng, là công sức, tâm huyết của người làm phim" - đạo diễn Nhuệ Giang cho biết.
Sự chậm trễ trong khâu phát hành một lần nữa bắt người làm nghề phải suy nghĩ. Có một thực tế sau khi sản xuất phim bằng tiền nhà nước, không có một cơ chế hoặc tiền lệ nào từ một hãng phim nhà nước tính đến vấn đề... đầu ra của phim. Bộ phim làm ra là tài sản của hãng, nhưng bản thân hãng không đủ cả sức mạnh về tinh thần (tin rằng phim nghệ thuật có người xem), kinh tế (ví dụ: tiền chuyển các bản phim nhựa sang HD cho các rạp hoặc tiền in các bản phim...) cũng như kinh nghiệm để dám làm quyết liệt: mở họp báo, làm trailer phim, quảng bá phim, móc nối với các đối tác như công ty truyền thông, rạp chiếu bóng... Chưa kể với những con số doanh thu và lợi nhuận thấp sau một vài lần bắt tay giữa hãng với các đơn vị tư nhân (cụ thể nhất là trường hợp phim Vũ điệu đam mê kết hợp với Galaxy) khiến tâm lý ngại bỏ tiền hay tin rằng phim nghệ thuật "ma nó xem" càng chắc như đinh đóng cột. Ngược lại, cũng không ai có thể bắt một đơn vị tư nhân tin tưởng mua những phim mà họ cho rằng không có khả năng sinh lời. |
Từ hàng ghế khán giả, nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Ðiệp thể hiện nỗi buồn lớn về số phận Tâm hồn mẹ - một tác phẩm "có thể khiến người lớn phải bịt mắt trẻ con ở vài phân đoạn nhưng quá hấp dẫn và cảm động bởi bao nhiêu thứ tình trong phim". Trao đổi lại, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho biết khi biết một số đơn vị tư nhân muốn mua bản quyền phát hành nhưng chỉ trả rất rẻ 100-150 triệu đồng, có học trò của chị đã chua xót nói: "Nếu có 200 triệu, em sẽ mua ngay phim của cô để phát hành!".
Một kỷ niệm được nữ đạo diễn chia sẻ lại, khi bộ phim Tâm hồn mẹ mang đi Mỹ, câu hỏi đầu tiên mà khán giả ở đây đặt ra: Hiệu quả phát hành phim này ở Việt Nam như thế nào? Khi nghe thông tin mình là những "khán giả may mắn đầu tiên" thưởng thức tác phẩm, có khán giả Mỹ... hăng hái hiến kế: "Thế thì chị cứ tung phim lên trang YouTube để phim nổi tiếng hơn". Ðạo diễn Nhuệ Giang đành phải giải thích: không thể "cố đấm ăn xôi" như vậy, một bộ phim bỏ ra 6,6 tỉ đồng mà chiếu không công không lãi như thế, khó lòng làm nổi!
Chuyện phát hành: 10 năm chưa thay đổi
Chia sẻ mong muốn được thưởng thức hai bộ phim đã gây chú ý qua nhiều giải thưởng với giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, ông Vương Ðức cho biết đã có 10 bản phim Tâm hồn mẹ phát hành trong hệ thống chiếu bóng quân đội, còn kế hoạch phát hành dân sự đang tiến hành". Ông Vương Ðức cũng bày tỏ sự ngạc nhiên vì "điện ảnh còn rất nhiều điều phải lo, vì sao nhà báo lại quan tâm đến phát hành, vấn đề 10 năm nay đã không thay đổi!".
Tỏ ra không thích thú nói đến sự bế tắc trong khâu phát hành, ông Vương Ðức chốt lại: "Chúng tôi sẽ cho ra mắt phim Tâm hồn mẹ trước ngày 8-3. Trường hợp phim Mùi cỏ cháy sẽ phát trước ngày 30-4, kế hoạch cụ thể phải đợi văn bản của Bộ VH-TT&DL".
Như vậy, sự thông báo của người cầm cân nảy mực sẽ như một lời tạm hứa đối với các nhà làm phim và những khán giả đang chờ xem một số bộ phim mới được coi là lớn của nước nhà.
Còn trong thời gian chờ đợi, như cách của nữ đạo diễn Nhuệ Giang, chị vẫn tiếp tục mang phim tới khán giả bằng các buổi chiếu nhỏ tại Hà Nội hoặc tự tìm cơ hội thương mại cho phim bằng việc dự LHP quốc tế, mới nhất sẽ là LHP Ðông Nam Á (Southeast Asian Film Festival) diễn ra ngày 3-3 tại Singapore.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận