31/03/2023 09:03 GMT+7

Phim lồng tiếng, khán giả 'hết muốn xem'

Khán giả phản ứng một số phim đang phát sóng giọng giả, không khớp miệng... làm ảnh hưởng chất lượng phim. Đó là những phim lồng tiếng.

Nhiều khán giả chê giọng lồng tiếng vai diễn người cha trong phim Vạn dặm nhân sinh - Ảnh: ĐPCC

Nhiều khán giả chê giọng lồng tiếng vai diễn người cha trong phim Vạn dặm nhân sinh - Ảnh: ĐPCC

Mới phát sóng vài tập đầu, bộ phim Mặt trời mùa đông tạo được sự chú ý nơi khán giả với số lượng người xem cao - 15 triệu lượt người xem trên các nền tảng. Tuy nhiên, nhiều khán giả phàn nàn phim giảm hấp dẫn vì hai nữ diễn viên chính Trình Mỹ Duyên và Quỳnh Lương thoại bằng giọng lồng tiếng nghe giả. 

Có ý kiến cho rằng: "Có thể nào không lồng tiếng được không, mất hay bộ phim", "Phim hay mà lồng tiếng nghe như phim thời xưa".

Bốn lý do chính làm rào cản khiến phim truyền hình cứ phải lồng tiếng đó là yếu kỹ thuật, môi trường sản xuất, con người chưa chuyên nghiệp và kinh phí sản xuất quá thấp.

Đạo diễn Minh Cao

"Ước gì đừng có lồng tiếng"

Theo nhà sản xuất, Trình Mỹ Duyên và Quỳnh Lương nói giọng miền Bắc nên được lồng tiếng miền Nam cho khán giả dễ nghe và phù hợp với kịch bản khi cả cha và mẹ đều nói giọng Nam. 

Có thể cả hai diễn viên này đều đã thể hiện giọng thật của mình trong phim Đừng làm mẹ cáu (Quỳnh Lương) hay Đừng nói khi yêu (Trình Mỹ Duyên) nên khán giả cảm thấy lạ.

Bộ phim Vạn dặm nhân sinh cũng bị phàn nàn vì thoại được lồng tiếng. Cụ thể, nhân vật người cha do nghệ sĩ Thanh Nam hóa thân có giọng lồng tiếng không phù hợp. 

Nhiều khán giả than: "Giọng của chú Nam hay, tại sao lại lồng tiếng", "Ước gì đừng có lồng tiếng vì mình thích giọng thật của diễn viên", "Nghe lồng tiếng hết muốn xem"...

Trong thời gian qua, khá nhiều phim Việt đều dùng công nghệ lồng tiếng. Cách làm này tiếp tục bộc lộ nhiều nhược điểm như thoại phim thiếu cảm xúc, khẩu hình miệng không khớp với lời. 

Có phim, khẩu hình của diễn viên không hoạt động nhưng những tiếng "ừm, à..." vẫn phát ra. Thậm chí, tiếng khóc, tiếng cười vang lên trong lúc khuôn mặt nhân vật... lạnh băng.

Anh Trần Trọng Hiếu vừa là diễn viên đóng phim và diễn viên lồng tiếng cho biết bản thân anh luôn thích tham gia phim thu tiếng trực tiếp vì các diễn viên được sống với nhân vật bằng hơi thở, bằng câu thoại nên phim "đời" hơn. 

Tuy nhiên, anh cũng nhìn nhận rằng nếu vai diễn được giao cho ca sĩ, người mẫu... đài từ yếu thì buộc lòng phải lồng tiếng để an toàn.

"Một số phim khán giả thấy giọng giả theo tôi có lẽ bởi diễn viên lồng tiếng mới chưa có sự tiệm cận, điều tiết giọng nói mình với diễn viên trên màn ảnh. Hiện diễn viên lồng tiếng có thể lồng tiếng cho cả phim Việt lẫn phim nước ngoài. 

Tuy nhiên, hai việc lồng tiếng này khác nhau bởi "đô" diễn của diễn viên nước ngoài khác diễn viên Việt", anh Hiếu nói.

Rào cản kỹ thuật, con người, kinh phí

Việc thu tiếng đồng bộ trong phim Việt thật ra chẳng có gì mới mẻ. Cách đây gần 20 năm, khi giờ vàng phim Việt trên HTV7 ra đời, các phim phát sóng trong giờ này đều thu tiếng trực tiếp. Còn hiện tại, các phim do Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC sản xuất cũng thu tiếng trực tiếp.

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền kể dù chọn quay ở miền quê vắng vẻ cho phim Mẹ rơm, những phân đoạn quay ở gần con suối dễ bị tạp âm bởi tiếng suối chảy. 

Anh em trong bộ phận quay phim và kỹ thuật của Mẹ rơm đều của Hãng phim VFC nên họ có kinh nghiệm xử lý những vấn đề phát sinh như vậy. Kinh phí sản xuất phim cũng giúp đoàn phim dễ dàng thực hiện các ý định.

Dẫu vẫn có khen, có chê về giọng thật của các diễn viên, nhưng việc thu tiếng trực tiếp giúp diễn viên thể hiện trọn vẹn vai diễn, khán giả xem phim cũng thấy dễ chịu...

Nhưng tại sao đến nay, ngoài phim của VFC sản xuất, phần lớn phim Việt lại trở về việc lồng tiếng như xưa? "Đạo diễn chúng tôi đều muốn phim diễn thật, giọng thật lắm chứ nhưng điều kiện sản xuất phim truyền hình bây giờ rất khó để làm được điều này", đạo diễn Minh Cao cho biết.

"Với những hãng phim nhà nước kinh phí sản xuất kha khá thì phương án thu tiếng trực tiếp khả thi. Nhưng ở các hãng phim tư nhân thì kinh phí sản xuất phim truyền hình Việt hiện nay so với 20 năm trước không thay đổi thì rất khó thể chọn phương án thu tiếng trực tiếp. 

Chưa kể đến nay, phim Việt vẫn quay chủ yếu ở nhà dân, ngoài đường. Việc giữ trật tự phim trường vừa vất vả, vừa tốn thời gian...", đạo diễn Minh Cao cho biết.

Một lý do khác, theo đạo diễn Minh Cao, là các diễn viên chạy sô khá nhiều để kiếm sống chứ không toàn tâm toàn ý như xưa, diễn viên không có thời gian học thuộc thoại nên cần người nhắc thoại ở phim trường rồi sau đó dùng cách lồng tiếng lại.

"Lồng tiếng không phải là nói như trong phim chưởng"'Lồng tiếng không phải là nói như trong phim chưởng'

TTO - Khán giả Việt Nam thập niên 1990 và 2000 từng nghĩ "lồng tiếng" nghĩa là các giọng nói như trong phim chưởng, phim bộ Hong Kong.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên