Phóng to |
Ông Aquino (thứ hai từ trái sang) đặt chân đến Mỹ ngày 6-6 - Ảnh: GOV.PH |
Theo Reuters, ngày 9-6 (giờ VN) ông Aquino gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Hai tổng thống đã gặp nhau bốn lần trong hai năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên ông Obama tiếp ông Aquino trong phòng bầu dục tại Nhà Trắng. Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr. mô tả cuộc gặp sẽ “đặt nền móng hợp tác chiến lược trong tương lai” giữa hai nước.
Cuộc gặp diễn ra trong lúc quan hệ Philippines và Trung Quốc đang rất căng thẳng do tranh chấp trên bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Giới quan sát Philippines và phương Tây đánh giá đây là cơ hội để ông Aquino tìm kiếm sự bảo đảm từ Mỹ trong việc hỗ trợ Manila hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường an ninh hàng hải.
Nhấn mạnh hợp tác quốc phòng
Reuters dẫn lời đại sứ Cuisia cho biết hai tổng thống dành nhiều thời gian để thảo luận các vấn đề hợp tác quân sự và an ninh, hợp tác kinh tế, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa... Vấn đề biển Đông cũng được đề cập trong phần thảo luận về an ninh biển. Báo Philippines Daily Inquirer cho rằng chuyến thăm của ông Aquino nhấn mạnh tầm quan trọng của Manila trong chiến lược tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương của Washington.
Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận phương hướng mở rộng hợp tác, đặc biệt trên lĩnh vực quân sự. Trước đó tại Washington, tướng Martin Dempsey - chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - tuyên bố Philippines “thiếu năng lực triển khai sức mạnh và tầm ảnh hưởng đối với các hoạt động ở xung quanh”. Ông nhấn mạnh Manila cần năng lực đó, nhất là trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Tướng Dempsey cũng cho biết ông và Tổng thống Aquino đã thảo luận về việc cần thiết phải duy trì tự do hàng hải trên biển Đông.
Một ngày trước khi ông Aquino đến Washington, Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng với Manila trên các lĩnh vực như an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, hỗ trợ cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc. Nghị quyết còn kêu gọi giúp Manila hiện đại hóa quân đội. Chính quyền Philippines tuyên bố đánh giá cao cử chỉ tốt đẹp từ “những người bạn ở Mỹ”.
GMA News dẫn lời các quan chức Philippines nhận định nghị quyết mới của Thượng viện Mỹ đã xác nhận lại cam kết của Washington trong việc tôn trọng Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines năm 1951. Theo đó, Washington sẽ giúp Manila về quốc phòng trong trường hợp Philippines bị tấn công.
Ông Aquino cũng sẽ gặp gỡ các thượng nghị sĩ Mỹ. Theo đại sứ Cuisia, các thượng nghị sĩ Mỹ rất quan tâm về vấn đề biển Đông và muốn lắng nghe Tổng thống Aquino để hiểu về các diễn biến trên biển Đông hiện nay.
Nghiêm túc và cấp bách
Sau cuộc hội đàm cấp cao song phương hồi tháng 4, chính quyền Obama đã cam kết tăng số tiền trong chương trình bán vũ khí hằng năm cho Philippines lên 30 triệu USD, gấp ba lần so với mức hồi năm 2011. Reuters dẫn lời chuyên gia Walter Lohman thuộc Tổ chức tư vấn Heritage cho biết đây là vấn đề cấp bách với Philippines và Manila đang đề nghị Washington hỗ trợ vũ khí một cách nghiêm túc. Sự cấp bách xuất phát từ vụ chạm trán với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough từ hồi đầu tháng 4.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Mỹ đang rất thận trọng trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines. Năm 1992, Manila không gia hạn cho Washington sử dụng các căn cứ quân sự ở nước này và thông qua một điều khoản trong hiến pháp cấm đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ. Hơn nữa tâm lý chủ nghĩa dân tộc ở Philippines vẫn còn rất cao.
Trong chiến lược mới của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, Washington sẽ không lập căn cứ quân sự trong khu vực. Tuy nhiên Mỹ sẽ triển khai 2.500 binh sĩ Mỹ luân chuyển tại căn cứ Darwin (Úc). Các quan chức Mỹ cho biết bất cứ thỏa thuận mới nào với Philippines cũng sẽ có quy mô nhỏ hơn so với chương trình đang thực hiện với Úc.
Dù vậy tướng Martin Dempsey tiết lộ Washington đang nhắm đến một số địa điểm tiềm năng tại Philippines để tăng cường tập trận và hiện diện quân sự luân phiên. Mới đây Bộ Quốc phòng Philippines đã “chào mời” quân đội Mỹ trở lại các căn cứ quân sự cũ Mỹ từng sử dụng là Subic và Clark.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận