Bị cáo Đinh La Thăng đang trình bày trước HĐXX ngày 9-5
Sáng 9-5, phiên toà phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục với phần xét hỏi ông Thăng.
Do nhiều nội dung mâu thuẫn trong việc chỉ đạo ký thầu, tạm ứng tiền và việc các báo cáo, phản đối về sự bất thường trong hợp đồng gửi các lãnh đạo đều "không nhận được", HĐXX đã cho tạm dừng phiên toà để chờ ông Hồ Công Kỳ, nguyên chánh văn phòng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để làm rõ vấn đề này vào chiều hôm nay.
Thủ tướng cho phép chỉ định thầu
Mở đầu phiên xử, HĐXX đã gọi hỏi bị cáo Đinh La Thăng về việc kháng cáo xin xem xét lại toàn bộ bản án và những lời khai của các bị cáo khác khẳng định ông Thăng là người trực tiếp chỉ đạo chỉ định thầu, thúc ép tạm ứng tiền bất chấp các phản đối của người có trách nhiệm.
Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định mình không phạm tội cố ý làm trái và kêu oan, đề nghị HĐXX xem xét lại bản án và mức bồi thường trách nhiệm dân sự.
Hội đồng xét xử thẩm vấn bị cáo Đinh La Thăng
Theo ông Thăng, bản án sơ thẩm đã không xem xét Dự án Nhiệt Điện Thái Bình 2 trong bối cảnh tổng thể chính trị, kinh tế khi thực hiện là phát huy nội lực phát triển kinh tế kinh doanh đa ngành của tập đoàn.
Vào thời điểm năm 2006, thủ tướng chính phủ đã cho phép tập đoàn được pháp tự thực hiện dự án. Tới năm 2009, thủ tướng tiếp tục cho PVN thực hiện dự án theo hướng này. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đó đã cho phép thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù.
Theo đó, khi PVN thực hiện dự án được vừa thiết kế, vừa thi công. Kết luận của thủ tướng chính phủ cũng yêu cầu phải phát triển tỉ trọng doanh thu về dịch vụ từ 10% lên 35% trong kế hoạch tới năm 2025.
PVN đã ban hành nghị quyết để triển khai kế hoạch này, và việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện là nằm trong lộ trình này.
"Cấp sơ thẩm cũng chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân của bản thân tôi. Dù ở cấp sơ thẩm, tôi đã nhận trách nhiệm người đứng đầu, tôi thiếu kiểm tra, giám sát dẫn tới hậu quả. Tuy nhiên, mong HĐXX xem xét vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tập đoàn.
Dự án đã được phân công, phân cấp rõ ràng. Dự án giao cho PVPower, tổng giám đốc và các thành viên tham gia chỉ đạo.
Khi đó anh Phùng Đình Thực (nguyên tổng giám đốc PVN) có trách nhiệm rất cao, thành lập ban chỉ đạo. Trách nhiệm của từng cá nhân là phải thực hiện chứ không liên quan tới việc chỉ đạo của cá nhân tôi.
PVPower dù là công ty con của PVN, nhưng vai trò, chức năng, địa vị pháp lý là độc lập như PVN nên không thể nói tôi chỉ đạo làm sai được", bị cáo Thăng trình bày.
Bị cáo Phùng Đình Thực tại tòa
Không thấy, không biết, không thúc ép
Chủ toạ phiên toà hỏi bị cáo Đinh La Thăng: "Theo lời khai của các bị cáo khác, bị cáo Đinh La Thăng liên tục thúc ép chỉ định thầu, tạm ứng tiền cho PVC, trong khi PVC không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật…, vì sao nói không?"
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời: "Theo chỉ đạo của thủ tướng là đồng ý cho chỉ định thầu, phải đáp ứng đúng quy định pháp luật, có đầy đủ năng lực, đảm bảo chất lượng, thời hạn thi công. Bị cáo cũng chỉ đạo cấp dưới đúng với các nội dung như thế.
Bị cáo chỉ chỉ đạo chung, kết luận chung trong các cuộc họp chứ không chỉ định làm trái quy định pháp luật. Việc PVPower ký kết với PVC là quyền độc lập, hai bên tự nguyện ký kết, thực hiện chứ không liên quan tới chỉ đạo của bị cáo.
Việc quy kết bị cáo chuyển tiền 10% cũng không đúng, vì bị cáo chỉ chỉ đạo theo quy định pháp luật là tạm ứng như vậy, sau đó chỉ đạo này cũng không được thực hiện vì nội dung hợp đồng chỉ tạm ứng 6%".
Với nhiều câu hỏi của HĐXX về việc bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên trưởng ban quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) khai đã nhiều lần báo cáo, gửi văn bản phản đối hợp đồng và tạm ứng tiền, vì sao bị cáo Thăng vẫn liên tục thúc ép chuyển tiền?
Bị cáo Thăng phản ứng: "Tôi hoàn toàn không nhận được bất cứ văn bản hay báo cáo nào liên quan tới thông tin hợp đồng số 33 (hợp đồng tổng thầu thi công nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2). Việc bị cáo Chương trình bày tới trực tiếp gặp tôi phản đối là không đúng. Ngày mà bị cáo Chương trình bày gặp tôi, tôi đi tiếp xúc cử tri ở Thanh Hoá thì làm sao gặp mà ép như lời khai này".
Theo bị cáo Thăng, lời khai của các bị cáo khác, bao gồm các nguyên lãnh đạo PVN cần phải khách quan, trung thực, vì việc phân công, phân quyền rất rõ. Khi ký hợp đồng tổng thầu, toàn bộ báo cáo tài chính của PVN là đủ điều kiện.
PVN năm đó lãi hơn 1 ngàn tỷ, cũng từng tham gia liên danh tổng thầu với các doanh nghiệp thực hiện các dự án lớn hơn dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Chỉ tới khi vụ án bị khởi tố, khi gặp lại các bị cáo khác bị cáo Thăng mới biết ề những bất ổn về tài chính của PVN.
"Theo tôi, cái sai lớn nhất là việc ký hợp đồng trái pháp luật, chuyển tiền tạm ứng trái pháp luật và sử dụng tiền trái pháp luật gây ra hậu quả nghiêm trọng", bị cáo Thăng nói.
Phiên toà sẽ tiếp tục vào lúc 14h chiều nay (9-5).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận