Hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Nuon Chea (trái) và Khieu Samphan trong phiên tòa của ECCC ngày 16-11 - Ảnh: Reuters
ECCC, với sự hỗ trợ của quốc tế thông qua Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên tuyên án tội "diệt chủng" với các cựu thủ lĩnh chế độ Khmer Đỏ, bốn thập kỷ sau khi có tổng cộng ít nhất 1,7 triệu người (1/5 dân số Campuchia khi đó) chết do bị hành quyết, lao động khổ sai, bệnh tật và chết đói.
“Phán quyết ngày 16-11 sẽ là một sự kiện lịch sử đối với ECCC, cho Campuchia, cho thế giới và cho cả công lý quốc tế.
Ông Neth Pheaktra (người phát ngôn tòa sơ thẩm của ECCC)
Chính sách "tiêu diệt" người Việt
Thẩm phán Nil Nonn chủ trì phiên tòa tuyên đọc phán quyết, khẳng định chế độ Khmer Đỏ đã có chính sách tiêu diệt người Chăm và người Việt Nam để "tạo ra một xã hội vô thần và thuần nhất không phân chia giai cấp".
Phán quyết phạm tội diệt chủng cũng được tòa ECCC tuyên với hai cựu thành viên cấp cao còn sống của Khmer Đỏ là ông Nuon Chea, 92 tuổi và ông Khieu Samphan, 87 tuổi.
Ông Nuon Chea phạm tội diệt chủng với người Chăm và người Việt Nam, còn ông Khieu Samphan phạm tội diệt chủng với người Việt Nam.
Hai ông Nuon Chea và Khieu Samphan hiện cũng đang thụ án tù chung thân vì các tội ác chống lại loài người từng được tuyên trong phiên tòa lần trước, năm 2014.
Với tội diệt chủng lần này, hình phạt cho mỗi người là một án tù chung thân khác nữa, và tòa đã gộp hai án này thành một.
Ở phiên tòa năm 2014, cả hai ông này từng phủ nhận trách nhiệm liên quan tới các hành vi tàn bạo của Khmer Đỏ, mặc dù họ đã là những lãnh đạo cấp cao nhất trong chế độ ấy.
Ông Nuon Chea, còn được biết với tên gọi "người anh em số hai", là cánh tay phải của trùm độc tài đã chết Pol Pot. Trong khi đó, theo thẩm phán Nil Nonn, ông Khieu Samphan từng là cựu chủ tịch nước trong Nhà nước Campuchia dân chủ.
Đã có ít nhất 1,7 triệu người chết vì đói, bị tra tấn (rút bỏ móng tay móng chân, dùng túi nhựa chẹn cho ngạt thở), hành quyết hoặc lao động khổ sai (bắt đi xây dựng các hồ, đập thủy điện) trong suốt 4 năm chế độ Khmer Đỏ nắm quyền, từ 1975-1979.
Ngoài ra, những người Hồi giáo bị bắt ép ăn thịt heo, các viên chức bị chích điện.
Theo giới quan sát, với những thành viên còn sót lại của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ nay đều đã lớn tuổi, phiên tòa ngày 16-11 rất có thể sẽ là phiên tòa cuối cùng xét xử những kẻ gây ra tội ác kinh hoàng một thời.
Dù vậy, với những người như bà Iam Yen, 52 tuổi, một nhân chứng từng phải trình bày lời khai trước tòa về những năm tháng bị giam trong một trại trẻ em dưới thời Khmer Đỏ, sự việc có thể đã kết thúc, nhưng với bà, "sẽ mãi mãi bà chẳng thể nào có được sự bình yên".
Gian nan hành trình kết án
Trong hơn một thập kỷ qua, kể từ khi thành lập năm 2005, theo báo New York Times, Tòa án ECCC đã phải thẩm duyệt qua hàng trăm ngàn trang hồ sơ, triệu tập hàng trăm nhân chứng và lắng nghe chi tiết về cách thức chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vận hành những cánh đồng chết của chúng.
Toàn bộ quá trình đó đã tiêu tốn hơn 300 triệu USD.
Dù vậy tới nay ECCC cũng mới chỉ tuyên án được 3 chỉ huy cao cấp của Khmer Đỏ với những tội ác chống lại loài người là các ông Nuon Chea, Khieu Samphan và Kaing Guek Eav. Chỉ 5 chỉ huy cấp cao của Khmer Đỏ bị bắt và đưa ra xét xử.
Tuy nhiên do quá trình thụ lý quá lâu nên hai bị cáo lớn tuổi khác là Ta Mok và Ieng Sary đã chết khi tòa chưa tuyên án. Trùm thủ lĩnh Pol Pot chết năm 1998. Ngoài ra cũng đã có 4 cựu quan chức khác của Khmer Đỏ bị kết án trong hai phiên tòa khác do ECCC giải quyết.
Sau phán quyết ngày 16-11 của ECCC, Thủ tướng Campuchia Hun Sen bày tỏ rõ quan điểm ông muốn dừng lại công tác xét xử này.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến khác muốn ECCC tiếp tục đưa ra công lý nhiều cựu quan chức cấp thấp hơn của Khmer Đỏ, bởi họ tin đó mới chính là những đối tượng từng thực thi các tội ác khủng khiếp nhất của chế độ diệt chủng.
Các tội ác trong vụ án 002/02
Hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ bị kết án trong vụ án 002/02 vì đã tham gia một loạt tội ác như dùng nhục hình tra tấn và giết người tại các trung tâm an ninh và các khu vực hành quyết, cưỡng ép hôn nhân và cưỡng hiếp, tội diệt chủng cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi và người Việt Nam.
Cùng với đó, hai ông Nuon Chea và Khieu Samphan còn vi phạm Công ước Geneva vì chính sách tra tấn, giết hại quân nhân và người dân Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận