05/10/2015 09:32 GMT+7

“Phía sau tuyển tập ngàn trang”

HỒ TẤN VŨ
HỒ TẤN VŨ

TT - Ông bảo nghề mổ heo của mình là chỉ để kiếm cơm, nuôi con và đáp ứng thú vui đèn sách.

Ông Phạm Ngô Minh - Ảnh: Tấn Vũ
Ông Phạm Ngô Minh - Ảnh: Tấn Vũ

>> Kỳ 1: Kẻ sĩ đất Quảng

>> Kỳ 2: Cất lên “tiếng nói của dân”

>> Kỳ 3: Cụ Huỳnh, báo Tiếng Dân và chủ quyền biển đảo

>> Kỳ 4: Vị viện trưởng can trường

Ông khiêm tốn bảo rằng mình không được học hành tử tế, nhưng sách ông viết về người xưa, đặc biệt là nhân vật lớn của đất nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng là viết như gắn cuộc đời mình vào từng con chữ để trả nợ tiền nhân.

Nhưng điều bất ngờ là sách ông viết ra chẳng những được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, mà còn đoạt nhiều giải thưởng danh giá. Ông là Phạm Ngô Minh, 58 tuổi, ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

Tự học để viết sách

Căn nhà hai tầng sát ngay ngã tư Nguyễn Công Trứ và Ngô Quyền (TP Đà Nẵng) chứa đầy sách. Sách nhiều đến độ có thể gọi căn nhà của ông Phạm Ngô Minh là thư viện mini cũng không ngoa.

Đặc biệt những cuốn sách cổ, tạp chí rất quý hiếm tưởng chừng đã mất hút thì được ông lưu giữ khá đầy đủ.

Ông Minh bảo đã 31 năm qua, đêm nào ông cũng thức dậy lúc 1g sáng giúp vợ mổ heo, mua bán, quản lý và chốt sổ lúc 9g cùng ngày, sau đó ông vùi đầu vào sách.

Ông mê sách đến độ nếu có một cuốn sách hay, sách cũ cần tìm, có người mách bảo thì dù ở Hà Nội hay TP.HCM ông cũng mua vé máy bay đến mua cho bằng được.

“Nghe có vẻ đầy tương phản rằng người mổ heo lại đi viết, sưu tầm sách. Đó là mặc định của người đời. Nhưng tôi chỉ biết nói rằng mỗi người có một niềm đam mê riêng và cái nghề kiếm cơm kia chỉ là phục vụ cho niềm yêu thích của mình mà thôi” - ông Minh tâm sự.

Không biết đi xe máy nhưng nghe ngóng nơi đâu có sách quý, sách cũ là ông bắt cô con gái chở đến và mang về nhà.

Dẫn chúng tôi lên tầng hai của căn nhà, ông Minh khoe rằng nhiều tạp chí danh tiếng ngày xưa như Nam Phong, Phong Hóa Tuần Báo, Văn Hóa Ngày Nay, Duy Tân, Thanh Nghị, Vạn Hạnh, Tư Tưởng... ông đều đóng thành tập bìa cứng và cất giữ một cách cẩn trọng, gọn gàng trong tủ.

Đó là chưa kể hàng loạt sách cổ, tiểu thuyết và sách quý từ thời Pháp thuộc đến trước năm 1975 đều được ông lưu giữ cẩn thận. Tủ sách ông Minh hiện tại có đến hơn 2.500 đầu sách như vậy. Mới đây tủ sách của ông đã đoạt giải nhì cả nước về tủ sách gia đình.

Rót chén chè xanh mời khách, ông Minh bảo rằng mình nói giọng Huế là nói theo giọng của mẹ, nhưng gốc tích là Quảng Nam. Cha ông người làng Bảo An, Gò Nổi thuộc huyện Điện Bàn nhưng ra Đà Nẵng sinh sống từ năm 1957.

“Cha mất khi tôi 5 tuổi. Mẹ đi lấy chồng khác và ba anh em tôi tự lo liệu. Tôi học Trường Khiết Tâm ở Đà Nẵng và sau giải phóng thì công tác tận huyện miền núi của Quảng Nam rồi bắt đầu tự mày mò, tự nghiên cứu và tự học...” - ông Minh kể.

Việc học của ông Minh chưa một ngày dừng lại trong suốt gần 60 năm cuộc đời. Dần dà ông trở thành người viết, sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, đặc biệt là các tư liệu về danh nhân và khoa bảng Quảng Nam như Trần Quý Cáp, Phan Khôi, Phạm Phú Thứ...

Ông Minh bảo mình thích làm công việc này vì niềm đam mê thực thụ, không cần nổi tiếng cũng chẳng viết sách để kiếm tiền.

Nhưng ông Minh cho rằng hạnh phúc nhất của ông là được cùng giáo sư Chương Thâu (Viện Sử học Việt Nam) hoàn thành cuốn sách Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập dày 1.850 trang, được Nhà xuất bản Đà Nẵng in vào năm 2010.

Ông Minh bảo rằng cuốn sách là tâm huyết cả đời của ông để viết về một người kiệt xuất của xứ Quảng và đất nước.

Sau khi cuốn sách ra đời và được các độc giả, các nhà nghiên cứu đánh giá khá cao, năm 2011 cuốn sách Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập đã được Hội Xuất bản Việt Nam chính thức trao giải thưởng sách đẹp, sách hay của năm.

Ông Minh bảo rằng giải thưởng là những ghi nhận công sưu tầm của ông và giáo sư Chương Thâu, còn bản thân những tư liệu nó đã tự hay và cái khó nhất là thời gian và công sức.

“Họ gọi tôi ra Hà Nội trao cái giấy khen và phần thưởng 14 triệu đồng. Vui là chính nhưng nói về tiền bạc so với công sức mình thì chẳng thấm vào đâu” - ông Minh vui vẻ nói.

Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng do GS Chương Thâu và ông Phạm Ngô Minh biên soạn - Ảnh: T.V.
Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng do GS Chương Thâu và ông Phạm Ngô Minh biên soạn - Ảnh: T.V.

Đời sau phải nhớ cụ Huỳnh

Ông Phạm Ngô Minh kể rằng để viết về cụ Huỳnh là điều cực kỳ khó khăn, bởi hàng loạt nhà nghiên cứu tên tuổi trước đó đã viết rồi.

“Tôi bắt đầu vào TP.HCM gặp ông Nguyễn Q.Thắng, người đã viết rất kỹ về cụ Huỳnh, để tìm hiểu. Ra tận Hà Nội trong vòng một năm trời, chưa hết phải đi tìm từng tờ báo Tiếng Dân, trong 16 năm tồn tại của tờ báo nổi tiếng này của cụ Huỳnh từ Huế, Thư viện Đà Nẵng, Thư viện Tổng hợp quốc gia tại Hà Nội và TP.HCM để photo lại các bài báo.

Nhờ cả người thân từ bên Pháp lục tìm tài liệu về cụ Huỳnh gửi về Việt Nam” - ông Minh kể.

Tuyển tập với độ dài 1.850 trang bao gồm gần 100 bài thơ, những bài văn tuyển giai đoạn 1927 - 1936 của Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dân. Những bài báo của cụ Huỳnh viết trong những năm 1936 - 1943 được các tác giả chia theo từng chủ đề.

Ngoài ra, ông còn trích đăng một số văn bản, tác phẩm có bình luận về thơ văn của cụ Huỳnh, qua đó khẳng định và lý giải một số ý kiến chưa dứt khoát về cụ.

Ông Minh cho rằng chính trong quá trình làm sách về cụ Huỳnh cũng là thời gian ông học được rất nhiều từ những tác giả tên tuổi qua các bài viết sắc sảo và rất có giá trị về cụ Huỳnh.

Sở dĩ ông cất công sưu tầm và biên soạn cuốn sách dày đến 1.850 trang với rất nhiều công sức, ông Minh cho rằng:

“Tôi muốn cho con cháu đời sau biết về cụ một cách đa chiều và rộng rãi. Đặc biệt những tư tưởng của cụ, lòng kiên trung của kẻ sĩ, làm quan không phải để “vinh thân phì gia” đáng để chúng ta suy ngẫm và con cháu học hỏi. Tôi thấy phong trào Duy Tân và những tư tưởng của nó bây giờ vẫn còn tính thời sự”.

Nhận xét về cuốn sách Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học, cho rằng đến nay đã có nhiều cuốn sách khảo cứu, biên soạn về cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng độc giả vẫn mong có được công trình đầy đủ hơn, toàn diện hơn, nói lên những cống hiến đa diện của cụ Huỳnh vào lịch sử dân tộc.

Và cuốn sách này đã có thể đáp ứng được lòng mong muốn đó. “Cuốn sách đã công bố được hầu hết tác phẩm của cụ Huỳnh cũng như những bài viết của các nhà chính trị, nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà sử học... viết về cụ. Tất cả đã nói lên các hoạt động đa phương đa diện của cụ Huỳnh” - giáo sư Văn Tạo viết.

Nhận xét về tấm gương tự học của ông Minh, nhà giáo Lại Thế Luyện, Đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng trong giáo dục có lẽ chúng ta chưa bao giờ cần nhấn mạnh đến việc tự học như lúc này.

Mà muốn tự học thì phải có lòng say mê bền bỉ, sự miệt mài tích cóp tri thức trong những tháng năm dài.

Chính cuộc đời của ông Phạm Ngô Minh là bài học sống động, chứng minh khả năng tự học để thành công. Và ai cũng có thể tự học trong mọi hoàn cảnh để phục vụ bản thân và phục vụ đất nước tốt hơn.

________________

Kỳ tới: Mai sau dù có bao giờ...

HỒ TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên