Hôm nay đi làm công tác coi thi tuyển sinh vào lớp 10 ở thành phố, nhìn các em học sinh đang tấp nập vào phòng thi tôi lại cứ miên man nghĩ: Trong các em ai có bạn cùng lớp phải nghỉ học đi làm hay không? Liệu rồi năm sau các cháu tôi ở quê có còn cơ hội được đi thi để đi học tiếp hay không? Mười lăm mười sáu phải bước vào đời để kiếm tiền rồi các cháu sẽ ra sao, liệu các cháu có muốn đi học trở lại không? Làm sao lại đến nỗi này? |
Thế nhưng, được chứng kiến những câu chuyện, nghe những lời than phiền của phụ huynh có con học lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT, trong tôi lại dâng lên một cảm giác bất an, day dứt và bất bình về cách làm giáo dục ở một số trường THCS.
Câu chuyện thứ nhất: Cạnh nhà tôi có chị hàng xóm quê một tỉnh ngoài Bắc vào thành phố làm công nhân. Cách đây sáu năm chồng chị qua đời sau một tai nạn giao thông. Từ đó, một mình chị tần tảo nuôi cô con gái ăn học. Năm học rồi con gái chị bước vào lớp 9. Chị thường qua hỏi vợ chồng tôi về chuyện học hành, chuyện thi cử và chọn trường cấp III để sắp tới con chị thi vào; bên cạnh đó là những lời than thở về việc lo tiền học thêm cho con ngày càng nhiều.
Cách đây hơn tháng, một hôm đi làm về dừng xe trước cổng nhà tôi chợt thấy hai mẹ con chị đang cùng nhau khóc rấm rứt. Ghé hỏi thăm có chuyện gì thì chị nức nở rồi bảo: “Nhờ thầy khuyên bé Nấm giùm tôi với, cháu nó đang đòi nghỉ học”. Tôi bất ngờ trước tin này và thắc mắc duyên cớ vì sao. Bởi lẽ tôi biết cháu rất chịu thương chịu khó, suốt bốn năm THCS đều là học sinh giỏi. Thì ra nhà trường tổ chức ôn thi cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 và thu tiền học thêm mỗi em đến 750.000 đồng mà chị chưa có tiền để đóng cho cháu. Phần vì thương mẹ vất vả, phần vì xấu hổ chưa đóng tiền học thêm bị cô chủ nhiệm nhắc nhở nhiều lần nên cháu đòi nghỉ học để đi làm thuê.
Mặc dù đã khuyên được cháu đi học trở lại nhưng những ngày gần đây tôi thấy cháu cứ lầm lũi một mình, không còn hồn nhiên chơi đùa với lũ trẻ nhà tôi khi rảnh rỗi và nói cười vô tư như trước. Còn mẹ cháu thì gầy xọp đi vì liên tục làm tăng ca 12 giờ một ngày để trang trải nào tiền thuê nhà, tiền học thêm, tiền liên hoan ra trường... cho cháu. Không biết liệu rồi chị còn đủ sức nuôi cháu học thêm, hay cháu lại phải nghỉ học giữa chừng khi đã bước vào ngôi trường cấp III danh tiếng của quận mà cháu đang quyết tâm thi đỗ?
Câu chuyện thứ hai: Kết thúc năm học, cách đây hơn tuần tôi đưa gia đình về quê để các con nghỉ hè với nội ngoại.
Cháu gái tôi năm nay học lớp 9. Ba mẹ lập nghiệp mãi tận trong Nam, các em cháu còn nhỏ nên gửi cháu về quê sống với mẹ tôi. Sáng hôm về đến nhà, con trai tôi liền hỏi bà nội em S. đi đâu rồi hả bà. Mẹ tôi bảo: “Em nó đi học ôn thi ở trường cả ngày cháu à”. Nghe vậy tôi liền nói: “Thầy cô ở quê mình nhiệt tình mẹ nhỉ, chủ nhật mà cũng ôn tập cho học sinh cả ngày cơ à?”. Mẹ tôi trầm ngâm một lúc rồi bảo mẹ vừa phải dành nửa tháng lương hưu của mẹ để đóng tiền học thêm, tiền liên hoan cuối năm cho cháu. Riêng tiền học ôn thi trong hơn một tháng
là 1,050 triệu đồng. “Mẹ đi dạy gần 40 năm mà nay lương hưu không đủ nuôi một đứa cháu ăn học.
May mà anh em chúng mày học hành xong cả rồi, chứ như bây giờ thì các con cũng thất học cả thôi” - mẹ tôi kể.
Câu chuyện thứ ba: Anh họ tôi ở quê có ba con, nhà anh thuộc xã miền núi cách nhà tôi dăm cây số. Cháu đầu con trai, hai cháu sau sinh đôi là con gái. Vợ chồng anh tôi làm ruộng. Nhà năm người nhưng chỉ có hơn hai sào ruộng. Vậy nên ngoài lúc mùa vụ, quanh năm anh tôi phải quần quật đi làm thuê hết trong Nam rồi ngoài Bắc để kiếm miếng cơm manh áo cho các cháu.
Cháu lớn hồi nhỏ hay ốm đau nên học trễ một năm. Vậy là hè năm nay ba anh em cháu cùng học xong lớp 9. Vừa rồi gặp anh ở đám giỗ ngoại, hỏi thăm chuyện học hành thi cử sắp tới của các cháu thì anh bảo: “Một đứa thi ở nhà, hai đứa ra Hà Nội thi rồi”. Tôi ngạc nhiên hỏi sao lại ra Hà Nội thi được hả anh? Mà anh tiền đâu cho các cháu ra ngoài đó học? Nghe tôi hỏi vậy anh cười như mếu rồi kể: “Tiền đâu hả chú? Vừa thu hoạch được hơn 5 tạ thóc, phải bán vội 2 tạ để nộp hơn 1 triệu tiền ôn thi cho bé Còi. Bé Còi sức yếu, lại học giỏi nhất nên cho học tiếp. Còn hai đứa kia ra Hà Nội đi làm thuê rồi”. Thấy tôi bần thần, anh nói tiếp: “Anh đau lắm chú à. Mình không được học hành đến nơi, muốn cho các cháu kiếm cái chữ mà đành bất lực. Anh tính để hai đứa làm thuê một năm, góp ít tiền rồi sang năm cho chúng ôn thi lại”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận