03/09/2008 07:14 GMT+7

Phi công Việt Nam - sau ánh hào quang

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Với phi công VN, sau ánh hào quang của một nghề có thu nhập cao, được đi nhiều nơi trên thế giới… là những tháng ngày căng thẳng rèn luyện… Cả phụ nữ, cả người nước ngoài trong đoàn bay VN cũng phải tuân thủ chung nguyên tắc: kỷ luật cao.

Từ những năm 1990 đến nay, đội ngũ phi công lái máy bay thương mại VN đã nhanh chóng làm chủ kỹ thuật công nghệ mới, độc lập điều khiển các loại máy bay thế hệ mới như Airbus A320, A321, A330, Boeing B777... Hằng ngày, những máy bay mang biểu tượng bông sen vàng do phi công VN điều khiển đã tung cánh trên bầu trời nhiều nước, trong đoàn bay có cả phụ nữ, người nước ngoài.

ypOaCyLN.jpgPhóng to
Cơ phó 22 tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn
Nghề phi công lái máy bay thương mại phát triển khá lâu, họ là những phi công chiến đấu được đào tạo trở thành phi công lái máy bay thương mại với máy bay thế hệ cũ do Liên Xô sản xuất như AN 24, TU 134, IL 18, YAK 40. Đến khoảng năm 1991 Vietnam Airlines xúc tiến mua, thuê các máy bay thế hệ mới như ATR 72 và dần dần sau này là các thế hệ máy bay hiện đại hơn như Fokker 70, Airbus A320, A321, A 330, Boeing B777… để thay thế các máy bay thế hệ cũ không thể sử dụng được. Nhu cầu đào tạo phi công điều khiển máy bay thế hệ mới cũng hình thành.

Những phi công thương mại đầu tiên

Cách nay 17 năm, vào tháng 10-1991 chín phi công đầu tiên của đoàn bay VN được đưa sang Toulouse (Pháp) để học lái máy bay ATR 72. Đến cuối tháng 6-1992, bộ phận chuyển loại đầu tiên của máy bay ATR 72 về nước. Đội bay ATR 72 đầu tiên ra đời với ban chỉ huy đội có nhiệm vụ vừa khai thác vừa huấn luyện. Đến nay nhiều phi công của đội bay ATR 72 đã và đang trực tiếp học tập và khai thác trên nhiều loại máy bay, một số đã trở thành lãnh đạo chỉ huy hoặc lái chính các loại máy bay như cơ trưởng Boeing B777 Trần Thanh Thảo, Nguyễn Nam Liên, cơ trưởng Airbus A320 Tô Ngọc Giang.

Hiện VN có ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco đang khai thác các đường bay. Đoàn bay 919 chuyên cung cấp và quản lý phi công cho Vietnam Airlines. Jetstar Pacific hiện chỉ có một phi công người VN, còn lại là phi công thuê người nước ngoài. Vasco là công ty con của Vietnam Airlines nên cũng sử dụng phi công của đoàn bay 919.

Năm 1993, Vietnam Airlines tuyển chọn phi công từ các đội bay của đoàn bay 919, kể cả một số phi công quân sự của trung đoàn 918, để đưa đi nước ngoài đào tạo phi công lái máy bay thương mại chuyên nghiệp. Cũng trong năm này Vietnam Airlines ký hợp đồng thuê ướt (có phi công) máy bay A320 với Hãng Air France (Pháp) và hãng này phải huấn luyện thêm phi công cho đoàn 919. Từ tháng 1-1994 đến 1-1995 đoàn bay 919 tiếp tục cử hai đoàn đi học tập phi công.

Tháng 1-1995 có một phi công tốt nghiệp khóa huấn luyện và về làm lái phụ A320 bay cùng phi công nước ngoài. Trưởng đoàn bay 919 Phan Xuân Đức cho biết năm đầu tiên Vietnam Airlines đưa 66 học viên đi đào tạo ở nước ngoài, hai năm sau chỉ có 44 phi công đạt chuẩn trở về tiếp quản các con chim sắt của Vietnam Airlines bay cùng các phi công người nước ngoài.

Lớp phi công đầu tiên của Vietnam Airlines bây giờ đã có đủ kinh nghiệm để trở thành phi công huấn luyện, kèm cặp bay cho các phi công trẻ, công việc mà trước đây ngành hàng không VN hoàn toàn phải nhờ người nước ngoài. Giờ đây Vietnam Airlines đã có những thế hệ phi công 7X là cơ trưởng B777, Airbus 320, 321 hiện đại, những phi công 8X là cơ trưởng Fokker, ATR 72.

Phi công trẻ, anh là ai?

C22jEuY6.jpgPhóng to
Phi công Phạm Văn Hải đang được huấn luyện thành cơ trưởng trên chuyến bay Phú Quốc - TP.HCM - Ảnh: MIROSLAV

Để được đào tạo thành phi công, ứng viên chỉ cần tối thiểu tốt nghiệp trung học, vượt qua các kỳ thi tuyển sẽ được Vietnam Airlines đưa ra nước ngoài đào tạo thành phi công chuyên nghiệp về nước phục vụ Vietnam Airlines.

Khi trở về họ được kiểm tra lại một lần nữa rồi bắt đầu bay phụ trên các chuyến bay. Tích lũy đủ giờ bay, kinh nghiệm họ mới lên cơ phó rồi cơ trưởng của từng loại máy bay. Trong số hàng trăm phi công VN và nước ngoài hiện đang làm việc tại đoàn bay 919, có khá nhiều phi công chỉ vừa bước qua tuổi 30 nhưng kinh nghiệm và giờ bay của họ đã đủ để đảm nhiệm vị trí cơ trưởng Boeing B777, Airbus A320, ATR 72…, thậm chí có phi công chỉ mới 22 tuổi nhưng đã có gần 800 giờ bay an toàn và đang là cơ phó Airbus A320. Đó chính là phi công trẻ Nguyễn Mạnh Tuấn, sinh năm 1986.

Tuấn là con trai lớn của một cơ phó B777 với 18 năm làm ở Vietnam Airlines. Do bố làm phi công nên từ nhỏ Tuấn thường xuyên cùng bố bay lượn trên bầu trời trong những dịp hè, “bố bay đi đâu mà mang Tuấn theo được là cả hai bố con cùng đi nên từ nhỏ buồng lái đã trở nên thân thiết với Tuấn lắm”.

Học hết lớp 12 Tuấn thi vào Trung tâm huấn luyện bay của Vietnam Airlines, sau 18 tháng đào tạo cùng 19 thành viên khác, Tuấn sang Pháp học làm phi công chuyên nghiệp. Về VN với thành tích học tập tốt ở Pháp cộng với điểm số các kỳ thi kiểm tra kiến thức bay, kiến thức hàng không tại VN, Tuấn được chọn để bay dòng máy bay A320. Những buổi tối không bay Tuấn theo học khóa đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế TP.HCM.

Phi công trẻ của đội bay ATR 72 Phạm Văn Hải năm nay 26 tuổi, từng được bình chọn là Cánh én bạc do có thành tích bay tốt trong năm 2007. Hải cũng là một trong ba thành viên của tổ lái chuyên cơ loại ATR 72. Từ tháng 5-2008, Hải được đào tạo làm cơ trưởng và là cơ trưởng trẻ nhất của VNA với 2.400 giờ bay an toàn.

Hải nhớ mãi cảm giác một lần mất áp suất buồng lái khi cùng bay với một phi công già dặn kinh nghiệm. Khi máy bay đang bay gần Rạch Giá, Hải phát hiện mất áp suất buồng lái nên phải cho máy bay hạ xuống độ cao 10.000 feet (3km) để cân bằng áp suất trong khoang, sau đó xin trung tâm điều khiển quay về sân bay Tân Sơn Nhất sửa chữa (vì ở Phú Quốc không đủ khí tài sửa máy bay).

Có lần ra Hà Nội công tác, Hải ngồi sau hai hành khách quậy hù dọa có bom trong hành lý. “Khi đó trong đầu tôi lên kế hoạch đối phó như thể mình đang là phi công điều khiển máy bay, nhưng cũng rất sẵn sàng hỗ trợ tiếp viên và đồng nghiệp nếu có bất trắc xảy ra”, Hải nhớ lại.

Phi công Nguyễn Thế Phong năm nay vừa được đề bạt làm cơ trưởng Boeing B777 khi tròn 35 tuổi. Từ phi công quân sự, Phong học chuyển loại máy bay dân sự rồi được đưa sang Úc đào tạo. Đến năm 1998 về VN học lý thuyết bay chuyển loại ATR 72. Chỉ hơn một năm sau anh đã chuyển sang lái phụ Boeing B767 và sau đó hai năm anh chuyển sang B777 làm cơ phó với đồng nghiệp nước ngoài. Để trở thành cơ trưởng B777 phi công phải có ít nhất 10 năm bay liên tục, tuổi đời không trẻ hơn 35 và hàng chục ngàn giờ bay an toàn tích lũy.

Phải có sức khỏe tốt, sức chịu đựng hơn người. Cứ sáu tháng một lần phải vượt qua kỳ kiểm tra sức khỏe: ai bị sẹo, thương tật và sức khỏe không đạt sẽ không được bay… Những quy định khắc nghiệt cần phải vượt qua.

Kỳ tới: Con đường trở thành phi công

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên