29/10/2018 14:50 GMT+7

Phi công máy bay Lion Air gặp nạn mới 31 tuổi

TUẤN SƠN
TUẤN SƠN

TTO - Cơ trưởng của chuyến bay Lion Air rơi xuống biển cùng 189 hành khách ở Java, Indonesia sáng 29-10 mang quốc tịch Ấn Độ và từng bày tỏ nguyện vọng được làm việc tại quê nhà trước khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc.

Phi công máy bay Lion Air gặp nạn mới 31 tuổi - Ảnh 1.

Cơ trưởng Bhavye Suneja, người điều khiển chiếc máy bay Lion Air gặp nạn - Ảnh: FB nhân vật

Ông Bhavye Suneja (31 tuổi) gia nhập hãng hàng không giá rẻ Lion Air vào tháng 3-2011 và được nâng bậc cơ trưởng vào tháng 10-2016, tờ India Times của Ấn Độ đưa tin.

Trước khi đầu quân cho Lion Air, ông Suneja từng có khoảng thời gian làm phi công tập sự cho Hãng hàng không Emirates của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), theo báo The Star.

Ông Suneja tốt nghiệp từ Trường đào tạo phi công Bel Air ở California, Mỹ và đã tích lũy hơn 6.000 giờ bay với mẫu máy bay Boeing 737.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Suneja vẫn cập nhật những dòng trạng thái vui vẻ trước khi máy bay gặp nạn rơi xuống biển ngày 29-10, theo India Times.

Theo phó chủ tịch một hãng hàng không lớn ở Ấn Độ, ông Suneja gần đây có bày tỏ nguyện vọng được đầu quân cho hãng này để được làm việc tại quê hương.

"Chúng tôi nói chuyện với nhau hồi tháng 7. Anh ấy là một người rất dễ mến" - vị lãnh đạo hàng không giấu tên nói với tờ India Times.

"Với thâm niên lái chiếc B737 mà không gặp sự cố hay tai nạn nào, Suneja là một ứng cử viên mà hãng hàng không chúng tôi rất lưu ý vì thành tích tốt của anh ấy. Đòi hỏi duy nhất của Seneja là được đóng ở Delhi, vì đó là quê hương của mình" - vị này cho hay.

Đến 14h16 ngày 29-10, những thi thể hành khách gặp nạn đầu tiên đã bắt đầu được lực lượng tìm kiếm cứu hộ vớt lên khỏi mặt nước. Nhiều tư trang và giấy tờ tùy thân cũng đã được tìm thấy, theo đài Sky News.

Lion Air là một trong những hãng hàng không non trẻ nhất và có quy mô hoạt động lớn nhất ở Indonesia với các tuyến bay nội địa và quốc tế. Đây cũng là hãng hàng không giá rẻ lớn thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau AirAsia, và đang tăng trưởng rất nhanh.

Boeing 737 MAX được đưa vào vận hành từ năm 2017 và nhận được khá nhiều đơn đặt hàng trên thế giới. Đây là lần đầu tiên thế hệ máy bay này gặp tai nạn. Hãng Boeing cho biết sẽ theo sát tình hình và tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự cố.

TUẤN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên