22/05/2018 10:56 GMT+7

Phe đối lập Thái xuống đường nhắc nhớ 4 năm đảo chính

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Đoàn biểu tình không đông như dự kiến trong sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt của chính quyền.

Phe đối lập Thái xuống đường nhắc nhớ 4 năm đảo chính - Ảnh 1.

Người biểu tình mang theo hình Thủ tướng Prayut với chiếc mũi dài ý nói ông nói dối trong cuộc tuần hành ở Bangkok ngày 22-5 - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, sáng nay 22-5, những người ủng hộ phe đối ở Thái Lan đã xuống đường tuần hành từ trường Đại học Thammasat ở Bangkok và kết thúc tại tòa nhà chính phủ nhằm gây sức ép buộc chính quyền quân sự tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.

Cách đây đúng 4 năm, quân đội Thái đã tiến hành đảo chính lật đổ bà Yingluck Shinawatra và nắm quyền với lời hứa ổn định đất nước và tiến hành bầu cử dân chủ.

Thế nhưng chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã vài lần trì hoãn cuộc tổng tuyển cử vì nhiều lý do không làm an lòng dân.

Sau nhiều lần trì hoãn, vừa rồi Thủ tướng Prayuth lại khẳng định cuộc tổng tuyển cử sẽ được tiến hành "không muộn hơn" tháng 2-2019.

Vì lẽ đó phe đối lập ngày càng gây sức ép đòi tiến hành bầu cử dân chủ đúng như lời hứa.

Chính quyền quân sự cũng không thể làm ngơ trước những dấu hiệu của tập hợp đông người, tuần hành, biểu tình mà Thái Lan từng biết đến trong nhiều giai đoạn biến động chính trị trước đây.

Hôm 21-5, cảnh sát Thái Lan đã ra tuyên bố cấm biểu tình tại khu vực tòa nhà chính phủ và các con phố xung quanh, đồng thời cảnh báo người biểu tình không nên chống lệnh cấm tụ tập của chính quyền quân sự.

Phát biểu với báo giới, Phó Cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Srivara Rangsibrahmanakul thông báo khu vực rộng 50m xung quanh tòa nhà chính phủ sẽ bị kiểm soát.

Khoảng 3.000 cảnh sát đã được triển khai trước thềm cuộc tuần hành của phe đối lập.

Phe đối lập Thái xuống đường nhắc nhớ 4 năm đảo chính - Ảnh 2.

Lực lượng bảo vệ an ninh của Thái Lan được triển khai dày đặc xung quanh tòa nhà Chính phủ ở Bangkok ngày 22-5 - Ảnh: REUTERS

Cảnh sát ước tính khoảng 1.000 người sẽ tụ tập nên ông Rangsibrahmanakul đã nhắc nhở người biểu tình cần tuân thủ luật cấm tụ tập trên 5 người của chính quyền.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Reuters chỉ có hơn 100 người tập hợp để tuần hành hòa bình với những tiếng hô vang qua loa trong sáng nay trong khi phía cảnh sát nói có khoảng 200 người.

Các biện pháp an ninh đã được thiết lập chặt chẽ với những hàng rào kẽm gai thiết lập ở một số tuyến đường cùng việc kiểm tra giấy tờ tùy thân của những người muốn đi qua.

Phó Cảnh sát trưởng Rangsibrahmanakul tiếp tục nhắc lại: "Cơ quan chức năng sẽ sử dụng luật lệ nghiêm ngặt. Nếu người biểu tình bước ra ngoài phạm vi cho phép, chúng tôi sẽ sử dụng luật ngay lập tức. Chúng tôi đã bố trí các lực lượng xung quanh tòa nhà Chính phủ... Nếu họ bước vào trong khu vực bị cấm thì sẽ lãnh án tù lên đến 6 tháng. Cảnh sát không trang bị vũ khí nhưng có dùi cui".

Kết quả khảo sát của Trung tâm khảo sát Dusit (Suan Dusit Poll) công bố ngày 13-5 cho thấy phần lớn người được hỏi phản đối kế hoạch của các nhà hoạt động ủng hộ tổ chức bầu cử sớm kêu gọi biểu tình vào ngày 22-5 để yêu cầu chính quyền quân sự tổ chức cuộc tổng tuyển cử trong năm nay.

Theo đó, trên 52% phản đối biểu tình vì muốn có biện pháp hòa bình để tránh làm xấu hình ảnh đất nước, trong khi khoảng 48% ủng hộ vì muốn bầu cử càng sớm càng tốt.

Phe đối lập Thái xuống đường nhắc nhớ 4 năm đảo chính - Ảnh 4.

Người biểu tình, chỉ đạt khoảng 2/5 theo dự kiến, mang theo hình Thủ tướng Prayut với chiếc mũi dài ý nói ông nói dối trong cuộc tuần hành ở Bangkok ngày 22-5 - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Prayut vẫn được ủng hộ

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu quốc gia về phát triển (Nida Poll) thực hiện, phần lớn người dân nước này ủng hộ Thủ tướng Prayut tiếp tục tại nhiệm sau cuộc bầu cử sắp tới.

Kết quả công bố hôm 14-5 cho thấy 32,2% trong số 1.250 người được hỏi ủng hộ nhà lãnh đạo chính quyền quân sự tiếp tục giữ chức thủ tướng sau bầu cử.

Ứng cử viên tiềm năng của đảng Pheu Thai, bà Sudarat Keyuraphan đứng thứ 2 với mức ủng hộ chỉ nhỉnh hơn 1/2 của Thủ tướng đương nhiệm (17,4%). Đứng thứ 3 là cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva - thủ lĩnh đảng Dân chủ (14,2%). Thủ lĩnh đảng Tương lai mới Thanathorn Juangroongruangkit xếp thứ 4 với 10%.

Đối với các chính đảng, có 32,1% số người được hỏi ủng hộ đảng Pheu Thai, trong khi đảng Pracharat - vừa được những người tuyên bố ủng hộ Thủ tướng Prayut thành lập - được 25,1%. Các tỉ lệ ủng hộ đối với đảng Dân chủ và đảng Tương lai mới lần lượt là 19,2% và 11,6%.

Phe đối lập Thái xuống đường nhắc nhớ 4 năm đảo chính - Ảnh 5.

Thủ tướng Prayut nhiều lần trì hoãn tổ chức bầu cử nên phe đối lập thể hiện ông với chiếc mũi dài ý nói ông nói dối trong cuộc tuần hành ở Bangkok ngày 22-5 - Ảnh: REUTERS

Về câu hỏi liệu cuộc bầu cử có diễn ra vào tháng 2-2019 hay không, có 57,7% trả lời rằng họ không chắc chắn vì cho rằng mọi thứ chưa sẵn sàng, trong khi 31% cho rằng chính phủ đã sẵn sàng tổ chức bầu cử vào thời điểm đó.

Trong khi đó, kết quả khảo sát của Trung tâm khảo sát Dusit (Suan Dusit Poll) công bố ngày 13-5 cho thấy hơn 44% số người được hỏi muốn Thủ tướng Prayut tiếp nhận xem xét ý kiến của người dân; trên 34% cho rằng nên công bố rõ ràng khung thời gian bầu cử; và hơn 27% muốn thủ tướng sớm giải quyết các vấn đề một cách công bằng trên cơ sở tôn trọng pháp.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên