Hình ảnh đồ họa mô tả tổ khủng long - Ảnh: INSIDER
Nơi khủng long làm tổ có niên đại 193 triệu năm tuổi và là bằng chứng sớm nhất về đàn khủng long.
Nhiều quả trứng khủng long còn phôi thai bên trong và chúng được phát hiện thành từng cụm từ 8 đến 30 quả.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy những bộ xương khủng long Mussaurus có cùng kích thước và độ tuổi được chôn vùi ở một nơi. Những mẫu này là bằng chứng cho thấy khủng long sống theo bầy đàn.
Quả trứng hóa thạch hơn 190 triệu năm tuổi - Ảnh: INSIDER
"Tôi đến địa điểm này nhằm mục đích tìm ít nhất một bộ xương khủng long đẹp. Chúng tôi đã hoàn thành cuộc tìm kiếm với 80 bộ xương và hơn 100 quả trứng" - nhà nghiên cứu Diego Pol của Bảo tàng cổ sinh vật học Egidio Feruglio ở Patagonia và tác giả chính của nghiên cứu về loài khủng long nói với tạp chí Insider.
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng loại khủng long này sống vào cuối kỷ Trias, khoảng 221 triệu đến 205 triệu năm trước.
Tuy nhiên, phát hiện mới cho thấy Mussaurus phát triển mạnh trong đầu kỷ Jura. Đó là bằng chứng cho thấy tổ tiên của Mussaurus đã sống sót sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt 200 triệu năm trước.
Hình ảnh chụp X-quang cho thấy phôi thai bên trong quả trứng - Ảnh: European Synchroton
Các nhà cổ sinh vật học Argentina đã từng phát hiện ra bộ xương Mussaurus đầu tiên tại địa điểm Patagonia này vào cuối thập niên 1970.
Những con khủng long họ tìm thấy dài không quá 15cm. Họ không biết đó là những con khủng long "sơ sinh". Do đó, các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho sinh vật này là "thằn lằn chuột" vì kích thước siêu nhỏ của bộ xương.
Nhà nghiên cứu Pol quyết định khám phá lại khu vực này từ năm 2002 và đã tìm thấy những hóa thạch Mussaurus trưởng thành đầu tiên ở đó.
Những mẩu xương đó tiết lộ "phiên bản trưởng thành" của những con "thằn lằn chuột" có kích thước gần bằng con hà mã ngày nay. Chúng nặng khoảng 1,5 tấn, chiều dài từ mũi đến đuôi khoảng 8m.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận