Trang tin khoa học Science Alert cho biết các nhà sinh thái học và các nhà nghiên cứu đã kiểm tra thảm rêu trên 8 hệ sinh thái khác nhau, bao phủ gần 9,4 triệu km².
Ông David Eldridge, nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales của Úc, nói với Science Alert: “Chúng tôi vô cùng sửng sốt khi phát hiện ra rêu đang làm tất cả những điều tuyệt vời".
Chúng sản sinh các chất dinh dưỡng thiết yếu như nitơ và phốt pho với chu kỳ ngắn. Đồng thời rêu hoạt động như một bể chứa carbon. Hiện nay, các thảm rêu trên toàn cầu đang giữ lại khoảng 7 tỉ tấn carbon dioxide - tác nhân chủ yếu đang làm nóng hành tinh - không thoát ra khí quyển.
Ông Eldridge nói: “Chúng tôi nghĩ rằng rêu đang hấp thụ lượng carbon dioxide gấp 6 lần các loài thực vật khác".
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học giải thích: rêu tạo nên bộ khung đặc biệt cho cây cối, góp phần duy trì vi khí hậu để giúp các loài thực vật tăng trưởng.
Trong một thông cáo báo chí, ông Eldridge lưu ý một loài rêu khô cằn ở Úc đã được bảo quản trong 100 năm và được hồi sinh chỉ với một ít nước.
Chính nhờ khả năng phục hồi kỳ diệu đó, cũng như vai trò thúc đẩy sức sống của hệ sinh thái thông qua nguồn dinh dưỡng sẵn có, rêu có thể được sử dụng đặc biệt ở những vùng đất bị thoái hóa hoặc những khu vực mà thảm thực vật khó phát triển, như lãnh nguyên hoặc sa mạc.
Vai trò của rêu rất quan trọng không chỉ trong môi trường tự nhiên, mà cả những môi trường đã bị suy thoái do các hoạt động của con người.
Ông Eldridge nói các tế bào của chúng không bị phân hủy như thực vật bình thường.
Vì vậy, các nhà khoa học rất muốn đưa rêu trở lại những vùng đất thoái hóa, để đẩy nhanh quá trình tái sinh, khởi động quá trình phục hồi đất đô thị và khu vực tự nhiên bị suy thoái nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận