Chú chó phát hiện một cây nhiễm bệnh - Ảnh: Timothy Gottwald
Vàng lá Greening là một trong những loại bệnh gây thiệt hại nặng nề nhất cho ngành nông nghiệp cây có múi trên thế giới, đặc biệt là quýt.
Theo trang The Telegraph, ở Mỹ, bệnh được giới nghiên cứu ghi nhận lần đầu tại Florida năm 2005, và kể từ đó lan rộng các tiểu bang khác. Ước tính vàng lá Greening gây 80% thiệt hại cho các vườn quýt ở Florida. Đến nay, những mùa vụ thất bát do bệnh này khiến nước Mỹ tiêu tốn đến 3 tỉ USD.
Cái khó nằm ở chỗ bệnh thường không dễ phát hiện ngay từ sớm, nông dân chỉ biết cây mắc Greening qua những biểu hiện bằng mắt như lá ngả vàng, có các vết đốm mốc, cành con thường chết từ ngọn, trái nhỏ, không đều…
Một cây quýt bị vàng lá Greening - Ảnh: Entomology Today
Do nhận diện bệnh muộn, cách tốt nhất giải quyết là cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cây nếu không sẽ là nguồn bệnh cho những cây khác trong vườn.
Ngoài quan sát bằng mắt thường, cho đến nay cách xác định bệnh gần như duy nhất thông qua việc trích xuất mẫu thử và xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, cách thức này "ngốn" thời gian đến 2 tháng, chưa kể chi phí rất đắt đỏ.
Để giải quyết vấn đề này, mới đây các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm nghiên cứu nghề làm vườn Mỹ (USHRL) tiến hành thử nghiệm một cách đặc biệt có thể phát hiện vàng lá Greening từ sớm.
Cụ thể, nhóm tuyển chọn 19 chú chó thông minh và huấn luyện chúng đánh hơi nhận diện Candidatus Liberibacter asiaticus - vi khuẩn gây ra vàng lá Greening.
Sau hơn 9 tháng luyện tập và thử nghiệm trên nhiều khu vườn ở California và miền bắc Florida, kết quả rất quả quan khi đàn chó cho hiệu suất chính xác lên đến 99% - con số đáng kinh ngạc.
Một chú chó trong đội 'đánh hơi' dịch bệnh của USHRL - Ảnh: Timothy Gottwald
"Đàn chó có thể phát hiện bệnh rất sớm, chỉ 2 tuần khi một cây quýt bất kỳ nhiễm bệnh", nhà dịch tễ học bảo vệ thực vật Timothy Gottwald, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Kinh ngạc hơn khi chó có thể phân biệt Candidatus Liberibacter asiaticus với nhiều loại vi khuẩn, nấm mốc tương tự khác sống trên quýt, với độ chính xác cao.
Thông thường, đàn chó lùng sục ở một khu vườn từ vài ngày đến vài tuần. Khi phát hiện cây có bệnh, chó sẽ thông báo cho người giám sát bằng cách ngồi xuống và tất nhiên sẽ được thưởng một món quà.
"Sau nhiều thí nghiệm, chúng tôi nhận thấy khả năng phát hiện bệnh tật ở chó sẽ giúp ngành trồng quýt hưởng lợi về kinh tế trong khoảng 10 năm tới nếu so với các cách thức phát hiện bệnh khác như xét nghiệm phân tử hay bằng mắt thường", ông Gottwald đánh giá.
Nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng PNAS (Mỹ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận