12/07/2012 10:46 GMT+7

Phát hiện mặt trăng mới của sao Diêm vương

TƯỜNG VY
TƯỜNG VY

TTO - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo họ vừa phát hiện mặt trăng nhỏ thứ năm sao Diêm Vương và đặt tên cho nó là P5.

u45vZVUD.jpgPhóng to
Mặt trăng mới được phát hiện - Ảnh: NASA

Theo CNN, các nhà thiên văn học do ông Mark Showalter (thuộc Viện SETI) đứng đầu đã dùng kính viễn vọng Hubble để quan sát mặt trăng này. Họ cho rằng nó có đường kính 9,6-24km.

Cách đây gần một năm, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra mặt trăng thứ tư của sao Diêm Vương và gọi nó là P4. Ba mặt trăng còn lại là Charon, Nix và Hydra.

Viện SETI là một viện phi lợi nhuận, thành lập năm 1984 để thực hiện các nghiên cứu về sinh vật học vũ trụ. Các đề án của viện gồm tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất và nhiều nghiên cứu cho các chương trình giáo dục liên quan tới sự sống ngoài Trái đất.

Showalter cho biết mặt trăng P5 được phát hiện qua chín bộ ảnh khác nhau do Hubble chụp được vào các ngày 26-6, 27-6, 29-6, 7-7 và 9-7 vừa qua. Các nhà khoa học cho rằng có thể nó còn có nhiều mặt trăng khác.

Theo giả thuyết được nhiều người đồng ý hiện nay, tất cả mặt trăng của sao Diêm Vương đều là tàn dư của một vụ va chạm xảy ra cách đây hàng tỉ năm giữa sao Diêm Vương và một vật thể lớn xuất phát từ vành đai Kuiper - vành đai tiểu hành tinh thứ hai nằm ở cửa ngõ Hệ Mặt trời, phía ngoài Hải Vương tinh.

Do sao Diêm Vương nằm rất xa Trái đất nên những bức ảnh chụp P5 trông như một chấm nhỏ màu trắng. Một tàu thăm dò của NASA, New Horizons, hiện đang trên đường tới sao Diêm Vương và được kỳ vọng sẽ cung cấp cho các nhà khoa học những hình ảnh chất lượng hơn và chi tiết hơn về cựu hành tinh này cũng như các vệ tinh xung quanh.

Sao Diêm Vương từng được coi là một hành tinh trong Hệ mặt trời. Tuy nhiên ngày 24-8-2006, tại cuộc họp lịch sử diễn ra ở thủ đô Prague (Cộng hòa Czech), khoảng 2.500 nhà khoa học tham gia một hội thảo của Hiệp hội Thiên văn học quốc tế đã bỏ phiếu thông qua “định nghĩa về hành tinh”, theo đó sao Diêm Vương chỉ là tiểu hành tinh và hệ Mặt trời chỉ còn lại tám hành tinh thay vì chín như trước đó.

TƯỜNG VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên