11/12/2024 19:01 GMT+7

Phát hiện khu vực thờ cúng cổ xưa 35.000 năm tuổi trong hang đá

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một trong những khu vực thờ cúng cổ xưa nhất thế giới tại hang Manot ở Israel, có niên đại khoảng 35.000 năm.

Phát hiện khu vực thờ cúng cổ xưa 35.000 năm tuổi trong hang đá - Ảnh 1.

Hình ảnh lối vào khu vực nghi lễ được tìm thấy trong hang Manot, Israel. Các điểm 1, 2. và 3 chỉ ra các hàng măng đá ngăn cách khu vực này với phần còn lại của hang động - Ảnh: TIMES OF ISRAEL

Theo Times of Israel, các nhà nghiên cứu vừa phát hiện bằng chứng về một trong những khu vực diễn ra nghi lễ thờ cúng cộng đồng sớm nhất thế giới, mà họ gọi đây là "bước đột phá toàn cầu", tại hang động Manot ở miền bắc Israel.

Đây là một khu phức hợp nghi lễ được tìm thấy bên trong hang động, ước tính có niên đại khoảng 35.000 năm, lưu giữ một trong những bằng chứng về nghi lễ cổ xưa nhất thế giới.

Thời điểm này trùng với giai đoạn văn hóa Aurignacian, khi người hiện đại lần đầu định cư ở châu Âu, nổi tiếng với các bức tranh hang động và việc sử dụng các vật thể mang tính biểu tượng.

Khu phức hợp nghi lễ nằm tách biệt ở khu vực tối nhất của hang, với độ vang âm thanh tự nhiên ấn tượng, tạo nên trải nghiệm thính giác độc đáo cho các hoạt động cộng đồng như cầu nguyện, hát và nhảy múa.

Ngoài ra, khu vực này được măng đá bao bọc, tạo thành một lối vào đặc biệt. Ở trung tâm, các nhà khoa học phát hiện một tảng đá độc đáo khắc hình giống như mai rùa.

Tiến sĩ Omry Barzilai cho rằng tảng đá trên là điểm nhấn của khám phá lần này bởi được đặt ở trung tâm, cũng là nơi sâu nhất và tối nhất của hang động. 

Do vậy, tảng đá có thể đóng vai trò như một đối tượng thờ cúng, đại diện cho một vật tổ hoặc nhân vật thần thoại hay tâm linh nào đó.

Phát hiện khu vực thờ cúng cổ xưa 35.000 năm tuổi trong hang đá - Ảnh 2.

Tảng đá khắc hình mai rùa được tìm thấy ở trung tâm khu phức hợp nghi lễ hang Manot, được cho là "đối tượng thờ cúng" - Ảnh: TIMES OF ISRAEL

Theo quan niệm của các bộ lạc tiền sử, bóng tối mang ý nghĩa thiêng liêng, ẩn chứa nhiều bí mật, đồng thời tượng trưng cho sự tái sinh và đổi mới. Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi người tiền sử lựa chọn thực hiện nghi lễ ở nơi tối nhất của hang Manot.

Khu vực xung quanh tảng đá có dấu tích của tro tàn. Giới phân tích bước đầu xác định người tiền sử có thể đã sử dụng lửa hoặc đuốc để thắp sáng không gian thực hiện nghi lễ.

Theo giáo sư Israel Hershkovitz, các nghi lễ này đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển và hình thành bản sắc tập thể, đánh dấu bước chuyển từ các nhóm săn bắt hái lượm nhỏ sang các xã hội lớn và phức tạp hơn.

Hang Manot được phát hiện vào năm 2008, nằm ở phía tây Galilee thuộc Israel. Hang động này lưu giữ nhiều dấu tích sinh hoạt và cư trú của con người từ nhiều nền văn hóa tiền sử khác nhau.

Trước đây cũng tại hang động này, giới nghiên cứu đã phát hiện một hộp sọ người có niên đại 55.000 năm - bằng chứng khảo cổ sớm nhất về hài cốt người hiện đại bên ngoài châu Phi - và bộ sưu tập răng người có niên đại 40.000 năm.

Phát hiện khu vực thờ cúng cổ xưa cách đây 35.000 năm ở Israel - Ảnh 3.Gần 300 nhà khoa học, khảo cổ học đến bãi cọc Cao Quỳ và khu di tích Bạch Đằng Giang

TTO - Chiều 28-9, gần 300 đại biểu là nhà khoa học, khảo cổ học tham dự Hội nghị những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc 2020 đã đi tham quan thực tế tại bãi cọc Cao Quỳ và khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên