13/05/2017 19:41 GMT+7

Phát hiện hóa chất công nghiệp ở chỗ cá, nghêu chết

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Theo Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, kết quả phân tích mẫu nước tại khu vực cá chết trên vịnh Hà Tiên đã xác định chỉ tiêu chất hoạt động bề mặt có dấu hiệu cao bất thường.

Nghêu chết hàng loạt tại bãi biển thuộc địa phận xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) - Ảnh: K. Nam
Nghêu chết hàng loạt tại bãi biển thuộc địa phận xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) - Ảnh: K. Nam

Chiều 13-5, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo chính thức đầu tiên về hiện tượng cá, nghêu, sò, tôm, cua biển... chết hàng loạt trên diện rộng tại vịnh Hà Tiên thuộc thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang.

Theo báo cáo, tính đến thời điểm này tổng số cá bị chết là 14.000 con gồm 3 loại: 10.000 con cá mú, 1.000 con cá bóp, 3.000 con cá chẽm.

Tổng diện tích nuôi nghêu, sò bị ảnh hưởng (thiệt hại từ 50% trở lên) lên tới 558 ha. Phạm vi thiệt hại trải dài trên 30km từ cầu Tô Châu thuộc thị xã Hà Tiên đến xã Bình An thuộc huyện Kiên Lương.

Sở TN&MT đã lấy 10 mẫu nước trong hai ngày 8 và 9-5 để phân tích nhằm đánh giá, tìm ra hoạt chất gây hiện tượng cá chết hàng loạt.

Trong đó, 7 mẫu được phân tích tại phòng thí nghiệm của trung tâm quan trắc trực thuộc sở, 3 mẫu được chuyển đến trung tâm nghiên cứu ứng dụng về công nghệ và quản lý môi trường Centema.

Kết quả phân tích 7 mẫu của trung tâm quan trắc cho thấy 7 chỉ tiêu phân tích nằm trong quy chuẩn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT về nước biển ven bờ.

Riêng chỉ tiêu NH4+ và Coliform tại điểm giữa kênh Tam Bản gần cống xả của khu nuôi tôm thuộc công ty cổ phần Trung Sơn bị vượt quy chuẩn môi trường 3,6 lần và 11 lần.

Đối với mẫu phân tích tại phòng thí nghiệm của Centema, 17 chỉ tiêu cơ bản trong nước biển và 2 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật được đánh giá nằm trong quy chuẩn cho phép.

Riêng chỉ tiêu chất hoạt động bề mặt (là chỉ tiêu không nằm trong quy chuẩn 10-MT:2015/BTNMT) có dấu hiệu cao hơn bình thường.

Hiện tại, Sở TN&MT Kiên Giang đang chờ kết quả phân tích chỉ tiêu phiêu sinh thực vật và kết quả chạy sắc ký khí để xác định nguồn gốc của chất hoạt động bề mặt. Đồng thời, sở cũng đang điều tra để tìm nguồn thải có chất hoạt động bề mặt.

Sở NN&PTNT Kiên Giang cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 4 thu các mẫu trầm tích và mẫu hải sản chết, mẫu nước biển. Dự kiến ngày 15-5 sẽ có các kết quả này.

Theo một chuyên gia, các loại chất hoạt động bề mặt theo kết quả phân tích trên thường được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như: dệt nhuộm, thực phẩm, mỹ phẩm, in ấn, gia công thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng (tăng độ cứng của bê tông), dầu khí và công nghiệp khoáng sản (tạo bọt để làm giàu khoáng sản).

Được biết, tại khu vực xảy ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt, có 2 công ty nuôi trồng thuỷ sản và ít nhất là 3 nhà máy sản xuất xi măng.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên