10/11/2016 17:47 GMT+7

​Phát hiện đàn chà vá chân nâu tại rừng Bắc Hải Vân

CÔNG TUYỂN
CÔNG TUYỂN

TTO - Sáng 10-11, đội tuần tra thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (Thừa Thiên - Huế) phát hiện đàn voọc ngũ sắc tại tiểu khu 250 gần đỉnh đèo, cách  quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân chừng 200m.

Voọc ngũ sắc xuất hiện trong sáng 10-11 gần đỉnh đèo Hải Vân - Ảnh: CÔNG TUYỂN
Voọc ngũ sắc xuất hiện trong sáng 10-11 gần đỉnh đèo Hải Vân - Ảnh: CÔNG TUYỂN

Đàn voọc có hơn 10 con lớn nhỏ, trông khá dạn dĩ, không có biểu hiện sợ người dù khá đông du khách đứng gần đó phát hiện, quan sát và chụp hình.

Ông Nguyễn Ngọc Vấn, trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, cho biết thời gian gần đây, đội tuần tra thường hay phát hiện loài voọc này đi thành đàn, chủ yếu tập trung ở hai tiểu khu 250 và 251, với tổng số lượng lên đến khoảng 70 cá thể.

Ông Vấn cho biết thêm khu vực voọc xuất hiện (rộng khoảng 3.300ha) có nhiều loại cây như dầu da, khế rừng và cây sung..., nhiều khả năng voọc tập trung để ăn các loại trái cây này.

Sau khi phát hiện, BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân chỉ đạo hai trạm bảo vệ rừng 250 và 251 bảo vệ nghiêm ngặt trong khu vực, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng có phương án khảo sát và lập phương án bảo tồn.

Voọc ngũ sắc xuất hiện trong sáng 10-11 gần đỉnh đèo Hải Vân - Ảnh: CÔNG TUYỂN
Voọc ngũ sắc xuất hiện trong sáng 10-11 gần đỉnh đèo Hải Vân - Ảnh: CÔNG TUYỂN

Thạc sĩ Trần Văn Bằng, phó phòng động vật - Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết loài voọc ngũ sắc này thường được gọi là chà vá chân nâu, tên khoa học là Pygathrix nemaeus. Đây là loài động vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Riêng ở VN, số lượng loài và nơi phân bố cũng không nhiều, trong đó: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 445-2.137 cá thể, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà 198-208 cá thể, Vườn quốc gia Bạch Mã 22-26 cá thể…

Riêng tại rừng Bắc Hải Vân, năm 2002 các nhà chuyên môn ghi nhận có sự sinh sống của loài này nhưng chỉ thông qua phỏng vấn người dân gần khu vực.

Ông Bằng nhận định: “Việc hình thành hầm Hải Vân có thể giảm đáng kể sự tác động lên hệ sinh thái đối với rừng Hải Vân (đa số xe đi hầm chứ không leo đèo - PV), qua đó, tạo điều kiện phát triển của chà vá chân nâu.

Với số lượng phát hiện lên đến khoảng gần 70 cá thể sau một thời gian dài không có thông tin chứng minh cho điều đó!”.

Voọc ngũ sắc xuất hiện trong sáng 10-11 gần đỉnh đèo Hải Vân - Ảnh: CÔNG TUYỂN
Voọc ngũ sắc xuất hiện trong sáng 10-11 gần đỉnh đèo Hải Vân - Ảnh: CÔNG TUYỂN
CÔNG TUYỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên