18/06/2016 09:23 GMT+7

Cảnh sát giao thông phạt kiểu... cảm tính

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp vận tải than phiền cảnh sát giao thông ở nhiều tỉnh thành miền Tây đã kiểm tra bằng mắt một cách cảm tính để xử phạt xe mòn vỏ, đèn mờ, biển số mờ.

Nhân viên trạm đăng kiểm 50-02S đo độ sáng đèn phía trước xe - Ảnh: N.Ẩn
Nhân viên trạm đăng kiểm 50-02S đo độ sáng đèn phía trước xe - Ảnh: N.Ẩn

Liên quan đến việc này, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM vừa gửi văn bản đến Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đề nghị cần có hướng dẫn xử lý để tránh việc các tài xế bị phạt oan.

Trước đây xe bị phạt nhiều vì chở hàng quá tải, nay các xe chở hàng đúng tải thì cảnh sát giao thông ở các tỉnh thành Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ... chuyển sang phạt xe đèn mờ, biển số mờ, vỏ xe mòn

Tài xế Nguyễn Hồng Thắm

Tài xế ấm ức

Đã ba lần nộp tiền phạt vì vỏ xe mòn, biển số mờ, tài xế Nguyễn Hồng Thắm, người có 17 năm chạy xe đầu kéo container, bức xúc:

“Xe chạy trong mưa đương nhiên sình lầy từ dưới đường văng lên làm biển số xe mờ, lỗi này không do tài xế. Vậy mà các anh cảnh sát giao thông (CSGT) vẫn buộc dừng xe để xử phạt biển số mờ”.

Theo nhiều tài xế, việc CSGT quan sát bằng mắt và lập biên bản xử phạt vỏ xe mòn mà không sử dụng thiết bị đo lường là không có căn cứ nên khiến nhiều tài xế ấm ức.

Tài xế Nguyễn Hồng Thắm cho rằng theo quy định của nhà sản xuất thì vỏ xe mòn khi đã chạy từ 80.000km trở lên, trong khi xe của ông chạy chưa đến 50.000km.

Tài xế Trần Minh Dũng, người có thâm niên lái xe container 18 năm, kể mặc dù quan sát bằng mắt để phạt vỏ xe mòn nhưng trong biên bản xử phạt, CSGT lại ghi: “Lắp bánh xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật”.

Theo ông Dũng, khi ông thắc mắc sao không ghi trong biên bản là vỏ xe mòn thì CSGT liên quan trả lời: “Nếu ghi vỏ xe mòn thì phải đi giám định lốp xe rất phiền phức”. Các tài xế cho biết hiện nay chủ xe đã khoán cho tài xế các chi phí về quản lý xe nên họ phải tự bỏ tiền ra để nộp phạt cho những lỗi vi phạm nói trên.

Ngoài việc mất 900.000 đồng nộp phạt cho một lỗi vi phạm, các tài xế ở TP.HCM phải bỏ một ngày công về tỉnh nộp phạt rất mất thời gian.

Phải có cơ sở khoa học

Theo lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm 50-04V, 50-05V thuộc Cục Đăng kiểm VN, các nhân viên đăng kiểm đều sử dụng thiết bị đo lường để kiểm định đèn, vỏ xe.

Ông Nguyễn Xuân Hải, giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-04V, cho biết đơn vị sử dụng thiết bị đo đèn phía trước (gồm đèn chiếu xa và đèn chiếu gần) nếu độ sáng trên 10.000 cd (đơn vị đo chuẩn) là đạt yêu cầu, còn dưới 10.000 cd là không đạt, xe bị đánh rớt.

Riêng với đèn soi biển số xe, theo quy định nếu đứng cách 10m vào ban ngày vẫn thấy cường độ sáng và diện tích phát sáng là đạt yêu cầu.

Tại Trung tâm đăng kiểm 50-02S (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM), một nhân viên đăng kiểm chỉ vào màn hình của thiết bị đo độ sáng đèn phía trước xe, cho biết ánh sáng được thu vào màn hình đã xác định độ sáng đèn xe đạt yêu cầu.

“Điều này cho thấy việc quan sát bằng mắt không thể xác định được đèn mờ hoặc không mờ mà chỉ có thiết bị đo lường xác định mới có cơ sở khoa học để xử phạt người vi phạm” - nhân viên đăng kiểm này nói.

Đồng thời, nhân viên tại trạm đăng kiểm này đã dùng thước đo vào rãnh vỏ xe để xác định vỏ xe mòn hoặc không mòn.

Lãnh đạo của trạm đăng kiểm này cho biết nếu nhìn bằng mắt cũng xác định vỏ xe mòn hay chưa mòn vì chỉ cần xem chỉ dấu báo mòn ở vỏ xe mà nhà sản xuất đã xác định trên vỏ xe.

Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị đo lường xác định vỏ xe mòn để đánh rớt xe kiểm định sẽ thuyết phục chủ xe so với kiểm tra bằng mắt. Như vậy, nếu CSGT dùng thiết bị đo vỏ xe để kết luận vỏ xe mòn thì lái xe sẽ không thắc mắc.

Theo các đơn vị đăng kiểm, việc xác định biển số xe bị mờ khi nước sơn trên biển số bị bong tróc đến mức không còn nhận dạng được những con số. Còn với biển số bị dính sình lầy, nhân viên đăng kiểm chỉ cần lau biển số...

“Nếu chỉ căn cứ một biển số phía trước hoặc phía sau xe dính sình lầy để xử phạt lái xe là quá đáng” - lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm nhận định.

Tránh chủ quan khi xác định lỗi vi phạm

Thượng tá Trần Văn Bình, phó Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết theo quan điểm cá nhân, ông cho rằng kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM nói trên là có cơ sở.

Theo ông Bình, tại tỉnh Tiền Giang ít có trường hợp CSGT xử phạt những lỗi như vỏ xe mòn, đèn mờ hay biển số mờ do việc xác định những lỗi này nặng tính chủ quan.

Theo ông Bình, thông thường tại Tiền Giang, khi CSGT phát hiện vỏ xe mòn đến nứt và lòi ruột xe ra thì gọi tài xế đến xem, xác nhận và lập biên bản xử phạt. Ngoài ra, CSGT còn yêu cầu tài xế phải thay vỏ xe xong mới được tiếp tục lưu thông để đảm bảo an toàn.

Ông Bình cũng lưu ý nếu ai cho rằng xe còn trong thời hạn đăng kiểm thì không vi phạm lỗi an toàn kỹ thuật là không đúng, vì trên thực tế có trường hợp chủ xe mượn vỏ xe mới gắn vào để đi kiểm định và sau đó tháo vỏ mới ra, dùng lại vỏ cũ cho đỡ tốn chi phí...

SƠN BÌNH

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên