Bà Mauricette, 78 tuổi, tiêm vắc xin Pfizer ở Pháp - Ảnh: REUTERS
Theo số liệu từ Our World in Data, Pháp là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 73% người dân đã được tiêm ít nhất một mũi.
Mặc dù tỉ lệ tiêm chủng ở Pháp vẫn thấp hơn một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) khác như Đan Mạch, Ireland hay Tây Ban Nha, nhưng vẫn vượt trội so với Mỹ với 64% dân số đã tiêm một mũi.
Theo báo The Local, Pháp từng khởi đầu chậm chạp đáng kinh ngạc. Tháng 1 đầu năm, 60% người Pháp trong cuộc thăm dò của đơn vị nghiên cứu thị trường Ipsos nói họ sẽ không tiêm vắc xin (tỉ lệ cao nhất trong số các quốc gia được thăm dò), khiến dân chúng hoang mang về mức độ chống vắc xin cao ở Pháp.
Dù là cái nôi của khoa học vắc xin (Pháp là quê hương của gã khổng lồ dược phẩm Sanofi và Viện Pasteur - được đặt theo tên Louis Pasteur, cha đẻ ngành vắc xin), người dân nước này lại từ lâu nổi tiếng về e ngại vắc xin.
Khảo sát của Wellcome Global Monitor công bố năm 2019 cho thấy cứ 3 người Pháp thì có 1 người cho rằng vắc xin không an toàn - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong 144 quốc gia được khảo sát.
Vào thời gian đầu triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia, Pháp còn gặp vấn đề về thiếu hụt nguồn cung vắc xin AstraZeneca và lo ngại về chứng máu đông sau tiêm. Sau khi giải quyết nguồn cung, Pháp bắt đầu đẩy mạnh tiêm chủng vào cuối mùa xuân.
Cho đến tháng 5, Pháp đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một mũi cho 20 triệu người (30% dân số). Tới tháng 7, tiến độ tiêm chủng chững lại và ca bệnh COVID-19 gia tăng.
Khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triển khai biện pháp mới. Kể từ ngày 1-8, bất kỳ ai không có "thẻ sức khỏe" chứa thông tin tiêm chủng hay xét nghiệm âm tính, sẽ không được vào quán bar, quán cà phê hay di chuyển đường dài bằng tàu hỏa.
Nhân viên y tế nếu không tiêm chủng có thể bị sa thải hoặc đình chỉ công việc không lương.
Theo Đài CNN, động thái của ông Macron là một canh bạc ở quốc gia có niềm tin văn hóa sâu sắc vào quyền tự do cá nhân và sự thiếu tin tưởng vào chính phủ.
Nhiều người Pháp đã phản đối đề xuất của ông Macron bằng biểu tình, nhưng cũng có nhiều người bỏ qua những ồn ào để đi tiêm.
Nhân viên y tế phản đối thẻ sức khỏe và kêu gọi tự do trong việc tiêm chủng - Ảnh: AP
Vào ngày 31-7, hơn 200.000 người xuống đường trên cả nước. Cùng ngày, 532.000 người Pháp đã đi tiêm chủng.
Trước đó, kể từ ngày 12-7, tỉ lệ tiêm chủng ở Pháp đã tăng vọt. Doctolib, nền tảng chính để đặt lịch tiêm chủng, ghi nhận 1 triệu cuộc hẹn trong 24 giờ.
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho dân đi tiêm. Chính phủ không tạo ra nền tảng riêng, mà hợp tác với các trang web và ứng dụng đã phổ biến sẵn như ứng dụng y tế Doctolib để người dân đặt hẹn đi tiêm trực tiếp ở các điểm tiêm gần họ nhất, không cần đợi bác sĩ mời và không phải chờ đợi lâu.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran đi tiêm vắc xin - Nguồn: BFM
Sự khác biệt cũng đến từ tư tưởng. Quan điểm của chính phủ ngay từ đầu là công việc của họ không chỉ đơn giản là cung cấp vắc xin, mà còn phải thuyết phục mọi người đi tiêm.
Hồi tháng 2, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran đi tiêm vắc xin rồi chụp ảnh hờ hững vai áo nhằm truyền cảm hứng tiêm chủng. Bức ảnh sau đó lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Đầu tháng 8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đăng tải video trên các trang mạng xã hội phổ biến với giới trẻ như TikTok và Instagram để nói về vắc xin, nhằm bác bỏ thông tin sai trên mạng và kêu gọi mọi người đi tiêm.
Nhờ vào nhiều yếu tố như tỉ lệ tiêm chủng tăng, tỉ lệ xét nghiệm tăng, công nghệ và lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở khu vực có nguy cơ cao, Pháp đã xoay xở để tránh được làn sóng dịch thứ 4 quét qua châu Âu.
Cứng rắn với nhân viên y tế chống vắc xin
Từ ngày 15-9, nhân viên y tế ở Pháp có thể bị đình chỉ công việc nếu họ chưa tiêm vắc xin COVID-19.
Gabriel Attal, người phát ngôn chính phủ, cho biết hơn 90% nhân viên y tế đã tiêm chủng. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy hầu hết trong số họ ủng hộ việc tiêm vắc xin.
Theo Hãng tin AP, hiện có khoảng 300.000 nhân viên y tế ở Pháp chưa tiêm chủng. Một số bệnh viện lo ngại tình trạng thiếu nhân viên sẽ khiến họ quá tải.
Nhiều nhân viên y tế trích dẫn thông tin sai về các loại vắc xin ở trên mạng, lo lắng về tác dụng lâu dài của vắc xin hoặc muốn có thêm thời gian để quyết định. Cũng có những người tức giận và phản đối chính quyền Tổng thống Macron, cũng như phản đối việc bắt buộc tiêm, chứ bản thân họ không phản đối vắc xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận