Những tài xế xem thường mạng người
Nhiều năm lái xe rồi dạy lái và kể cả khi làm hành khách, tôi phải ghi nhận đa số bác tài thời nay lái rất giỏi. Vậy tại sao tai nạn thảm khốc vẫn xảy ra nhiều như vậy?
Thời ở công ty vận tải hàng hóa, tôi biết và đôi khi còn chạy thuê cùng với lái xe tên Tuấn cho cùng một chủ. Tuấn là lái xe có năng khiếu khi còn rất trẻ, nhưng sau vài năm thì nhiều lái xe đã gắn Tuấn thêm hỗn danh "Tuấn tiền". Gã chạy cho xe nào thì xe đó dính tai nạn và chủ xe sẽ mất tiền nên cái tên Tuấn gắn với chữ "tiền" như tai ương.
Lần đầu Tuấn chạy thuê cho ông Vinh chở gạch men từ Hà Nội vào Buôn Ma Thuột. Về đến Kỳ Anh (Hà Tĩnh), gã buồn ngủ và chiếc xe tải chở hơn chục tấn gạch lao xuống ruộng. Tuấn và chủ xe từ cõi chết trở về. Cứ tưởng lỡ một lần thoát chết sẽ làm gã biết sợ mà lái cẩn thận, nhưng những chuyến sau có lần đi cùng, tôi vẫn chứng kiến Tuấn chạy ẩu vô cùng...
Tôi nhắc vụ tai nạn suýt chết để Tuấn đi đứng cẩn thận, gã không những không nghe mà chỉ hậm hực cho là xui xẻo...
Thời gian sau, Tuấn về chạy cho chủ xe khác. Được vài chuyến thì nghe gã vượt một chiếc xe tải 8 tấn rồi tạt đầu khiến xe ấy lật nhào xuống đường. Chủ xe phải bồi thường cho chủ xe không may kia mất mấy chục triệu đồng. Tiếp tới là Tuấn chạy xe ông Vĩnh, ông Tụ... không lật thì cũng gây tai nạn, va quẹt. Rồi đến lượt xe ông Phương gây tai nạn chết người!
Chính ông Phương này cũng không lạ gì Tuấn "tiền", vậy mà không tránh được. Ông kể: "Xe bốc hàng gỗ tạp đi miền Tây, lái xe của tôi đã ứng tiền trước nhưng tối ấy có trận chung kết World Cup nên anh ta ở nhà xem, không chịu đi. Chủ hàng yêu cầu đi gấp mà tôi đang ốm nên không còn cách nào khác phải nhờ Tuấn "tiền" chạy giúp một chuyến. Tôi ngồi kèm, nhắc nhở chạy an toàn... Nó sa sầm mặt mày và cứ chạy theo ý mình.
Chuyến đi xuống bỏ hàng trôi chảy. Tôi nhận chở bia về Phú Yên. Tuấn chạy đến An Phú Đông (TP.HCM) thì tông chết người. Nó nhảy xuống bỏ chạy chỉ để lại một câu: "Anh lo giùm". Từ đó đến nay không ai còn thấy Tuấn "tiền" ở Đắk Lắk nữa. Nó báo hại tôi phải vào trại tạm giam của công an cùng bao nhiêu dằn vặt, hệ lụy cho đến tận hôm nay".
Thực thi luật giao thông nên nghiêm hơn
Trường hợp Tuấn "tiền" hay lái xe khách tên Vinh chạy cẩu thả ở kỳ 1 đã đề cập là hai trong nhiều lái xe tôi biết họ có trái tim "lạnh lẽo". Tôi cũng biết có người chỉ một lần lỡ gây tai nạn chết người đã sợ hãi, ăn năn đến bỏ nghề để về làm ruộng. Nhưng vẫn còn có lái xe vẫn tìm cách để tiếp tục cầm lái và chưa bao giờ nhận lỗi về mình mà chỉ đổ thừa tai nạn tại xui xẻo...
Hàng loạt vụ lái xe "điên" lao vào dòng người xe đang dừng đèn đỏ, hàng loạt tai nạn do lái xe chạy nhanh, lấn làn, vượt ẩu, không giữ khoảng cách an toàn gây ra những tai nạn thảm khốc khiến dư luận bàng hoàng, lên án, xét xử này nọ, nhưng rồi tai nạn vẫn tiếp tục xảy ra.
Thầy Nguyễn Đức Thắng, một giáo viên dạy lái xe lâu năm ở Buôn Ma Thuột, tâm tư: "Đâu đó vẫn còn nghe than phiền về sự tắc trách của một bộ phận lực lượng chức trách khi thực thi luật giao thông dẫn đến nhiều lái xe cậy chủ, cậy tiền mà nhờn luật.
Cứ làm nghiêm như vụ nhà xe Thành Bưởi bị điều tra, bị dừng hoạt động; lái xe bị bắt, bị truy tố vì vượt ẩu làm nhiều người chết và bị thương ở Đồng Nai... sẽ là lời cảnh tỉnh cho những ai xem thường luật pháp, xem thường tính mạng con người...".
Theo người viết bài này, để phù hợp quy luật phát triển giao thông thời hiện đại, Luật Giao thông đường bộ nên sớm điều chỉnh để có những quy định tăng nặng hình phạt với những lái xe cố tình sử dụng rượu, bia, ma túy, lạng lách, đánh võng, vượt ẩu... khi tham gia giao thông và gây tai nạn nghiêm trọng. Đặc biệt, phải tổng kiểm tra, rà soát hệ thống đào tạo và nguồn cung lái xe, tăng cường các giờ học đạo đức bắt buộc với lái xe chuyên nghiệp...
Thực tế không phải cơ sở đào tạo lái xe nào cũng có đủ thực lực kinh tế để chuẩn bị từ phương tiện, sân tập cho đến sân sát hạch lái xe hạng D, E cũng như FC, FE.
Yêu cầu tuổi tác lái xe các hạng phải đủ 27 tuổi trở lên mới được nâng cấp lên hạng E, và không phải ai có giấy phép lái xe là ra có thể ôm xe khách mà chạy ngay được, nên nguồn cung lái xe khách trở nên khan hiếm, dẫn tới nhiều chủ xe không dám mạnh tay với lái xe của mình. Một thực tế đáng lo chỉ có người trong cuộc mới hiểu.
Ngược lại, các doanh nghiệp, chủ xe cũng cần phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với người lao động (đặc biệt là các lái xe) theo đúng Luật Lao động quy định. Khi tuyển người phải có giấy khám sức khỏe, phải có thời gian tập sự, thử việc đi phụ, chạy phụ... Khi đã đủ điều kiện tuyển chính thức, phải có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm đầy đủ để các tài xế yên tâm gắn bó công việc một cách trách nhiệm.
Nhớ trách nhiệm của mình trên tay lái
Sau gần 20 năm thắc thỏm mất ăn mất ngủ với những chuyến xe đường dài, tôi về dạy lái xe mong có thể truyền đạt lại những kinh nghiệm xương máu cho học viên, nhưng không phải muốn mà được.
Thực tế tôi thấy không ít người học lái chỉ "ngoan" được thời gian đầu, đến khi lái được và có giấy phép lái xe trong túi thì "cá tính" họ sẽ trỗi dậy. Tính ai cẩn thận sẽ cẩn thận, ai cẩu thả lại tiếp tục cẩu thả.
Có bài hát mà nhiều học viên lái xe hay nghe: "Đường em đi là đường bên phải. Đường ngược lại là đường bên trái... Đường bên trái thì em không đi. Đường bên phải là đường em đi". Vậy nhưng nhiều học viên vẫn đi vào phần đường ngược lại ấy, giáo viên buộc phải can thiệp để xe về đúng bên phải.
Đến khi có giấy phép lái xe, họ về chạy xe nhà, cái máu ngang ngược "đường nào cũng ban" lại trỗi dậy nên nguy cơ tai nạn là điều không tránh khỏi. Thực tế rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra là do vượt ẩu, lấn đường nguy hiểm.
Biết bao nhiêu vụ tai nạn khiến máu và nước mắt đau thương tràn ngập! Mỗi lái xe cần ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ một cách trách nhiệm sâu sắc để bảo vệ tính mạng con người, chứ không nên chỉ là chấp hành kiểu tình thế để đối phó với cảnh sát giao thông.
Không chỉ tôi mà nhiều tài xế kinh nghiệm khác đều đồng tình rằng về lý thuyết thì chạy xe đêm hiệu suất cao hơn ban ngày và thường an toàn hơn nhờ đường vắng vẻ, ít phải đạp thắng, giảm ga, nhồi ga đột ngột dẫn đến tốn xăng, hao mòn và đối mặt với các tình huống bất ngờ.
Tuy nhiên, thực tế hầu hết các vụ tai nạn thảm khốc vừa qua đều xảy ra ban đêm. Lý do thường là tài xế buồn ngủ, lạc tay lái hoặc lấn làn, vượt ẩu gây tai nạn.
Để hạn chế được tai nạn trên đường ban đêm thì về cơ bản cũng như ban ngày, việc đầu tiên và quan trọng nhất là tài xế phải nghiêm túc tuân thủ luật giao thông, không bao giờ được phép suy nghĩ đêm khuya ít cảnh sát giao thông mà chạy ẩu.
Thứ hai, các tài xế cần có lối sống lành mạnh, phải thu xếp thời gian ngủ nghỉ và cầm lái hợp lý để đảm bảo sức khỏe mà lái xe an toàn. Thực tế có những tài xế sống bạt mạng như nhậu nhẹt say xỉn hay bài bạc trắng đêm, hôm sau lại cầm lái thì rất nguy hiểm.
Điều này cũng cần có ý thức và chế độ của chủ xe. Chúng tôi biết nhiều tài xế bị chủ xe tiết kiệm, ép lên tài cầm lái liên tục, quá sức chịu đựng cơ thể thì nguy cơ xảy ra tai nạn là điều tất nhiên, hoặc nhiều chủ xe lơ là không hề quan tâm đến lối sống, đạo đức tài xế.
Đặc biệt, chủ xe cũng tuyệt đối không được kiểu "việc mày cứ chạy, còn đường tao lo, luật để tao lo". Kiểu này chỉ làm cho tài xế vào trại giam và máu, nước mắt ngập tràn trên đường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận