08/12/2014 09:57 GMT+7

​Pháp lý bất lợi cho cô dâu Việt

Luật sư HÀ HẢI (Ðoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư HÀ HẢI (Ðoàn luật sư TP.HCM)

TT - Thêm một trường hợp cô dâu Việt Nam bị sát hại khiến dư luận mấy ngày qua tiếp tục đặt câu hỏi đâu là nguyên nhân của chuyện này.

Cha của cô Nguyễn Thị Thanh Ngân - cô dâu Việt bị sát hại ở Hàn Quốc - thắp hương cho con - Ảnh: T.K.Anh

Ly hôn trong những trường hợp này đồng nghĩa với việc biến một con người có danh phận, từ cư trú hợp pháp sang bất hợp pháp. Cái chết của cô Nguyễn Thị Thanh Ngân phải được xem là có nguyên nhân từ đây.

Một số cô dâu nếu không cùng số phận như cô Ngân thì tiếp tục sống ngoài vòng pháp luật, mỗi ngày phải đối mặt với những hiểm nguy

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tựu trung do luật pháp vẫn chưa bao quát và cuộc sống khốn khó của họ.

Từ thực tế tham gia tư vấn pháp lý cho nhiều cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc và Ðài Loan, chúng tôi thấy điểm chung của nhiều cô dâu Việt là: kết hôn qua mai mối, hoàn toàn bất đồng về ngôn ngữ với chồng, kết hôn vì nghĩ sẽ được nhà chồng cho tiền hay có thể đi làm tự kiếm tiền xây cho bố mẹ căn nhà, giúp gia đình trả nợ vì mẹ (cha) bệnh nặng phải cầm cố đất vay mượn nợ...

Ly hôn là vào bước đường cùng

Nhiều cô dâu Việt đã thất vọng khi về nhà chồng. Như trường hợp các cô Nguyễn Thị X. và Trần Thị Kim U., ngay khi về nhà chồng mới thấy gia cảnh chồng khó khăn, một cô thì đi làm cùng chồng lo trả nợ tiền chồng vay mượn để đi cưới cô về, cô kia thì nhà chồng ép phải ở nhà lo việc giặt giũ và nấu nướng cho cả nhà, phải ngay lập tức sinh con.

Vậy là tiền bạc không có, ước nguyện báo hiếu cho cha mẹ ruột cũng không thành, không được thông cảm chia sẻ.

Nhiều cô dâu Việt bắt đầu phản kháng. Thông thường họ yêu cầu được đi làm, muốn được đối xử công bằng vì họ hiểu rằng hôn nhân không có tình yêu thì chí ít phải có sự tôn trọng, nếu không thì sự hi sinh của họ cũng phải giúp được bố mẹ trả hết nợ, chuộc lại đất đai đã cầm cố...

Và bi kịch bắt đầu từ đây.

Luật pháp Ðài Loan, Hàn Quốc, nơi có nhiều cô dâu Việt Nam sinh sống, đã dự liệu được chuyện này. Chỉ là luật pháp về hôn nhân với người nước ngoài của họ có nhiều điều bất công, phân biệt đối xử.

Ðiều 837 Bộ luật dân sự Hàn Quốc quy định về trách nhiệm nuôi con sau khi ly hôn sẽ căn cứ vào tình hình tài chính của cha mẹ và các điều kiện khác mà quyết định người nuôi con.

Ðiều 1055 Luật dân sự của Ðài Loan quy định về nghĩa vụ nuôi con chưa thành niên sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế, tình trạng cuộc sống của cha mẹ.

Hầu hết trường hợp ly hôn tại Hàn Quốc, Ðài Loan mà chúng tôi có dịp tiếp cận thì các cô dâu đều bị ép buộc giao con cho nhà chồng.

Lý do: họ không nhà cửa, không nghề nghiệp ổn định, không có quốc tịch.

Chưa hết, khoản 1, 4 điều 89 Luật quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc quy định khi người bảo lãnh rút lại đề nghị bảo lãnh, Bộ Tư pháp sẽ thông báo và yêu cầu người nước ngoài sắp xếp rời khỏi Hàn Quốc.

Quy định ở vùng lãnh thổ Ðài Loan cũng vậy, cô dâu ngay khi ly hôn sẽ bị nhà chồng thông báo cho cảnh sát về việc không còn bảo lãnh và cảnh sát sẽ bắt giữ, trục xuất cô dâu về Việt Nam.

Cô dâu X., U. và rất nhiều trường hợp khác mà chúng tôi tư vấn đều bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà ngay khi ly hôn.

Nỗi nhớ con, mất việc làm, không có chỗ ở, không nơi nương tựa, không tiền bạc, không một người thân nơi đất lạ quê người, bị cảnh sát và nhà chồng săn tìm (để báo cảnh sát), gia đình ở quê thì nợ vây tứ phía... những người phụ nữ này đã bị cuộc đời xô đẩy đến tận cùng.

Và không còn con đường nào khác, họ phải chấp nhận cuộc sống ngoài vòng pháp luật.

Về nước, lại thiếu sự hỗ trợ

Chúng tôi gặp không ít trường hợp cô dâu Việt đến văn phòng đề nghị hướng dẫn thủ tục ly hôn tại Việt Nam nhưng không mang theo bản án hoặc giấy thuận tình ly hôn tại nước sở tại, lý do là họ không được cung cấp.

Theo quy định ở nước ta thì những trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài nếu muốn được công nhận tại Việt Nam phải làm thủ tục ghi chú ly hôn. Một số trường hợp may mắn có giấy tờ ly hôn ở nước ngoài thì khi nộp hồ sơ xin ghi chú lại vướng yêu cầu bổ sung giấy tờ hộ tịch bên chồng.

Ðây là điều thật khó vì theo quy định của vùng lãnh thổ Ðài Loan chẳng hạn, chỉ người chồng mới được phép trích lục hộ khẩu, cô dâu nếu có năn nỉ thì cũng hiếm khi chồng cũ chịu giúp.

Mặt khác, theo quy định, vụ việc ly hôn còn phải có ý kiến hoặc có mặt người chồng, mà người chồng nước ngoài (đã ly hôn hợp pháp ở nước họ) thì không trả lời hoặc không về Việt Nam tham dự phiên tòa theo yêu cầu của tòa.

Ngoài ra, khi nộp hồ sơ xin ghi chú hoặc xin ly hôn thì đương sự phải cung cấp bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân.

Thế nhưng theo quy định tại điểm d điều 22 Luật cư trú và được hướng dẫn bởi khoản 6 phần 2 thông tư 06/2007/TT-BCA-C11, trong vòng 90 ngày kể từ ngày có người ra nước ngoài để định cư mà gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú thì công an xã, thị trấn tiến hành xóa đăng ký thường trú của người này.

Do đó, các cô dâu khi ly hôn trở về Việt Nam đã bị xóa hộ khẩu. Muốn nhập lại hộ khẩu, họ phải có xác nhận tạm trú, phải có xác nhận không tiền án tiền sự suốt thời gian ở nhà chồng, mà muốn vậy phải nhờ chồng cũ và tất nhiên yêu cầu này họ thường khó làm được. Các cô dâu không có hộ khẩu nên cũng không làm lại được chứng minh nhân dân, do đó cơ hội làm lại cuộc đời, có được một công việc để tự nuôi sống tại chính đất nước của mình cũng khó thực hiện với họ.

Ðó là lý do nhiều phụ nữ sau thất bại hôn nhân từ Ðài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc khi trở về buộc lòng phải chọn Singapore hay Malaysia tìm kế mưu sinh, để rồi trong số họ đã có không ít người rơi vào cuộc sống địa ngục ở các nhà chứa hoặc bị sát hại thảm thương.

Cần sửa luật để hỗ trợ cô dâu Việt

Để giải quyết tình trạng này, ngoài việc phải sửa luật theo hướng nghiêm cấm hôn nhân qua dịch vụ mai mối thì cơ quan lãnh sự chúng ta ở nước nơi có nhiều cô dâu sinh sống như Hàn Quốc và Đài Loan phải nắm bắt số lượng và tình trạng của các cô dâu: còn sống hay đã chết, ly hôn hay chưa, ly hôn xong có về nước hay không... để kịp thời can thiệp, hỗ trợ khi họ gặp khó khăn.

Luật cư trú cũng nên sửa đổi theo hướng khi hộ chiếu các cô dâu còn thời hạn và họ có khai báo nơi tạm trú thì phải cấp lại chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải tự mình xác minh, không bắt buộc đương sự cung cấp các văn bản xác nhận tạm trú theo kiểu đánh đố họ như vậy.

Ngoài ra, luật và các văn bản dưới luật cũng cần có quy định rõ ràng về việc ly hôn của công dân Việt Nam có yếu tố nước ngoài theo hướng tạo sự thuận lợi. Những trường hợp ly hôn đơn phương dù không có ý kiến của người chồng nước ngoài thì tòa án phải thụ lý và giải quyết.

Trong các trường hợp ghi chú ly hôn, không cần thiết yêu cầu đương sự bổ sung các giấy tờ khác ngoài giấy thuận tình ly hôn hay bản án - quyết định của tòa.

 

Luật sư HÀ HẢI (Ðoàn luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên