18/11/2022 17:03 GMT+7

Phản ứng với hàng rong hung hãn ở phố đi bộ: sao còn dùng cách 'thủ công'?

CÔNG DŨNG tổng hợp
CÔNG DŨNG tổng hợp

TTO - Dẹp hàng rong ở phố đi bộ: bao giờ thôi cảnh 'bắt cóc bỏ đĩa'?; Biểu tượng phải mang tính phổ quát… là những vấn đề nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc Tuổi Trẻ Online ngày 18-11.

Phản ứng với hàng rong hung hãn ở phố đi bộ: sao còn dùng cách thủ công? - Ảnh 1.

Người bán hàng rong vào phố đi bộ để bán dù tại đây có biển cấm - Ảnh: BẠCH NAM

"Bắt cóc bỏ đĩa" hay quy hoạch khu bán hàng rong?

Sau sự việc nhóm bán hàng rong đánh người dã man ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), việc đảm bảo an ninh và chấn chỉnh hoạt động buôn bán hàng rong được siết chặt.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, vào tối 16-11, Tuổi Trẻ Online ghi nhận tại đây xuất hiện trở lại rất nhiều xe hàng rong.

Trước tình trạng này, đại diện phường Bến Nghé quản lý phố đi bộ Nguyễn Huệ cho biết sẽ dán số điện thoại nóng để người dân liên hệ trong trường hợp khẩn, phường sẽ phản ứng nhanh và hỗ trợ người dân kịp thời.

Bình luận về cách làm trên, bạn đọc có nick name Baron viết: "Thời đại nào rồi còn dùng biện pháp thủ công như vậy! Camera lắp đặt, giao trách nhiệm cho công an và quản lý đô thị chịu trách nhiệm nếu để hành vi bán hàng rong sẽ bị kỷ luật, chứ sao đổ việc giám sát cho người dân".

Trong khi đó, bạn đọc Hiệp phân tích: "Nếu quận 1 đã đặt ra mục tiêu muốn được giống như Singapore thì thứ chúng ta còn thiếu chính là những hình phạt nghiêm khắc và mức chế tài cực cao như họ.

Những ai nếu đã từng hay chưa từng đặt chân đến đất nước này hẳn cũng đã nghe qua sự nghiêm minh của luật pháp nơi đây, chính sự nghiêm khắc đó mới tạo ra ý thức chung cho cộng đồng.

Nếu chúng ta cứ mãi vin vào những lý do muôn thuở như mưu sinh hay đói nghèo mà chùn chân trong việc xử lý thì vĩnh viễn sẽ không bao giờ có thể đạt được mục tiêu đó".

Nhấn mạnh vào giải pháp quyết liệt dẹp hàng rong gây cảnh nhếch nhác đô thị, bạn đọc tên Phong cho biết: "Quyết liệt vài lần là được chứ có gì đâu.

Lần đầu phải ký cam kết, lần sau tịch thu luôn. Chứ bán hàng bát nháo còn gì là đô thị văn minh nữa. Thấy chỗ nào trống là có ghế, bạt... ra tới bến Bạch Đằng luôn rồi".

Cho rằng việc xử lý hàng rong ở phố đi bộ hiện nay như chuyện bắt cóc bỏ đĩa, một số bạn đọc đề xuất giải pháp quy hoạch khu bán hàng rong quy củ ở gần phố đi bộ.

"Theo cá nhân tôi: Đừng cấm mà hãy tạo khu vực rõ ràng mua bán ăn uống với các ki ốt được decor đẹp, vệ sinh thì người bán có chỗ bán, người mua có nhiều lựa chọn và TP sẽ khang trang sạch đẹp" - Nguyễn Kỳ nêu ý kiến.

Chung quan điểm, bạn đọc Việt gợi ý: "Sao không biết tổ chức các kiểu "quầy" di động được thiết kế nhẹ nhàng, đẹp, gọn, nằm rải rác bán nước giải khát và đồ ăn vặt cho khách, như thời các quầy ở công viên Bách Tùng Diệp và trên lề đường Nguyễn Văn Chiêm, hay như các công viên lớn bên Tây, văn minh, lịch sự?".

Phân tích cụ thể hơn về lợi ích của giải pháp này, bạn đọc Cuong viết: "Quy hoạch cho họ một khu vực buôn bán để người dân có thêm thu nhập, nhà nước có thêm khoản thu thuế; quản lý buôn bán sẽ tránh được tình trạng bát nháo, mất vệ sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm".

Để người bán hàng rong tâm phục khẩu phục chấp hành quy định, bạn đọc Tèo cho hay: "Muốn dẹp hàng rong phải có một nơi cho họ bán. Vừa giúp họ mưu sinh vừa ổn định trật tự.

Một khi chỗ buôn bán được quy hoạch thì vấn đề xử phạt cũng dễ dàng và quyết liệt; "tâm phục khẩu phục" hơn! Người bán phải mặc đồng phục có bảng tên".

Biểu tượng phải mang tính phổ quát, dễ hiểu

Phản ứng với hàng rong hung hãn ở phố đi bộ: sao còn dùng cách thủ công? - Ảnh 3.

Biểu tượng kiến trúc đang xây dựng tại cuối đường Võ Nguyên Giáp (Khánh Hòa), gần đầu nam cầu Quán Trường, TP Nha Trang (ảnh chụp trưa 17-11-2022) - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Tại hai đầu đường Võ Nguyên Giáp (nối TP Nha Trang và huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đang xây dựng hai biểu tượng kiến trúc thuộc dự án trồng cây xanh dải phân cách đường Võ Nguyên Giáp, đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.

Vì thiếu bảng thông tin, nên người dân suy đoán đủ kiểu về một trong hai biểu tượng đã thành hình.

Một số bạn đọc đoán rằng đây là biểu tượng của những nhành san hô, có ý nghĩa gắn liền với hình ảnh thành phố biển Nha Trang. Một số bạn đọc lại hài hước cho rằng nhìn biểu tượng giống chiếc ná thun.

Lê Đức Đồng viết: "Tui lại nhìn giống biểu tượng cái ná thun (giàn thun) bắn chim thời nhỏ... Đồng ý là không phải người nào cũng am hiểu nghệ thuật nhưng một khi đưa ra cộng đồng thì phải mang tính phổ quát, dễ hiểu và dễ chấp nhận thì hiệu quả hơn!".

Trong khi đó, Nguyễn Nhật Đãng có ý kiến: "Nói đến Singapore ai cũng nghĩ ngay đến sư tử phun nước. Nếu có biểu tượng đặc trưng của một thành phố, độc đáo - càng ngẫm nghĩ lại càng thấy được thì tốt chứ sao, nhưng nhiều thì lại là nhàm".

Góp thêm góc nhìn khác, bạn đọc tên Hoàng cho hay rằng những công trình như thế này thực sự rất đáng có mặt trong những thành phố du lịch. "Mọi người hãy nhìn vào thực tế, không phải lúc nào dân cũng cần ruộng đất để cày xới, hoặc cũng tại vị trí đó đã đủ cây xanh rồi...

Cái quan trọng là tính minh bạch của nó, chỉ cần không có khuất tất thì các dự án làm đẹp thành phố là đáng hoan nghênh".

Bạn quan tâm và muốn chia sẻ điều gì thêm về những vấn đề trên? Theo bạn, làm cách nào để xử triệt để hàng rong gây nhếch nhác bộ mặt đô thị? Bạn có đồng ý cần quy hoạch khu bán hàng rong quy củ ở gần phố đi bộ Nguyễn Huệ?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.

Công an tạm giữ 7 người bán hàng rong đánh người ở phố đi bộ Nguyễn Huệ Công an tạm giữ 7 người bán hàng rong đánh người ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

TTO - Sau khi bị nhóm người bán hàng rong đánh hội đồng, hai thanh niên bị thương tích nặng, có người gãy răng, gãy xương mũi. Hiện Công an quận 1 đang tạm giữ nhóm bán hàng rong này.

CÔNG DŨNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên