18/08/2015 18:13 GMT+7

​ “Phân tầng tự nhiên” từ xét tuyển ĐH

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

Trong khi Bộ GD-ĐT có vẻ vẫn đang loay hoay với việc phân tầng, xếp hạng ĐH thì việc xét tuyển ĐH 2015 đã tạo ra được sự phân tầng một cách rất tự nhiên.

Một thí sinh cầm trên tay túi đựng Hồ sơ để nộp vào Trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội . Ảnh Nguyễn Khánh
Một thí sinh cầm trên tay túi đựng Hồ sơ để nộp vào Trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội . Ảnh Nguyễn Khánh

Thí sinh điểm cao dồn hết về trường lớn, thí sinh điểm thấp hơn tự nguyện rút hồ sơ về trường tốp giữa và những thí sinh điểm thấp hơn nữa tìm cơ hội an toàn tại các trường có điểm xét tuyển “vừa tầm”. Điều này dẫn đến việc thủ khoa của các trường từ tốp giữa trở xuống có mức điểm không chênh lệch nhiều so với mức điểm chuẩn dự kiến. Nhiều trường có mức điểm chuẩn ngành cao nhất là 22, nhưng thí sinh cao điểm nhất nộp vào trường cũng đạt chưa đến 25 điểm.

Tầng nào điểm đó

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hóa- trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Thương mại- nhận định việc rút- nộp hồ sơ của thí sinh trong những ngày cuối này tạo ra “phản ứng dây chuyền” rất thực tế: những thí sinh 25-26 điểm khối A không còn cơ hội vào ngành kinh tế Trường ĐH Ngoại thương có thể rút ra để nộp vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân và vì thế sẽ có lượng hồ sơ từ Trường ĐH Kinh tế quốc dân bị đánh bật ra khỏi ngưỡng an toàn sẽ tìm đến Trường ĐH Thương mại vốn đang có điểm chuẩn dự kiến thấp hơn. 

Ngày 18-8, Trường ĐH Thương mại tiếp nhận thêm 200 hồ sơ xét tuyển mới với đa số thí sinh đạt mức điểm 21-22 điểm. Hiện tại điểm chuẩn tạm thời ngành cao nhất của trường là kế toán ở mức 22 điểm. Theo ông Hóa, nếu mức độ nộp hồ sơ vẫn giữ ở quy mô vừa phải thì điểm chuẩn dự kiến của trường sẽ không biến động, nhưng nếu số thí sinh bị trượt khỏi trường tốp trên lại dồn về những ngày cuối thì điểm chuẩn các ngành sẽ tăng.

Tuy nhiên, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân lại cho thấy số thí sinh điểm cao rút từ các trường tốp trên về đây không thấm tháp gì so với lượng hồ sơ rút ra trong hai ngày qua. Chỉ trong hai ngày 17 và 18-8, có đến 800 thí sinh đến trường ĐH Kinh tế quốc dân rút hồ sơ. Điều này khiến cho một số ngành của trường đang bị rơi vào tình trạng hụt chỉ tiêu, điểm chuẩn dự kiến bị rơi xuống mức thấp hơn hẳn so với những ngày vừa qua.

Với mức điểm chuẩn tạm thời một số ngành bị hạ xuống nhưng vẫn còn “hụt” một số chỉ tiêu. Những thí sinh trước đây vốn có nguyện vọng được vào Trường ĐH kinh tế quốc dân nhưng lo ngại điểm chỉ ở mức “chới với” giữa khoảng đỗ- trượt có thể cân nhắc lựa chọn lại để đăng ký vào các ngành phù hợp.
GS Nguyễn Quang Dong- trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân

Từ mức điểm chuẩn tạm thời dao động từ 21,5-25,75 cho các ngành đào tạo ở lần công bố trước, mức điểm chuẩn tạm thời tính toán đến ngày 18-8 lại bị rút xuống với ngành thấp nhất chỉ còn 17 điểm. Cụ thể, điểm chuẩn tạm thời ngành kinh tế nông nghiệp bị tụt xuống mất 3,75 điểm (từ 21,75 điểm xuống 18 điểm), ngành bảo hiểm tụt 3 điểm (từ 22,75 điểm xuống còn 19,25 điểm) và ngành bất động sản còn tụt đến 5 điểm (từ 22 điểm xuống 17 điểm).

Giống như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, biến động điểm chuẩn tạm thời ở nhiều trường chủ yếu nằm ở nhóm ngành đã có điểm chuẩn thấp hơn so với các ngành còn lại trong cùng trường. Riêng các ngành hút thí sinh, mức điểm chuẩn dù cao nhưng đều trong trạng thái “kiên quyết không giảm”. Theo PGS.TS Lê Thị Thu Thủy- trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương- mức điểm chuẩn với ngành kinh tế dự kiến không thể thấp hơn mức 27,25 điểm như đã công bố hai ngày trước.

Ngày 18-8, tại trường có 100 thí sinh rút hồ sơ đồng thời cũng có 100 thí sinh nộp hồ sơ mới. Hiện tại, cơ sở phía Bắc có 3.200 hồ sơ đăng ký xét tuyển trong khi chỉ tiêu gọi nhập học khoảng 2.700. Nhiều thí sinh bằng điểm nhau và cùng đạt ở mức điểm thấp nhất trong phạm vi chỉ tiêu vẫn kiên trì bám trụ và chờ thí sinh khác rút hồ sơ để giành chỗ cho mình.

Thí sinh thờ hơ với hồ sơ xét tuyển

Đây là tình huống khá bất ngờ xảy ra với thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay. Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Phong Điền- trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà nội cho biết khi rà soát, nhà trường phát hiện có hàng hàng nghìn trường hợp sau khi đăng ký xét tuyển vào trường, dù đã được cấp mật khẩu để có thể chuyển nguyện vọng trực tuyến, nhưng không hề đăng nhập vào hệ thống một lần nào.

Trong số này, ngoài số thí sinh điểm rất cao chắc chắn đỗ, thì có rất nhiều   thí sinh không trúng tuyển vào nguyện vọng đã đăng ký mà vẫn không hề quan tâm đến việc chuyển đổi nguyện vọng hay rút- nộp hồ sơ sang trường khác. Ông Điền cho biết trường đã thông tin rất kỹ khi this inh đến nộp hồ sơ, thậm chí phát cả văn bản hướng dẫn, nhưng không ít thí sinh vẫn tỏ ra thờ ơ với chính quyền lợi của mình trong khi đợt 1 thí sinh luôn chỉ được ở trong trạng thái đăng ký duy nhất vào một trường (có thể rút- nộp hồ sơ).

Ông Điền khuyến cáo thí sinh nên cập nhật thông tin thường xuyên để biết được khả năng trúng tuyển của mình và có quyết định phù hợp trong những ngày nước rút của đợt xét tuyển ĐH đầu tiên. Đến thời điểm này, điểm chuẩn tạm thời các ngành đào tạo của trường đều đã vượt xa mức dự kiến do chính trường công bố ban đầu.

Xin nghỉ phép 1 tháng, thuê trọ nộp hồ sơ xét tuyển cho con

Đó là trường hợp của ông Ninh Văn Xá (Gia Lai) đi làm hồ sơ xét tuyển cho con gái vào Trường ĐH Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ông Xá cho hay vì thủ tục nộp, rút hồ sơ khá rắc rối sợ con gái không biết đường nên ông đã xin nghỉ phép một tháng để theo dõi tình hình xét tuyển cho chắc.

Từ trái qua: ông Xá và ông Sanh đang chờ đợi để hỏi lượng hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Tây Nguyên. Ảnh - Khắc Thịnh
Từ trái qua: ông Xá và ông Sanh đang chờ đợi để hỏi lượng hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Tây Nguyên. Ảnh - Khắc Thịnh

“Con tôi được 24,75 điểm đăng ký vào nghành y đa khoa (“điểm sàn” 24) của Trường ĐH Tây Nguyên thấy rất chênh vênh. Tôi xin đơn vị cho nghỉ phép cả tháng nay để theo dõi, cập nhật điểm từng ngày một. Mấy ngày cuối này trường cập nhật chậm, nóng ruột quá nên tôi thuê nhà trọ sau Nhà sách Tây Nguyên (đối diện trường) để xem tình hình thế nào rút còn kịp”- ông Xá nói.

Cũng ở gần nhà trọ với ông Xá là ông Nguyễn Văn Sanh (Bình Định) đi nộp hồ sơ vào Trường ĐH Tây Nguyên cho con chia sẻ: “Tôi bắt xe lên từ tối 16-8. Nghe thông tin trường cập nhật danh sách ba ngày một lần. Bản cập nhật mới nhất là ngày 17-8. Mấy ngày tiếp theo tôi đến trường đợi cuối giờ hỏi thầy cô xem lượng thí sinh nộp vào nhành con tôi có đông không để biết mà xử lý. Ngồi ở nhà chờ nóng ruột lắm”.

Phòng trọ ông Sanh thuê 100.000 đồng/ngày. Sáng ông Sanh ngồi ở ghế đá Trường ĐH Tây Nguyên từ 7g. “Đợi tới khi giờ làm việc kết thúc để vào hỏi số lượng thí sinh đăng ký mới yên tâm về ăn cơm rồi chiều lại tiếp tục” – ông Sanh kể. (KHẮC THỊNH)

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên