Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Từ những năm 2008-2009, tranh chấp Biển Đông đã liên tục dậy sóng, với những sự kiện gây căng thẳng liên tục xảy ra.
Những cơn sóng đó đã lên đến cao trào vào tháng 7-2016 khi một Tòa trọng tài ở La Haye được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đưa ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các yêu sách của nước này trên Biển Đông.
Tính lịch sử không thể chối bỏ
Đây là một sự kiện lịch sử, không những mở ra một trang mới trong tranh chấp Biển Đông mà còn góp phần tái định hình bối cảnh an ninh và chiến lược khu vực, ít nhất là trong ngắn hạn.
Đối với tình hình tranh chấp Biển Đông, vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc do chính quyền Tổng thống Benigno Aquino III khởi xướng đánh dấu lần đầu tiên một bên tham gia tranh chấp đã chính thức sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp này.
Quan trọng hơn, mặc dù không được Trung Quốc chấp nhận, nhưng những nội dung phán quyết, vốn mang lại thắng lợi áp đảo cho phía Philippines, đã làm biến đổi căn bản quy mô cũng như tính chất của tranh chấp.
Trong số các nội dung phán quyết của Tòa trọng tài, quan trọng nhất chính là hai nội dung: Yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử của nước này trên Biển Đông dựa trên đường chín đoạn là không có cơ sở pháp lý và trái với Công ước UNCLOS 1982; và không thực thể nào thuộc Quần đảo Trường Sa đủ tiêu chuẩn của một hòn đảo theo Điều 121 (3) của UNCLOS. Như vậy, các thực thể này tối đa chỉ được hưởng một vùng lãnh hải 12 hải lý mà không được hưởng một Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) có thể mở rộng đến 200 hải lý.
Các phán quyết này cơ bản đã thu hẹp phạm vi tranh chấp Biển Đông khi giờ đây sẽ không còn các vùng chồng lấn giữa đường chín đoạn của Trung Quốc cũng như các EEZ giả định của các thực thể thuộc Trường Sa với vùng EEZ tính từ đất liền của các nước ven biển.
Mặt khác, nếu áp dụng phán quyết thì trong khi tranh chấp về chủ quyền Quần đảo Trường Sa vẫn là một cuộc tranh chấp đa phương, thì tranh chấp về các vùng biển trên Biển Đông đã thu hẹp lại chủ yếu thành các cuộc tranh chấp song phương giữa các nước liên quan.
Điều này mở ra triển vọng giúp các bên liên quan quản lý tốt hơn, thậm chí tiến tới giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông về lâu dài.
Tuy nhiên, triển vọng đó trước mắt vẫn còn một khoảng cách khá xa so với hiện thực, bởi phần lớn sẽ phụ thuộc vào thái độ tuân thủ phán quyết của Trung Quốc.
Cho đến nay, đáng tiếc là Trung Quốc đã tuyên bố rằng nước này sẽ không công nhận và không thực thi các phán quyết.
Philippines tổ chức cho các nhà báo nước ngoài ra bãi cạn Scarborough để chứng kiến kiểu hành xử phi lý của Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Mở đường cho hành xử theo luật quốc tế
Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, các phán quyết của Tòa trọng tại vẫn đặt ra một tiền lệ quan trọng cho việc giải quyết các tranh chấp trên biển ở những khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả tranh chấp đối với Quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển liên quan.
Ngoài ra, phán quyết cũng khiến các nước tham gia tranh chấp phải dần dần phải làm rõ các yêu sách của mình, đồng thời đưa các yêu sách của mình vào khuôn khổ phù hợp với UNCLOS nói chung cũng như nội dung phán quyết nói riêng.
Việc phán quyết làm suy yếu cơ sở pháp lý của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông đồng nghĩa với nước này sẽ bị suy giảm “thẩm quyền đạo đức” nếu theo đuổi hoặc đẩy mạnh các tranh chấp theo hướng đi ngược lại nội dung và tinh thần của phán quyết.
Điều này ít nhiều đã dẫn tới một số nhún nhường tạm thời của Trung Quốc trên Biển Đông, như việc nước này đồng ý đẩy nhanh đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), hay không tiến hành các hành động gây hấn mới quy mô lớn trên Biển Đông trong những tháng vừa qua.
Phán quyết cũng giúp củng cố vị thế của Philippines trong quan hệ với Trung Quốc, bởi giờ đây Philippines có một công cụ sắc bén để mặc cả với Trung Quốc, không chỉ về vấn đề Biển Đông mà còn trong các lĩnh vực khác của quan hệ song phương.
Trong bối cảnh đó, việc tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau khi đắc cử đã có những điều chỉnh theo hướng dần rời xa đồng minh truyền thống Hoa Kỳ và dịch dần về phía Trung Quốc dường như gây khó hiểu, nhưng đó có thể là một phần trong hiệu ứng rộng lớn hơn của phán quyết.
Tổng thống Rodrigo Duterte trên tàu tuần duyên mới của Philippines - Ảnh: Reuters |
Trung Quốc cần cải thiện quan hệ với Philippines để giảm áp lực từ Manila cũng như quốc tế trong việc tuân thủ phán quyết.
Trong khi đó, với lá bài phán quyết trong tay mình, Tổng thống Duterte đã có tiếng nói trọng lượng hơn trong việc thuyết phục Trung Quốc hạn chế leo thang tranh chấp trên biển, cải thiện quan hệ song phương, và trợ giúp Philippines phát triển kinh tế nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị trong nước của ông.
Theo nghĩa đó, thay vì đẩy Trung Quốc và Philippines ra xa nhau hơn thì phán quyết dường như lại có tác động như một chất xúc tác giúp hai nước quản lý tốt hơn quan hệ song phương.
Tuy nhiên, liệu tác dụng đó có được duy trì lâu dài hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Một mặt, điều này phụ thuộc vào thiện chí của hai bên, nhất là Trung Quốc, trong khi nước này về cơ bản vẫn duy trì tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông - điều đi ngược lại lợi ích của Philippines cũng như các nước khác trong khu vực.
Mặt khác, những biến số như tình hình chính trường Philippines cũng như sự can dự của các cường quốc bên ngoài vào Biển Đông cũng sẽ đặt ra những giới hạn cho sự cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila.
Rốt cuộc, như những dòng nước trên Biển Đông, phán quyết của Tòa trọng tài chỉ như đỉnh của một cơn sóng trong cuộc tranh chấp chưa hồi kết. Sau khi chìm xuống theo thời gian, những cơn sóng khác lại sẽ trào lên, dù tính chất của những con sóng đó có thể sẽ không còn như trước khi bản phán quyết lịch sử được ban hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận