04/11/2024 10:18 GMT+7

Phân quyền quản lý quốc lộ: Nâng trách nhiệm của địa phương

Theo Luật Đường bộ Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025), quốc lộ sẽ được phân quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý.

Phân quyền quản lý quốc lộ: Nâng trách nhiệm của địa phương - Ảnh 1.

Đơn vị thi công sửa chữa quốc lộ 51 hư hỏng nặng đoạn qua thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Việc phân quyền giúp các tỉnh thành chủ động hơn trong công tác duy tu, bảo dưỡng, thậm chí mở rộng, để đáp ứng nhu cầu giao thông qua địa phương mình nhưng cũng làm nhiều tỉnh lo lắng về kinh phí và nhân lực cho việc này.

Phân quyền quản lý hơn 17.500km quốc lộ

Để phân quyền, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các khu đường bộ và các tỉnh đánh giá đoạn tuyến, quốc lộ nào giao cho các địa phương để phân quyền.

Đây là bước tiến cho thấy Bộ Giao thông vận tải "nhả" bớt việc để các địa phương chủ động quản lý, giám sát các quốc lộ qua địa bàn vì từng có không ít cử tri phản ánh đường hư, dải phân cách quốc lộ mờ, thiếu biển báo, xảy ra tai nạn... nhưng chậm khắc phục.

Điển hình là trường hợp quốc lộ 51 qua Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để khắc phục sửa chữa, từng địa phương cùng các khu quản ý đường bộ phải họp, đi khảo sát, kiến nghị và chờ đợi. Thậm chí có địa phương để sửa chữa được quốc lộ phải đợi ngân sách phân bổ hoặc gặp cảnh chủ đầu tư chây ì...

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, thực tế việc ủy quyền này là cần thiết vì tận dụng được bộ máy và tổ chức của cơ quan chuyên môn của địa phương tham gia công tác quản lý, bảo trì quốc lộ cũng như huy động được nguồn lực của địa phương để bảo đảm giao thông khi xảy ra sự cố, thiên tai, bão lụt; đáp ứng các yêu cầu về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của địa phương.

Đặc biệt chiều dài quốc lộ đang có xu hướng tăng lên theo quy hoạch.

Trong khi đó các tuyến đường cao tốc đang được đầu tư xây dựng và chuẩn bị đưa vào khai thác, dự kiến trong năm 2025 sẽ đưa vào khai thác 3.000km, đến năm 2030 đưa vào khai thác 5.000km.

Cục Đường bộ xây dựng tiêu chí và danh mục các tuyến sẽ bàn giao cho các các tỉnh thành nơi có quốc lộ đi qua địa bàn quản lý. Cụ thể phân cấp cho UBND các tỉnh thành quản lý trên 17.543km.

Trường hợp các địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân cấp không đáp ứng quy định pháp luật hoặc khi cần thực hiện dự án đầu tư theo chủ trương được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Giao thông vận tải quyết định việc thu hồi phân cấp quản lý quốc lộ.

Chúng ta cần xây dựng được tiêu chí xác định những tuyến quốc lộ phân cấp cho địa phương hay thuộc phạm vi quản lý của bộ phải cụ thể. Đồng thời phân quyền phải đi đôi với giao vốn để địa phương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM)

Lo thủ tục, lo chi phí duy tu

Trước khi Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến phân quyền, TP.HCM là địa phương đã được phân cấp quản lý các tuyến quốc lộ từ rất sớm.

Cụ thể từ năm 2004, bộ đã giao UBND TP.HCM năm tuyến quốc lộ để quản lý theo đường đô thị (gồm quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50). Nhờ vậy TP.HCM cũng linh động hơn khi xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đô thị.

Thế nhưng có các đoạn thuộc tuyến quốc lộ 13 (đoạn từ đường Nguyễn Xí đến ngã tư Bình Phước) và quốc lộ 50 (đoạn từ cầu Nhị Thiên Đường đến đường Nguyễn Văn Linh) vẫn còn lấn cấn vì chưa được Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh thành đường đô thị.

Mới đây Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết hai đoạn trên nằm sâu trong khu vực nội đô, dọc hai bên tuyến có tỉ lệ đô thị hóa cao và việc xem xét đặt tên đường đô thị là cần thiết.

Tuy nhiên do phân loại đường theo cấp quản lý trên tuyến quốc lộ 13, quốc lộ 50 không đồng bộ (có đoạn là quốc lộ, có đoạn là đường đô thị) gây khó khăn cho công tác đặt, đổi tên đường trong đô thị và công tác quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã trình UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh phân loại đường từ quốc lộ thành đường đô thị đối với tuyến quốc lộ 13 (đoạn từ đường Nguyễn Xí đến ngã tư Bình Phước) và quốc lộ 50 (đoạn từ cầu Nhị Thiên Đường đến đường Nguyễn Văn Linh).

Trong khi đó Đồng Nai là cửa ngõ ra vào của nhiều tỉnh thành phía Nam cũng "nếm trải" quá nhiều tai ương ở các quốc lộ 20, quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 56 như tai nạn, đường hư, biển báo mờ, ngập nước, "lô cốt" trạm thu phí...

Do vậy việc phân quyền cho Đồng Nai để quản lý bốn quốc lộ trên liệu tỉnh này có kham nổi?

Ông Nguyễn Đức Dân, trưởng phòng quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn giao thông Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, cho biết: "Trước đây, việc tổ chức giao thông ở các quốc lộ qua địa bàn phải bàn bạc, thông qua các cơ quan trung ương nên có những vụ việc cần xử lý nhanh cũng chậm đi.

Chẳng hạn họp bàn giải quyết điểm đen tai nạn, gắn dải phân cách, biển báo giao thông... cũng mất thời gian. Nay với quy định mới của Luật Đường bộ phân cấp về cho địa phương chủ động hơn nhưng lại lo khó khăn về tài chính và nguồn nhân lực".

Theo ông Dân, bốn quốc lộ qua địa bàn Đồng Nai có tổng chiều dài trên 245km. Những quốc lộ này có thời gian khai thác đã lâu cùng với lưu lượng xe rất lớn nên nhiều đoạn trên các quốc lộ này đã xuống cấp, như quốc lộ 51 nếu giao về cho địa phương quản lý thì phần tiền duy tu, sửa chữa mặt đường lên đến ngàn tỉ đồng.

Ông Dân cho hay chỉ riêng phần đường thuộc thẩm quyền do sở quản lý khoảng gần 500km mỗi năm đã tốn khoảng 250 tỉ đồng chi phí duy tu, sửa chữa.

"Nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng được công việc ở địa phương. Sắp tới khi phân quyền quản lý thêm các quốc lộ thì địa phương phải sử dụng thêm ngân sách rất lớn để duy tu, sửa chữa những đoạn quốc lộ được giao.

Tuy nhiên hiện vẫn chưa biết nguồn kinh phí này sẽ lấy từ đâu và nhân lực ở đâu ra để đảm đương thêm việc sửa chữa, duy tu các quốc lộ khi bộ máy tinh giản như hiện nay", ông Dân chia sẻ.

Phân quyền quản lý quốc lộ: Nâng trách nhiệm của địa phương - Ảnh 2.

Đồ họa: N.KH.

Giao quyền phải đi liền với giao vốn

Nói về việc phân quyền, chuyên gia giao thông Nguyễn Ân đánh giá: "Việc phân cấp quản lý cho địa phương quản lý các tuyến quốc lộ qua nội tỉnh là hợp lý. Tuy nhiên đối với những tuyến quốc lộ liên vùng, cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng đồng đều.

Việc phân cấp tuyến quốc lộ huyết mạch trong mạng lưới giao thông quốc gia có thể dẫn đến tình trạng mỗi địa phương quản lý khác nhau, dẫn đến chênh lệch trong chất lượng bảo trì, thậm chí đường hư hỏng xuống cấp".

Ông Ân cũng đặt vấn đề: Một yếu tố quan trọng khi phân quyền, bàn giao thì tiền đâu để các địa phương bảo trì các tuyến đường? Bởi trong bối cảnh hiện nay, một số tỉnh thành có nguồn lực có thể cân đối ngân sách để đảm nhận trách nhiệm này, nhưng cũng có địa phương lại gặp khó khăn.

"Vì vậy việc phân bổ kinh phí bảo trì quốc lộ từ trung ương giúp địa phương hoàn thành nhiệm vụ cũng cần được rà soát cụ thể để đảm bảo hiệu quả của chủ trương. Nếu không được hỗ trợ ngân sách hợp lý, việc phân cấp quốc lộ sẽ khó đạt được kết quả như mong đợi", ông Ân nói.

Trong khi đó TS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá việc phân cấp tối đa quản lý quốc lộ cho địa phương giúp tăng tính trách nhiệm, động lực cho các địa phương trong quản lý, khai thác các tuyến quốc lộ hiện nay.

Dựa vào đó Nhà nước sẽ phân bổ ngân sách, chính sách đầu tư đảm bảo sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt địa phương được giao quản lý tháo gỡ được nhiều thủ tục vướng mắc khi muốn lập dự án mới, bảo trì, kêu gọi đầu tư... tránh việc chồng chéo, "cha chung không ai khóc".

Cũng theo TS Cương, các bộ ngành phải đánh giá thêm một vấn đề là mỗi địa phương có tiềm lực, nguồn lực khác nhau.

Cho nên quá trình thực hiện sẽ có những nơi khó đáp ứng yêu cầu để phân cấp quốc lộ về quản lý. Các bộ ngành cần dựa vào thực tế và tiêu chí xác định những tuyến quốc lộ phân cấp cho địa phương chặt chẽ để phân cấp vừa đúng quy định, vừa hiệu quả.

Phân cấp tối đa trong quản lý các tuyến quốc lộ

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vào ngày 29-10, trong buổi làm việc với các bộ ngành để cho ý kiến về dự thảo ba nghị định trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đối với các tuyến quốc lộ, Phó thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc phân cấp tối đa cho địa phương.

Còn Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì quốc lộ ở địa phương; "chăm lo tổng thể" mạng lưới đường bộ quốc gia, trực tiếp quản lý và đầu tư các tuyến cao tốc và quốc lộ quan trọng, trọng yếu, liên quan đến bảo đảm quốc phòng - an ninh...

Lấy ý kiến địa phương để phân cấp đạt hiệu quả nhất

Theo Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ Giao thông vận tải), Luật Đường bộ 2024 quy định: Bộ Giao thông vận tải quản lý quốc lộ, UBND cấp tỉnh sẽ có trách nhiệm quản lý đường tỉnh, quốc lộ qua đô thị đặc biệt hay quốc lộ khi được phân cấp.

Căn cứ vào đó, đối với quốc lộ đã phân cấp, Bộ Giao thông vận tải chỉ quản lý nhà nước thông qua kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của địa phương. Việc phân cấp quản lý quốc lộ cho địa phương nhằm tháo gỡ một số thủ tục, giúp các địa phương chủ động hơn trong quá trình cải tạo, nâng cấp.

Song song đó nâng cao trách nhiệm của địa phương trong khai thác, quản lý và bảo trì... Tuy nhiên khi phân cấp như vậy thì các địa phương có nguồn lực lớn thực hiện tốt hơn, ngược lại một số địa phương sẽ lo lắng nếu nguồn lực chưa đủ. Hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, người dân quan tâm... để làm sao quy định phân cấp quản lý quốc lộ phù hợp, hiệu quả nhất.

* Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM):

Phân quyền làm cao tốc mang lại hiệu quả

Hiện nay nhiều tỉnh thành có đủ nguồn lực và có nhu cầu để đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ qua địa bàn để chống ùn tắc và phát triển kinh tế.

Nhưng vì chưa được bàn giao quản lý nên không thể chủ động lên kế hoạch và bố trí vốn để triển khai. Tôi cho rằng nếu việc phân cấp được triển khai sớm và mạnh mẽ hơn có thể một số tuyến quốc lộ qua một số địa bàn đã được mở rộng và hiện đại hơn.

Việc này không chỉ phát huy nội lực và tính chủ động của từng địa phương mà còn gắn liền trách nhiệm cụ thể với nơi có tuyến đường đi qua.

Khi phân quyền, Bộ Giao thông vận tải có thể tập trung vào hoạch định chính sách, đẩy nhanh tiến độ các dự án quốc gia quan trọng, đặc biệt những dự án đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật phức tạp.

Bài học kinh nghiệm thành công của mô hình phân cấp phân quyền đã thể hiện rõ qua việc triển khai xây dựng mạng lưới đường cao tốc. Trước đây các tuyến cao tốc liên vùng đều đặt Bộ Giao thông vận tải ở vai trò là "tổng tư lệnh". Trong khi nhu cầu phát triển cao tốc để phát triển kinh tế giai đoạn này rất lớn, khắp mọi miền trên cả nước.

Vì vậy Chính phủ đã có chủ trương phân cấp cho các địa phương chủ trì triển khai các đoạn, các tuyến cao tốc qua địa bàn. Đến nay, chủ trương phân cấp cho địa phương làm đường cao tốc đã đạt những kết quả rất khả quan, mạng lưới cao tốc nước ta đang dần hoàn chỉnh.

Kinh nghiệm từ các nước

Phân quyền quản lý quốc lộ: Nâng trách nhiệm của địa phương - Ảnh 3.

Xa lộ liên tiểu bang số 5 đoạn đi qua thành phố Seattle ở bang Washington của Mỹ - Ảnh: Christopher Boswell/Adobe Stock

Trung Quốc và Mỹ, hai nước có hệ thống đường bộ chằng chịt và dài nhất thế giới, có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của chính quyền trung ương và các địa phương nơi đường bộ đi qua.

Tại Trung Quốc, đường bộ được phân chia theo vị trí trong mạng lưới thành đường bộ quốc gia, đường tỉnh, đường huyện và đường thị trấn.

Còn về mặt kỹ thuật gồm đường cao tốc, đường hạng nhất, đường hạng hai, đường hạng ba và đường hạng tư. Tiêu chuẩn cụ thể cho việc phân chia sẽ do cơ quan quản lý giao thông của Quốc vụ viện (tức Chính phủ Trung Quốc) quy định.

Theo Luật Đường bộ sửa đổi năm 2016 của Trung Quốc, cơ quan quản lý giao thông vận tải của Quốc vụ viện chịu trách nhiệm quản lý đường bộ trong toàn quốc.

Các cơ quan giao thông vận tải của chính quyền nhân dân địa phương từ cấp huyện trở lên chịu trách nhiệm quản lý đường bộ trong khu vực hành chính của mình. Chính quyền có thể giao cho các tổ chức quản lý đường bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý đường bộ theo quy định.

Đáng chú ý luật này cũng giao chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị và thành phố quy định chức năng và trách nhiệm của các cơ quan giao thông vận tải của chính quyền từ cấp huyện trở lên đối với việc quản lý và giám sát đường bộ quốc gia và đường tỉnh.

Tại Mỹ, hệ thống đường bộ cũng chia ra làm nhiều cấp dựa trên địa lý và mặt kỹ thuật như ở Trung Quốc. Hệ thống đường bộ quốc gia Mỹ là hệ thống xa lộ thuộc hàng lớn nhất thế giới, bao gồm các xa lộ liên tiểu bang và những đường phục các sân bay, cảng, căn cứ quân sự, nhà ga xe lửa, đường ống và các cơ sở chiến lược khác.

Vào năm 1995, một đạo luật liên bang đã được thông qua, trong đó nêu rõ các tuyến đường bộ nào thuộc hệ thống đường bộ quốc gia, bao gồm cả các xa lộ liên tiểu bang.

Theo trang web của Cục Đường bộ liên bang Mỹ, mặc dù được chính phủ liên bang tài trợ rất nhiều, các xa lộ liên tiểu bang vẫn thuộc sở hữu của bang nơi chúng được xây dựng.

Chính quyền bang có thể đề xuất xây dựng một tuyến xa lộ liên tiểu bang mới nhưng phải tuân thủ các quy định chung được thống nhất trên cả nước. Đồng thời thông qua các quỹ liên bang, chính quyền tiểu bang được khuyến khích đảm bảo duy trì và cải thiện chất lượng cũng như mức độ an toàn của xa lộ liên tiểu bang.

Phân quyền quản lý quốc lộ: Nâng trách nhiệm của địa phương - Ảnh 4.

Quốc lộ 80 đoạn qua huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) xuống cấp nghiêm trọng, dù ngành chức năng liên tục giặm vá sửa chữa - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tây Nam Bộ đã quản lý một số quốc lộ

Một số địa phương đã tiếp nhận quản lý trực tiếp các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh như Bến Tre, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang...

Trong những năm gần đây các tuyến quốc lộ tại khu vực miền Tây dù được nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nhưng không đáp ứng được nhu cầu phát triển của khu vực.

Kinh phí hạn chế

Hầu hết các tuyến quốc lộ đều bị quá tải, xuống cấp và tốc độ khai thác bình quân chỉ khoảng 40 - 50km/h. Đặc biệt có nhiều tuyến quốc lộ như quốc lộ 62, quốc lộ 54, quốc lộ 57, quốc lộ 80, quốc lộ 91... bị xuống cấp nghiêm trọng trong thời gian dài.

Ông Cao Minh Đức, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bến Tre, cho biết hiện tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận bốn tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 280km để trực tiếp quản lý, khai thác. Tỉnh Bến Tre cùng với Kiên Giang là hai địa phương tiếp nhận quản lý trực tiếp các tuyến quốc lộ lớn nhất khu vực miền Tây.

Theo ông Đức, việc tiếp nhận quản lý các tuyến quốc lộ có nhiều thuận lợi, đặc biệt là địa phương chủ động trong công tác quản lý sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó cũng có một số khó khăn, như hiện nay một số tuyến đường đã quá niên hạn bảo trì, xuống cấp và kinh phí còn hạn chế.

Còn lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang cho hay việc quốc lộ 91 được giao về địa phương sẽ chủ động tất cả các loại, dễ quản lý, phân quyền dễ hơn. "Hiện nay địa phương quản lý nhưng về vốn duy tu bảo dưỡng đường thì Cục đường bộ IV phải cấp phát cho địa phương để thực hiện. Nếu giao hẳn quốc lộ cho các địa phương thì chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc quản lý cũng như xử lý những sự cố xảy ra trên quốc lộ và điều hành tốt hơn", lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang nói.

Sẽ chủ động hơn rất nhiều

Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Khu quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải), cho biết hiện nay tại khu vực ĐBSCL đã có một số địa phương tiếp nhận quản lý trực tiếp các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn, điển hình như các địa phương Bến Tre, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang...

Việc giao các tuyến quốc lộ về cho địa phương quản lý là hoàn toàn phù hợp với tình hình, xu thế hiện tại, bởi địa phương sẽ chủ động được trong công tác quản lý, duy tu khi có hư hỏng. Trung ương sẽ phân bổ vốn theo khối lượng được bàn giao.

Ông Thành cho biết thêm sau khi các địa phương quản lý trực tiếp các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn, họ có thể chủ động trong rất nhiều việc và rút ngắn được thời gian hơn trước.

"Ngoài nguồn vốn trung ương, các địa phương có thể cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn khác để phục vụ duy tu, sửa chữa các tuyến quốc lộ - điều mà trước đây không thể thực hiện", ông Thành nói.

Bên cạnh đó các địa phương cũng sẽ chủ động trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, đấu nối mạng lưới đường tỉnh, đường huyện vào hệ thống đường quốc lộ đia qua địa phương.

Thuận lợi hơn cho phát triển hạ tầng

Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Khu quản lý đường bộ IV, cho rằng việc giao quốc lộ về địa phương sẽ thuận lợi về phát triển hạ tầng. Sắp tới đây, đơn vị sẽ giao hẳn cho địa phương để đầu tư, nâng cấp xứng tầm và phục vụ phát triển kinh tế của vùng.

"Nghị định phân cấp, phân quyền theo Luật Đường bộ sẽ ban hành vào cuối năm 2024. Khi quốc lộ về địa phương thì các tỉnh thành sẽ cân đối, chủ động nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn. Các tỉnh sẽ chủ động đầu tư hạ tầng ở khu vực của mình", ông Thành nói.

Phân quyền quản lý quốc lộ: Nâng trách nhiệm của địa phương - Ảnh 5.Bàn giao quốc lộ 1K cho TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai quản lý

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành quyết định điều chỉnh quốc lộ 1K qua TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai thành đường địa phương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên