Bà Mai Thị Ngọc Thảo (P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) phân loại rác tại nhà - Ảnh: Quang Định |
Tính cả năm, xử lý rác ngốn ngân sách hơn 51 triệu USD, con số đáng phải suy nghĩ trong khi ngân sách còn thiếu thốn tứ bề. TP.HCM có thể giảm được chi phí xử lý rác hay không, câu trả lời từ các nhà chuyên môn về môi trường: hoàn toàn có thể. Một trong những giải pháp hiệu quả mà TP có thể chủ động thực hiện là giảm tối đa khối lượng rác đưa ra bãi chôn lấp hoặc các nhà máy xử lý rác.
Phân loại rác: rất ích lợi
Trong số nhiều giải pháp tổng hợp, đồng bộ đã thảo luận và được đưa vào nhiều kế hoạch bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý rác thải... thì phân loại rác (có 3 loại rác: rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế) tại mỗi gia đình luôn được đặt ở vị trí trọng tâm. Theo đó, hơn một năm nay, TP đã tổ chức, phổ biến cách phân loại rác tại mỗi hộ gia đình ở sáu quận gồm: 1, 3, 5, 6, 12 và Bình Thạnh.
Trở lại các địa bàn dân cư - những nơi được phổ biến phân loại rác, Tuổi Trẻ đã ghi nhận được nhiều tín hiệu khác biệt so với những lần thí điểm được đánh giá là thất bại trước đây. Tại khu phố 4 và 4A, P.Tân Thới Hiệp, Q.12 có 200 gia đình được phổ biến, duy trì việc phân loại rác tại nhà từ tháng 1-2015 đến nay.
Bà Võ Thị Phi (66 tuổi, ở tổ 10, khu phố 4, P.Tân Thới Hiệp, Q.12) cho biết: “Trước đây, gia đình tui thường bỏ rác lẫn lộn trong các túi nilông. Sau khi được triển khai chương trình phân loại rác tại nhà, tui thấy có nhiều lợi ích. Phân loại rác cũng khá đơn giản, rất cần duy trì và nhân rộng mô hình này”.
Còn với một người trẻ như anh Nguyễn Mai Nguyên (26 tuổi, ở tổ 10, khu phố 4, P.Tân Thới Hiệp), việc phân loại rác không tốn quá nhiều sức lực, mang ý nghĩa bảo vệ môi trường và thuận lợi cho quá trình xử lý, tái chế rác thải.
Theo anh Nguyên, thông qua chương trình phân loại rác, ý thức về bảo vệ môi trường của mỗi thành viên trong gia đình được nâng cao rõ rệt. Rác thải được phân loại và để trong nhà, khi nào có người thu gom thì mới mang ra, tránh ảnh hưởng tới cộng đồng xung quanh.
Tương tự, sau hơn một năm thực hiện chương trình thí điểm phân loại rác tại nhà, nhiều hộ dân tại khu vực P.12, Q.6 đã hình thành được thói quen phân loại rác.
Bà Phan Thị Đâu (51L, cư xá Phú Lâm A, P.12, Q.6) cho biết ban đầu thực hiện bà hay quên, sau đó phân loại riết rồi thành quen. Bà Lê Thị Bích Liên (P.14, Q.Bình Thạnh) còn dạy mấy đứa cháu trong nhà cách phân loại rác ngay từ đầu để các cháu quen dần. Như một sự đồng cảm, ông Trịnh Văn Mỹ (P.Bến Nghé, Q.1) nói ngắn gọn “rất lợi ích”.
Theo ông Mỹ, phân loại rác tại nguồn còn giúp người dọn vệ sinh làm được nhanh hơn, giảm ô nhiễm, đỡ tốn kinh phí của Nhà nước.
Người Nhật chung tay
Các nhà chuyên môn đến từ Cục Môi trường TP Osaka (Nhật Bản), trong chuyến làm việc mới đây với TP.HCM đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và sáu lợi ích cụ thể của việc phân loại rác. Trong đó nhấn mạnh cách làm này sẽ giải quyết được vấn đề rác thải (tránh phải xử lý chôn lấp), thúc đẩy các hoạt động tái chế (xử lý tái chế rác dễ dàng hơn)...
Các chuyên gia của Nhật cho rằng cần chuyển đổi văn hóa sinh hoạt của TP.HCM hướng tới phân loại và tuần hoàn rác. Từ coi trọng các hoạt động truyền thông mà người dân sẽ hiểu rõ hơn và hợp tác trong vấn đề rác thải. Và cũng từ việc nhân rộng mô hình phân loại rác, người dân sẽ đóng góp vào công cuộc giúp TP xây dựng xã hội tuần hoàn và carbon thấp, hướng tới đô thị kiểu mẫu hàng đầu châu Á.
Các chuyên gia Nhật cũng đang góp sức cùng TP.HCM đề xuất phương án thu gom đúng cách lượng rác thực phẩm từ các hộ dân và hộ kinh doanh. Với chuyên gia Nhật, đúng cách tức là đạt ba điều kiện: không tốn nhiều chi phí để thu gom rác, có thể thu gom được chất thải thực phẩm có chất lượng tốt, không thay đổi nhiều so với cách thu gom hiện nay.
PGS.TS Lê Văn Khoa (khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết với những thông tin ông nắm được, người dân Tokyo (Nhật) có thể phân loại được 10 loại rác khác nhau.
Còn ở TP Osaka, người dân phân loại được năm loại rác khác nhau trong sinh hoạt hằng ngày của mình. Ông Khoa nói ông rất thú vị với câu slogan ở Nhật là “Xã hội tuần hoàn vật chất”. Trong quan niệm và cách làm của người Nhật, rác thải dễ phân hủy là một thứ tài nguyên chứ không phải là một vấn nạn của xã hội.
Cô Trương Hồ Trâm Anh (giáo viên Trường tiểu học Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM): Học sinh được dạy phân biệt rác hữu cơ, vô cơ Ở Trường tiểu học Lạc Long Quân, ngoài việc sinh hoạt cho học sinh về ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, giữ lớp học, sân trường xanh sạch đẹp, trường còn có “đội cảnh sát môi trường”. Đội này không phải để “phạt” các học sinh vứt rác bừa bãi, mà có nhiệm vụ ghi nhận những học sinh nào biết nhặt rác bỏ vào thùng, bỏ rác đúng quy định để tuyên dương, khen thưởng. Việc dạy học sinh ý thức bảo vệ môi trường, trong đó có việc không vứt rác bừa bãi, được giáo viên tích hợp vào trong các môn học, từ tập đọc, tập làm văn, tự nhiên, xã hội đến khoa học. Ở trường tôi, học sinh cũng được dạy phân biệt rác hữu cơ và vô cơ bằng cách giáo viên cho phân biệt trực quan. Vỏ chai nước khoáng, túi nilông, ống hút... được cô giáo nói là rác vô cơ, bỏ vào thùng vô cơ; còn với vỏ chuối, vỏ dưa hấu... thì cô nói với học sinh đó là rác hữu cơ. Học sinh tiểu học phải được học phân loại rác bằng trực quan sinh động và tạo thói quen cho các em. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận