14/10/2021 10:00 GMT+7

Phân loại cấp độ dịch để mở cửa

L.ANH - T.PHÙNG -  C.TUẤN - T.DUNG
L.ANH - T.PHÙNG - C.TUẤN - T.DUNG

TTO - Tối 13-10, Bộ Y tế đã công bố phân loại cấp độ dịch - hướng dẫn quan trọng để có thể đi lại, mở cửa lại cơ sở sản xuất kinh doanh, giáo dục đào tạo trực tiếp, nhà hàng khách sạn... theo tinh thần của nghị quyết 128 của Chính phủ.

Phân loại cấp độ dịch để mở cửa - Ảnh 1.

Nhân viên kiểm tra điều kiện hành khách đi tàu tại ga Hà Nội chiều 13-10 - Ảnh: HOÀNG ANH

Với một trong số các vấn đề quan tâm nhất hiện nay là việc đi lại liên tỉnh, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ cập nhật vào các kế hoạch, hướng dẫn hoạt động giao thông, vận tải liên tỉnh, lưu thông hàng hóa, bảo đảm liên tục chuỗi cung ứng sản xuất... như tinh thần nghị quyết 128 sau khi bỏ không còn áp dụng chỉ thị 15, 16... nữa.

Phân loại vùng xanh, đỏ, vàng, cam như thế nào?

Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, có 5 tiêu chí để phân loại cấp độ dịch, trong đó có 3 tiêu chí bắt buộc là số ca mắc mới/100.000 dân/1 tuần không bao gồm ca nhập cảnh, ca mắc trong cơ sở cách ly tập trung; tỉ lệ người ở độ tuổi tiêm chủng được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin; tỉnh, thành phố có kế hoạch thu dung, điều trị và đảm bảo số giường hồi sức cấp cứu.

Với tiêu chí về vắc xin và ca mắc mới có thể chia ra các vùng như sau:

- Vùng xanh (cấp 1 - bình thường mới): ở cấp xã hoặc phạm vi nhỏ hơn, số ca mắc dưới 20 ca/tuần, dưới 70% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin. Nếu số ca mắc từ dưới 20 đến 50 ca/tuần nhưng số người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin cũng xếp là vùng xanh.

- Vùng vàng (cấp 2 - nguy cơ trung bình): số ca mắc từ 20 - 50 ca/tuần, tỉ lệ tiêm chủng dưới 70%.

- Vùng cam (cấp 3 - nguy cơ cao): số ca mắc 50 - 150 ca/tuần, tỉ lệ tiêm chủng dưới 70%. Nếu tỉ lệ tiêm chủng trên 70% xếp ở mức 2.

- Vùng đỏ (cấp 4 - nguy cơ rất cao): số ca mắc trên 150 ca/tuần, tỉ lệ tiêm vắc xin dưới 70%. Nếu tỉ lệ tiêm vắc xin trên 70% xếp ở mức 3.

Bộ Y tế cho biết hướng dẫn này thực hiện theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, các địa phương có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp tình hình thực tế.

Theo bà Nguyễn Liên Hương, cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - cơ quan xây dựng hướng dẫn này, thì hướng dẫn cũng cho phép các tỉnh thành căn cứ tình hình thực tiễn, diễn biến dịch, độ bao phủ vắc xin, điều kiện thực tế về mật độ dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng ứng phó với dịch để điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp, nhưng phải phù hợp quy định trong nghị quyết 128 của Chính phủ.

Với hướng dẫn như thế này, các địa phương có thể phân loại cấp độ dịch đến quy mô xã phường hoặc nhỏ hơn tại địa phương mình. Các tỉnh thành đạt tỉ lệ tiêm vắc xin cao sẽ cơ bản đạt vùng xanh và vàng, như Hà Nội đã nhiều ngày không hoặc ít ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, tỉ lệ tiêm vắc xin đạt gần 100% mũi 1 sẽ đạt toàn thành phố là vùng xanh.

Phân loại cấp độ dịch để mở cửa - Ảnh 2.

Đồ hoạ: TUẤN ANH

Xe khách liên tỉnh: mới có 15 tỉnh thành đồng ý khôi phục

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đến cuối ngày 13-10 đã có 29 sở GTVT báo cáo về việc khai thác trở lại xe khách liên tỉnh. Trong đó có 14 sở đang chờ UBND tỉnh thành đồng ý với kế hoạch khôi phục các tuyến xe khách liên tỉnh. 15 sở đã được UBND tỉnh thành đồng ý khôi phục hoạt động xe khách liên tỉnh gồm: Điện Biên, TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình, Kon Tum, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh.

Theo Tổng cục Đường bộ, hiện nay nhiều tỉnh đang vướng mắc trong việc rà soát lái xe được tiêm đủ liều vắc xin, cho nên dẫn đến có một số tuyến mặc dù đã được khôi phục nhưng chưa chạy.

Ghi nhận tại TP.HCM cho thấy sau thời gian dài tạm dừng hoạt động xe khách liên tỉnh từ TP.HCM về các tỉnh, sáng 13-10 bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) đã mở cửa trở lại, tuy nhiên khung cảnh khá đìu hiu từ cổng bến cũng như sảnh chờ, trong bến chỉ lác đác vài hành khách và nhân viên bến xe. 

Nhiều hãng xe đã đăng ký chạy lại nhưng chưa nhận được thông tin phản hồi ở các tỉnh nên hãng cũng chưa thể chạy vào ngày 13-10. Do đó một số người dân ra bến vẫn chưa thể mua vé về quê. Cô Thanh Hiếu (ngụ quận Tân Phú) cho biết cô ra bến xe lúc 7h sáng để chờ mua vé cho con gái về Nha Trang đi học trở lại, tuy nhiên vẫn chưa có nhà xe nào nhận chở hành khách về đó nên cô đành đợi thêm vài hôm nữa.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Tạ Chương Chín - phó giám đốc bến xe Miền Đông - cho biết vận tải hành khách chuyến cố định được thử nghiệm trong 7 ngày (từ ngày 13 đến 20-10-2021) với công suất từ 5 đến 30% số chuyến, tối đa là 30% số chuyến. Các tỉnh cũng đang có kế hoạch phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM để thống nhất chủ trương.

Đến nay bến xe cũng đã được 3 tỉnh có Sở GTVT chấp nhận người dân về là Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và tính đến 17h ngày 13-10, có 18 chuyến xe đi về 3 tỉnh này đăng ký khởi hành vào hôm nay 14-10.

Phân loại cấp độ dịch để mở cửa - Ảnh 3.

Hành khách đi chuyến bay thương mại tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không xét nghiệm với việc đi lại của dân

Về xét nghiệm, hướng dẫn của Bộ Y tế yêu cầu không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân, chỉ xét nghiệm theo địa bàn nguy cơ, nhóm nguy cơ (người có triệu chứng ho, sốt, mất vị giác, khứu giác; xét nghiệm ngẫu nhiên tại cơ sở sản xuất kinh doanh, với người di chuyển nhiều như shipper, xe ôm).

Không yêu cầu xét nghiệm khi di chuyển giữa các vùng, ngoại trừ vùng có dịch cấp độ 4, vùng cách ly y tế, phong tỏa. Người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ hoặc nghi ngờ. Việc xét nghiệm xử lý ổ dịch thì tùy mức độ và tình hình dịch, khi xét nghiệm thực hiện hình thức mẫu gộp.

Tăng cấp độ nếu không làm tốt việc phòng dịch

Theo Bộ Y tế, 2 tiêu chí số ca mắc và tỉ lệ tiêm chủng sử dụng để xếp loại mức độ dịch, nhưng nếu không đạt tiêu chí 3 về khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân, số giường cấp cứu (ICU) thì không được giảm cấp độ dịch.

Đồng thời, phải tăng 1 cấp độ dịch nếu không đạt yêu cầu trong tháng 10-2021 đủ tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, từ tháng 11-2021 chỉ số này áp dụng với nhóm tuổi từ 50 tuổi trở lên, ngoại trừ trường hợp địa phương không có ca mắc hoặc dịch đang ở cấp độ 4.

Khách đi tàu hỏa còn rất ít

gasaigon

Người dân mua vé tàu về quê tại ga Sài Gòn vào sáng 13-10 - Ảnh: NHẬT THỊNH

Ngày 13-10, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM đã hoạt động trở lại với 2 đoàn tàu khách số hiệu SE5, SE8 dừng đón, trả khách tại 23 ga dọc đường. Tàu SE8 đã xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 6h sáng 13-10 với 308 hành khách lên tàu từ ga Sài Gòn đi các tỉnh phía Bắc. Tổng số vé bán ra của tàu SE8 đến 16h ngày 13-10 là 487 vé (gồm khách lên, xuống tại các ga dọc đường).

Tại ga Hà Nội, tàu SE5 lăn bánh đi TP.HCM lúc 15h20 với 103 khách mua vé đi tàu từ ga Hà Nội, trong đó có 34 khách đi suốt tuyến đến ga Sài Gòn. Tổng số vé bán ra của tàu SE5 đến 16h ngày 13-10 là 387 vé. Với các đoàn tàu xuất phát từ Hà Nội và ga Sài Gòn vào hôm nay, đến 16h ngày 13-10 đã bán 445 vé tàu SE8 và 367 vé tàu SE5.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có 55 hành khách và chiều Hải Phòng - Hà Nội có 48 hành khách. "Lý do hành khách đi tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng ít vì Hải Phòng chỉ chấp nhận hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính theo phương pháp RT-PCR, không chấp thuận kết quả test nhanh. Trong khi đó, Bộ Y tế, Bộ GTVT công nhận kết quả của cả 2 phương pháp xét nghiệm", một lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết.

Để thuận tiện cho hành khách đi tàu, Cục Y tế dự phòng đường sắt phối hợp CDC Hà Nội tổ chức test nhanh cho hành khách đi tàu tại ga Hà Nội, ga Long Biên và ga Gia Lâm với mức giá 160.000 đồng/người, 85.000 đồng/mẫu gộp 2 người và 65.000 đồng/mẫu gộp 3 người.

Ngày 15-10, ngành đường sắt sẽ chạy thêm 2 đoàn tàu khách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Tàu SE7 sẽ xuất phát tại ga Hà Nội lúc 6h sáng và tàu SE6 khởi hành tại ga Sài Gòn lúc 15h20.

TUẤN PHÙNG

Bạn đang ở vùng xanh, vàng, cam hay đỏ theo phân loại mới của Bộ Y tế Bạn đang ở vùng xanh, vàng, cam hay đỏ theo phân loại mới của Bộ Y tế

TTO - Một ngày sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết 128 thay thế các chỉ thị 15, 16, 19 áp dụng lâu nay, Bộ Y tế có hướng dẫn tạm thời đang rất được trông đợi về kỹ thuật để phân loại cấp độ dịch, từ đó thực hiện nghị quyết này.

L.ANH - T.PHÙNG - C.TUẤN - T.DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên