Bộ trưởng Đinh La Thăng làm việc với TP Đà Nẵng - Ảnh: V.Hùng |
Đó là dự án đầu tư xây dựng nhà ga quốc tế Đà Nẵng để nâng cao năng lực đón khách lên gấp đôi và phục vụ hội nghị thượng đỉnh APEC 2017.
Còn dự án di dời ga Đà Nẵng ra ngoại ô là dự án “treo” hàng chục năm qua và đã kìm hãm phát triển đô thị, gây bức xúc cho người dân.
Xây nhà ga mới do quá tải
Theo ông Lê Mạnh Hùng, tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không VN, lượng khách qua sân bay Đà Nẵng 6 tháng đầu năm đạt hơn 3,14 triệu lượng khách, tăng 35% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế tăng đến 87%.
Trong khi đó, sân bay Đà Nẵng được thiết kế để đón 4 triệu khách, vì thế việc đầu tư nhà ga mới là hoàn toàn cấp thiết.
Công ty CP đầu tư khai thác nhà ga Đà Nẵng, chủ đầu tư cho biết nhà ga mới có tổng diện tích 44.000m2 sàn gồm hai cao trình đi và đến tách biệt với 4 tầng lầu, có công suất 4 triệu khách/năm với 40 quầy làm thủ tục, 10 cửa ra tàu bay, 4 cầu ống lồng đôi.
Tổng mức đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng. Dự án khởi công xây dựng tháng 12-2015 và hoàn thành xây dựng tháng 6-2017, đưa vào khai thác tháng 8-2017.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đây là dự án Chính phủ xác định rất quan trọng, các thủ tục phê duyệt quy hoạch dự án, thiết kế, đầu tư… thuộc trách nhiệm của bộ sẽ xong trong nay mai. UBND TP Đà Nẵng cam kết hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư.
Cục trưởng Cục hàng không VN Lại Xuân Thanh cho rằng theo quy hoạch đến năm 2020 nhà ga sân bay Đà Nẵng phải đáp ứng 9-10 triệu lượt khách, giờ xây mới thêm nhà ga cũng khoảng 8 triệu hành khách, nên phải tính nâng công suất nhà ga mới lên hoặc mở rộng nhà ga cũ và dành quỹ đất cho việc xây nhà ga mới để đến 2030 đáp ứng được 20 triệu lượt khách.
Bộ GT-VT yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các công việc để khởi công đầu quý 4-2015 và hoàn thành sớm trong quý 1-2017.
“Có thiết kế rồi, có mặt bằng rồi, chọn nhà thầu cho có chất lượng thì thi công nhanh thôi, các dự án giao thông bây giờ không được chậm tiến độ nữa”, ông Thăng nói.
Ông Thăng yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương ký các hợp đồng với các tổ chức tín dụng để triển khai thi công.
“Nếu không xong thì thuê tôi, tôi vào chỉ huy công trình và đảm bảo tháng 1-2017 sẽ xong dự án. Dự án này phải làm mẫu mực, đẹp về kiến trúc, tốt về chất lượng, phục vụ tốt việc đưa đón du khách trong người nước”, ông Thăng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm Nhà máy sản xuất ôtô Trường Hải - Ảnh: V.Hùng |
Di dời ga trước, xây hầm sau
Theo Ban quản lý dự án đường sắt, tổng mức đầu tư di dời ga Đà Nẵng có chiều dài tuyến 16km là gần 7.000 tỷ đồng và chi phí xây dựng hầm đường sắt qua núi Hải Vân dài hơn 22km khoảng 9.500 tỷ đồng. Nhưng nếu có nguồn lực đầu tư cùng lúc hai dự án trên sẽ chỉ tốn 16.477 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết TP đã dành 33ha đất cho ga mới từ nhiều năm qua. Việc di dời ga là rất cần thiết, có điều kiện phát triển kinh tế, dân sinh dọc tuyến này.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, dự án di dời ga Đà Nẵng chậm nhiều năm qua do nguồn lực còn hạn chế, vốn đầu tư cho ngành đường sắt khó khăn.
“Tôi đồng ý thực hiện di dời ga Đà Nẵng nên kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa, phải có sự hấp dẫn về lợi ích cho nhà đầu tư, để di dời ga tốn ít ngân sách nhất”, ông Thăng nói.
Ông tiết lộ hiện đã có 4 doanh nghiệp quan tâm đầu tư xã hội hóa các ga ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Bộ GT-VT đồng ý ưu tiên thực hiện dự án di dời ga Đà Nẵng với vốn đầu tư trên 6.900 tỷ đồng làm trước, trong tháng 9 phải có dự án sơ bộ và trong quý 4-2015 sẽ bắt đầu triển khai dự án.
“Bàn với nhà đầu tư làm cách nào nhanh nhất nhưng phải đúng quy định. Rồi phối hợp các nguồn lực của bộ, thành phố và nhà đầu tư để triển khai nhanh dự án, chứ không thì dự án này mãi nằm trên giấy”, ông Thăng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm Nhà máy sản xuất ôtô Trường Hải - Ảnh: V.Hùng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận