Bảng thành tích của Ánh Viên ở hai nội dung sở trường từ năm 2015 đến nay - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH - Đồ họa: V.CƯỜNG
Trước khi Asiad 2018 diễn ra, HLV Đặng Anh Tuấn báo cáo công tác chuẩn bị cho Ánh Viên rất tốt và phấn đấu có huy chương vàng. Nhưng rốt cuộc Ánh Viên đã ra về tay trắng, đáng nói là thành tích của cô có dấu hiệu đi xuống trong 2 năm qua.
Đà sa sút từ năm 2017
Dấu hiệu sa sút của Ánh Viên là cả một chuỗi tụt dốc dần đều từ giữa năm 2017, khi thành tích của cô liên tục giảm dần so với chính mình trong giai đoạn đỉnh cao 2015-2016.
Ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp, tại Asiad 2014, Ánh Viên đoạt huy chương đồng với thành tích 4 phút 39,65 giây. Đến Giải vô địch thế giới 2015, con số này được cải thiện thành 4 phút 38,78 giây và tại Olympic 2016 là 4 phút 36,85 giây - đỉnh cao trong sự nghiệp của Ánh Viên.
Nhưng chỉ một năm sau Olympic 2016, Ánh Viên bơi 400m hỗn hợp cá nhân tại Giải vô địch thế giới 2017 mất 4 phút 40,39 giây, kém hơn cả khi cô thi đấu Asiad 2014.
Và tại SEA Games 2017 sau đó một tháng, thành tích của cô tụt còn 4 phút 45,82 giây. Ở Asiad 2018, Ánh Viên làm tốt hơn SEA Games 2017 một chút với thành tích 4 phút 42,81 giây trong đợt bơi chung kết. Nhưng tính từ các giải đấu cấp độ châu lục, đây là thành tích tệ nhất của Ánh Viên trong 5 năm trở lại đây.
So với 400m hỗn hợp, nội dung 200m hỗn hợp cá nhân được Ánh Viên cải thiện trong vài năm gần đây nhưng vẫn nằm trong đà sa sút. Từ Asiad 2014 đến Olympic 2016 rồi Giải vô địch châu Á sau đó vài tháng, thành tích ở nội dung này của cô lần lượt là 2 phút 20,99 giây - 2 phút 16,20 giây - 2 phút 12,95 giây...
Tại Asiad 2018, Ánh Viên mất 2 phút 19,79 giây ở đợt vòng loại và không thể giành vé vào chung kết. Thành tích này thậm chí kém hơn cả... SEA Games 2013 lúc Ánh Viên 17 tuổi.
Đà sa sút này của Ánh Viên đã được cảnh báo từ SEA Games 2017. Trong khi đó, những đối thủ của cô đều có sự thăng tiến đáng kể trong độ tuổi 20-23, giai đoạn được xem là bùng nổ nhất của VĐV bơi lội.
Yui Ohashi - kình ngư 22 tuổi Nhật Bản - giành huy chương vàng 400m hỗn hợp cá nhân ở Asiad 2018 với 4 phút 34,58 giây. Tại Giải vô địch châu Á 2016, Ohashi còn là bại tướng của Ánh Viên ở nội dung này với 4 phút 44,75 giây.
Chưa từng báo cáo về việc Ánh Viên bị trầm cảm
Ánh Viên bị trầm cảm 3 tháng và phải điều trị với bác sĩ tâm lý sau khi không đạt thành tích tốt từ SEA Games 29 năm 2017. Đó là thông tin HLV Đặng Anh Tuấn nói với truyền thông khi đoàn thể thao Việt Nam xuất quân tham dự Asiad 18.
Thông tin này gây choáng váng với giới lãnh đạo thể thao Việt Nam. Thật kinh ngạc khi không một ai ở Tổng cục Thể dục thể thao hay ngành thể thao Quân đội biết điều này.
Trong tất cả báo cáo của ông Tuấn gửi về từ Mỹ cho ngành thể thao đều chưa một lần nói về việc này. Ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Nguyễn Trọng Toàn - trưởng bộ môn bơi - lặn đều cho biết không hề được báo cáo về việc này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Văn Thăng, phụ trách Phòng TDTT quân đội (Bộ Quốc phòng), cho biết khi Ánh Viên dự Asiad 2018 tại Indonesia, ông có gặp trực tiếp và thấy biểu hiện của Ánh Viên hoàn toàn bình thường.
"Chúng tôi không thấy HLV hay Tổng cục TDTT thông báo gì về việc Ánh Viên bị trầm cảm. Chúng tôi rất lo trước việc thành tích của Ánh Viên có dấu hiệu chững lại và chắc chắn cần phân tích, tìm ra nguyên nhân tình trạng này" - ông Thăng nói.
Phải thay huấn luyện viên
Ánh Viên được đưa đi tập huấn tại Mỹ từ năm 2012. Từ năm 2014, Tổng cục TDTT phối hợp với thể thao Quân đội cùng chia đôi kinh phí mỗi năm cấp cho Ánh Viên 4-5 tỉ đồng để tập huấn dài hạn tại Mỹ cùng HLV Đặng Anh Tuấn.
Tham vọng của ngành thể thao Việt Nam là phải đưa Ánh Viên đạt trình độ châu lục, lọt vào vòng chung kết các giải bơi thế giới chứ không chỉ ở Đông Nam Á.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia bơi lội cho biết: "Một HLV huấn luyện đến 7-8 năm cho một VĐV sẽ mang đến cảm giác "chai lì" từ phương pháp huấn luyện đến cảm xúc. Khi đưa Viên sang Mỹ dài hạn, thể thao VN lại không thuê được HLV Mỹ để cho Ánh Viên tập luyện là điều thiệt thòi, bởi nếu sang Mỹ mà vẫn huấn luyện viên Việt Nam huấn luyện thì rất lãng phí".
Suốt 5 năm ở Mỹ liên tục, theo thông tin từ Tổng cục TDTT, ông Đặng Anh Tuấn là HLV chuyên môn duy nhất của Ánh Viên. Ngoài ra, tùy thời điểm Ánh Viên có thêm một HLV thể lực.
Ngày 8-9, ông Trần Đức Phấn cho biết việc huấn luyện cho Ánh Viên trong năm 2018 tạm thời vẫn diễn ra như kế hoạch, và ngày 1-9 Ánh Viên đã trở lại Mỹ tập huấn.
Trước đó, trong cuộc họp báo kết thúc Asiad 2018, khi được hỏi về chuyện có nhiều ý kiến cho rằng không nên mãi duy trì một huấn luyện viên cho Ánh Viên, ông Phấn đáp: "Điều đó đúng, chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh chuyện này, không thể để Ánh Viên quanh quẩn ở SEA Games".
Đề nghị thay HLV cho Ánh Viên từ năm 2016
Ngày 8-9, một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết: "Sau Olympic 2016, chúng tôi đã nhìn thấy rằng phải có thay đổi ở vị trí HLV của Ánh Viên và điều chỉnh việc tập huấn nếu muốn phát triển thành tích. Trong một cuộc họp, HLV Đặng Anh Tuấn cũng nói xin không huấn luyện Ánh Viên để giao cho người khác sẽ phù hợp hơn.
Lúc đó, Tổng cục TDTT đề nghị anh Tuấn sau cuộc họp làm đơn xin rút để tổng cục có kế hoạch cho Ánh Viên, nhưng từ đó đến nay anh Tuấn không viết đơn. Vì ngay ở Tổng cục TDTT còn có nhiều luồng ý kiến nên việc này chưa thể điều chỉnh".
Lý giải của HLV Đặng Anh Tuấn không thuyết phục
Đó là nhận định của giới chuyên môn sau thất bại của Ánh Viên tại Asiad 2018.
Một chuyên gia bơi lội cho biết: "Sau thất bại, HLV Anh Tuấn giải thích do Ánh Viên bị trầm cảm trước giải, rồi căng tâm lý, xuất phát lỗi... lúc thi đấu là không thuyết phục.
Đối với 400m hỗn hợp cá nhân - cự ly trung bình của bơi lội, chậm một chút trong phản xạ xuất phát chẳng có gì ghê gớm đến mức phải bung sức đến hụt hơi như thế.
HLV Anh Tuấn phát biểu Ánh Viên bơi tập tốt, làm nóng cũng tốt... chỉ có vào bơi là mắc lỗi, vô hình trung HLV Anh Tuấn đang đẩy lỗi về phía Ánh Viên nhiều hơn.
Theo giới chuyên môn chúng tôi, do quá trình tập luyện của Ánh Viên không suôn sẻ nên cô mất tự tin. Có thể HLV Anh Tuấn đã "đụng trần", đẳng cấp Ánh Viên hiện nay phải là người khác có chuyên môn phù hợp hơn".
TẤN PHÚC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận