Thị trường Trung Quốc gặp khó, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đang phải chuyển sang tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới - Ảnh: C.QUỐC
Ông Võ Hùng Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN - đã khuyến cáo như vậy khi trao đổi về các giải pháp giúp cho ngành cá tra giảm bớt thiệt hại khi gặp khó với thị trường Trung Quốc, nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của VN.
Ông Dũng nói: Dữ liệu lịch sử cho thấy những lần điều chỉnh tỉ giá của các nước nhập khẩu lớn của VN đều ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của VN nói chung, đặc biệt là con cá tra.
* Vậy ngành cá tra cần làm gì để giảm thiểu rủi ro, thưa ông?
- Trước hết cần phải giảm sản lượng xuất khẩu. Nguồn cung cá tra trong nước quá nhiều. Khi nguồn cung giảm, giá cả cải thiện. Dù giá cá hiện đang phục hồi nhưng người nuôi vẫn còn lỗ. Do đó, nông dân, doanh nghiệp (DN) nuôi cá nên thận trọng khi gia tăng sản lượng vì thị trường Trung Quốc dẫn đầu đang gặp khó khăn, nhất là sau khi NDT giảm giá mạnh.
Trong khi đó, các thị trường lớn khác như châu Âu, Mỹ tăng trưởng không ổn định. Các thị trường Đông Nam Á tăng trưởng khá hơn nhưng rất khó thay thế được thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, DN đã quen bài toán thị trường rồi. Khi thị trường Mỹ suy yếu, DN tìm cách đưa sản phẩm sang Trung Quốc. Tương tự, khi thị trường châu Âu suy yếu, DN sẽ bán sang Mỹ. Trong thời điểm hiện nay, nhiều DN bắt đầu quan tâm tìm kiếm khách hàng tại thị trường Nhật Bản vốn khó tính.
Nếu sản lượng xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc, chắc chắn sẽ có đột phá vào thị trường Đông Nam Á, Nhật Bản. Việc tìm kiếm thị trường mới là điều bắt buộc phải làm nhưng phải trên cơ sở giảm sản lượng lại.
Nuôi cá Tra ở vùng ĐBSCL - Ảnh: TTO
* Dường như các DN chế biến cá tra vẫn đang bỏ ngỏ thị trường nội địa nhiều tiềm năng với 100 triệu dân?
- Đúng là có nghịch lý 100 triệu dân không đi bán, trong khi mình đi bán những thị trường vài chục triệu dân. Tuy nhiên, có nguyên nhân là hệ thống chế biến, logistics của các DN sản xuất chế biến cá tra lâu nay được đầu tư chuyên phục vụ chế biến xuất khẩu rồi, nếu tách ra một nhánh làm thị trường trong nước phải tính lại bài toán hiệu quả chi phí.
Cho đến nay, sản lượng tiêu thụ nội địa chưa nhiều, rủi ro lớn mà phải tổ chức riêng một bộ máy chắc chắn chi phí bị đẩy lên rất cao, các DN không dám mạo hiểm. Trong khi đó, các ao nuôi cá tra đều với số lượng cực lớn, trị giá vài chục tỉ đồng, nếu thu hoạch vài tấn để phục vụ trong nước là bài toán không hiệu quả.
* Ngành cá tra VN phải làm gì để không còn cảnh đổ xô nuôi khi giá cá lên, hậu quả là nguồn cung tăng mạnh, giá giảm theo?
- Về giải pháp, tôi cho rằng các DN thủy sản phải liên kết với nhau, cơ quan quản lý nhà nước cũng nên xây dựng đơn vị chuyên về thị trường nội địa xem gỡ khó khăn từ đâu, tiếp xúc những kênh bán trong nước như những nhà cung cấp cho chợ Bình Điền, những nhà cung cấp cho suất ăn khu công nghiệp ra sao...
Nếu tập trung đầu tư khai thác thị trường nội địa, quan tâm xây dựng thương hiệu và kiên nhẫn sẽ thành công. Chẳng hạn tại Đồng Tháp, khi xuất khẩu gặp khó, nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu ở Sa Đéc vắng hoe, trong khi DN chuyên bán ở thị trường nội địa vẫn tấp nập.
Như ngành gạo trước chỉ lo xuất khẩu, không quan tâm xây dựng thương hiệu gạo nội địa. Đến khi xuất khẩu gặp khó khăn, DN gạo mới chuyển sang làm nội địa, làm thương hiệu và đã thành công. Nhưng muốn khai thác thị trường nội địa phải bỏ chi phí ban đầu để xây dựng kênh tiêu thụ và kiên nhẫn, chứ không thể thành công trong ngày một ngày hai.
Chế biến cá Tra để xuất khẩu - Ảnh: TTO
* Hiệp hội Cá tra VN có chương trình gì để hỗ trợ DN tiếp cận thị trường nội địa, thưa ông?
- Trong tháng 10-2019 tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ hội cá tra ở huyện Hồng Ngự. Một là giới thiệu với thị trường trong nước, khác hẳn với hội chợ, hội chợ quốc tế để phục vụ cho xuất khẩu. Hai là khách tham quan sẽ đi đến vùng nuôi, truyền tải hình ảnh khu vực nuôi cho trong nước và thế giới hiểu về hình ảnh cá tra VN.
Việc tham quan vùng nuôi cũng gây "sức ép" cho người nuôi phải cải thiện chất lượng, tạo hình ảnh tốt. Lâu nay chúng ta chú ý hội chợ phục vụ cho xuất khẩu, còn xúc tiến cho thị trường trong nước chưa có.
Có thể tổ chức những lễ hội như vậy hằng năm, hoặc hai năm một lần để khách hàng, bà con trong nước đến, rồi thông qua truyền thông để giới thiệu. Nếu DN vướng chính sách gì sẽ kiến nghị Chính phủ tháo gỡ.
* Các cơ quan quản lý vẫn nói nhiều về việc quy hoạch vùng nuôi để kiểm soát sản lượng, nhưng vì sao mãi không làm được?
- Dù có quy hoạch nhưng dân không thực hiện cũng sẽ rất khó. Bởi nếu giá cá lên cao, dù có cấm, người dân vẫn đào ao nuôi cá, cơ quan quản lý cũng "bó tay". Tuy nhiên, qua nhiều lần thị trường bất ổn thế này, người nuôi sẽ có những bài học cho mình và tự điều chỉnh.
Chẳng hạn, nhiều năm trước đây khi giá cá tăng, người dân đổ xô nuôi. Còn trong những đợt giá cá tra tăng mạnh gần đây, dân nuôi không nhiều, chỉ tới khi giá cá tăng vượt mức kỷ lục sản lượng cá nuôi mới tăng mạnh.
Như vậy, chính quyền không phải can thiệp mà tự DN và người dân điều chỉnh cho phù hợp. Với tình hình khó khăn lần nay, người nuôi cá có thêm một bài học nữa để tự kiểm soát hoạt động nuôi cá nhằm tránh rủi ro, Nhà nước không thể sử dụng các mệnh lệnh hành chính.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý phải kiểm soát môi trường, đảm bảo việc xử lý nước, chất thải... nhằm bảo vệ vùng nuôi vì hầu hết các nước nhập khẩu, cả Trung Quốc nay cũng đòi hỏi gắt về kiểm soát môi trường đối với cá nuôi.
Giá thành cá tra nguyên liệu giảm
Theo ông Võ Hùng Dũng, với giá cá giống đang ở mức thấp, giá thành sản xuất của cá tra thời gian tới sẽ giảm rất nhiều. Trước đây, cá giống có lúc tới 60.000 - 70.000 đồng/kg đẩy giá thành sản xuất lên 25.000 - 26.000 đồng/kg.
Giá thành nuôi cá giảm, nếu sản lượng nuôi cũng nằm trong tầm kiểm soát, người nuôi cá chỉ cần một mức lợi nhuận vừa phải trong bối cảnh thị trường suy yếu là có thể chấp nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận