Phóng to |
Ông NGUYỄN ĐÌNH XUÂN (nguyên đại biểu Quốc hội) |
Không có phép mầu nào có thể cứu được tất cả cùng lúc. Vậy ai sẽ được cứu, ai phải tự bơi hay sẽ chết chìm? Ai sẽ là người đưa ra quyết định và dựa vào tiêu chí nào? Người thì bảo cần ưu tiên bất động sản vì nó liên quan đến các ngân hàng không thể để phá sản. Người lại nói cứ cho chúng “chết”, sai thì phải tự chịu trách nhiệm. Có người cho rằng cần cứu các doanh nghiệp nắm vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp đang tạo ra nhiều việc làm hay cứu số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khi đã xác định được tiêu chí rồi, dù chi ít hay nhiều cho việc giải cứu thì cũng là tiền ngân sách, của dân, do dân mà có, phải công khai minh bạch, phải đảm bảo đem lại lợi ích cho đa số người dân chứ không phải một nhóm nào cả.
Dùng ngân sách để giải cứu tất sẽ làm tăng bội chi, tăng thêm cái món nợ công đang đến hồi báo động. Dù báo cáo của Chính phủ cho rằng nợ công vẫn dưới mức an toàn cho phép là 60% nhưng đấy là chưa tính đến các khoản nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước. Liệu ai vay nấy trả hay sẽ là “con dại cái mang”? Các tổ chức cho vay sẽ dễ dàng chịu mất tiền hay sẽ kiện cáo, tìm cách phong tỏa kinh tế để Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, phải trả nợ thay? Các dự án đầu tư của ta dù phần lớn được vay ưu đãi, trả chậm nhưng với các kiểu đầu tư đường cao tốc đắt nhất thế giới, vừa xây xong đã phải sửa hay các cảng biển nuốt nghìn tỉ rồi bỏ hoang liệu mai này có đủ tiền trả nợ gốc? Khi ấy ai sẽ phải đứng ra cứu cái món nợ công to lớn này?
Hàng trăm câu hỏi mà các vị đại biểu Quốc hội sẽ phải cân nhắc, đắn đo trước khi quyết định. Dù không phải ai cũng là chuyên gia kinh tế nhưng đã mang trên vai trọng trách là người đại diện cho hàng triệu cử tri, các đại biểu chắc cũng không thể vui với các phiên họp được nghỉ sớm vì không có người phát biểu.
Để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn này cần phải làm sao thu hút, chọn lọc được các ý kiến tốt nhất, chọn ra phương án khả thi nhất để cùng nhau thực hiện. Tất cả phải hành động như các thủy thủ trên một con thuyền trong cơn dông tố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận