23/05/2021 08:02 GMT+7

Phải giám sát người mình chọn

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Hôm nay, cử tri cả nước sẽ bỏ phiếu bầu để chọn ra gần 27 vạn đại biểu đại diện cho mình tại Quốc hội và HĐND các cấp. Cử tri bỏ phiếu bầu cho ai hãy nhớ phải giám sát những người mình đã chọn.

"Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" - Hiến pháp nêu rõ. 

Các đại biểu là những người đại diện cho cử tri và nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, thay mặt cử tri quyết định những vấn đề quốc gia đại sự, quốc kế dân sinh, đảm bảo cho đất nước phát triển, nhân dân tự do, hạnh phúc. 

Cử tri lựa chọn đại biểu thông qua việc nghiên cứu danh sách người ứng cử, tìm hiểu quá trình công tác, cống hiến của họ và đặc biệt là qua quá trình tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe chương trình hành động, lời hứa của người ứng cử.

Bỏ phiếu xong tức là cử tri đã thực hiện thủ tục ủy quyền, nhưng với người trúng cử mới là khởi đầu quá trình thực hiện chương trình hành động và lời hứa. 

Thực tế nhiệm kỳ vừa qua cho thấy không phải vị ĐBQH, đại biểu HĐND nào cũng làm tròn trách nhiệm trước cử tri. Có những người nói hay, làm dở; khi vận động bầu cử sốt sắng tìm đến với dân nhưng trúng cử rồi, khi dân có việc cần lại tìm không được; hứa rất nhiều, làm chẳng được bao nhiêu; thậm chí có những trường hợp vi phạm pháp luật phải xử lý, cho thôi nhiệm vụ, bị bãi nhiệm… 

Vì vậy, để các vị đại biểu thực hiện lời hứa, làm tròn trách nhiệm theo quy định của pháp luật, cử tri phải thường xuyên giám sát, hối thúc những người mình đã chọn.

Cử tri giám sát đại biểu bằng cách nào? Trước hết, hãy ghi lại chương trình hành động, lời hứa của người ứng cử tại đơn vị mình bầu cử để khi cần thì nhắc nhở họ. Cử tri có quyền yêu cầu đại biểu phải giữ mối liên hệ mật thiết, trao đổi những vấn đề quan tâm thông qua các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu và cử tri theo quy định của pháp luật. 

Để cử tri thực hiện tốt quyền giám sát đại biểu, Quốc hội và HĐND các cấp cần tiếp tục cải thiện công tác tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp, tránh tình trạng "cử tri chuyên nghiệp", "đại cử tri", mở rộng không gian và đa dạng hình thức tiếp xúc cử tri.

Hiến pháp và luật còn trao cho cử tri có quyền bãi nhiệm ĐBQH, đại biểu HĐND khi họ không còn được cử tri và nhân dân tín nhiệm. Thiết nghĩ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm có hướng dẫn quy trình thực hiện quy định này để cử tri có thể sử dụng trực tiếp quyền của mình.

Đối với các vị đại biểu trúng cử, xin hãy nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 75 năm, trước cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử: "Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc".

23-5: Cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp 23-5: Cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

TTO - Hôm nay 23-5-2021 là ngày bầu cử chính thức, 69.198.594 cử tri sẽ thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên