06/09/2022 15:13 GMT+7

Phải giám sát chặt để ngăn tình trạng tăng vốn ảo của doanh nghiệp niêm yết

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải nghiên cứu, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước các giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn của các công ty đại chúng để hạn chế tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng.

Phải giám sát chặt để ngăn tình trạng tăng vốn ảo của doanh nghiệp niêm yết - Ảnh 1.

Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải chủ trì nghiên cứu và đề xuất để có giải pháp ngăn chặn tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng của doanh nghiệp niêm yết - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước diễn biến bất thường của thị trường chứng khoán những tháng đầu năm nay và sau khi cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố bổ sung để điều tra tội lừa đảo do đã tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS), hôm 5-9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có chỉ thị tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán.

'Soi' việc thay đổi vốn của doanh nghiệp

Giám sát, kiểm tra hoạt động đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn của doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng được Bộ Tài chính tập trung triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể, ông Hồ Đức Phớc giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán giám sát chặt các tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, thành viên giao dịch; thẩm định chặt chẽ các hồ sơ đăng ký niêm yết/đăng ký giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp.

Đặc biệt lưu ý các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng…

Ngoài các công ty niêm yết, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ này xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán. Qua đó, cơ quan quản lý kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tùy theo mức độ vi phạm để xử lý như rút giấy phép hành nghề, đình chỉ kinh doanh…

Chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra đối với các hành vi cố tình vi phạm, góp phần tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp để qua mặt cơ quan quản lý tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong bộ nghiên cứu, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước các giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn của các công ty đại chúng nhằm hạn chế tối đa tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng, tiền thu được từ quá trình thay đổi cơ cấu vốn sử dụng không đúng mục đích đăng ký, giám sát chặt chẽ hiện tượng chủ doanh nghiệp hoặc các cổ đông chi phối lợi dụng vai trò điều hành doanh nghiệp rút lại khoản tiền đi vay khi thực hiện nghĩa vụ góp vốn…

Giám sát chặt các mã chứng khoán có thanh khoản lớn

Bộ Tài chính còn chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán giám sát chặt chẽ các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến, giá trị cổ phiếu không phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ tiêu chí cảnh báo cũng như tăng cường hệ thống công nghệ thông tin để cảnh báo sớm hoạt động bất thường của các tài khoản giao dịch, các nhóm tài khoản có dấu hiệu liên kết, cùng thời điểm mua vào - bán ra tạo thanh khoản ảo, đẩy giá trục lợi.

Chủ động theo dõi chặt chẽ các tài khoản này và khẩn trương báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để xử lý, trong trường hợp cần thiết đề nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giám sát dòng tiền, đặc biệt là việc rút tiền, chuyển tiền số lượng lớn.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ động thanh tra, giám sát việc phát hành tăng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán. Kịp thời cảnh báo nhà đầu tư các hiện tượng bất thường trên thị trường, có cơ chế công bố thông tin, phân tích về hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp có mã chứng khoán đang được giao dịch bất thường, đột biến.

Thủ đoạn lừa đảo nâng khống vốn điều lệ gấp... 3.000 lần của Trịnh Văn Quyết Thủ đoạn lừa đảo nâng khống vốn điều lệ gấp... 3.000 lần của Trịnh Văn Quyết

TTO - Với chiêu nâng khống vốn điều lệ FLC Faros tăng gấp 3.000 lần giá trị thực, rồi bán toàn bộ số cổ phiếu mình đang nắm giữ, ông Trịnh Văn Quyết đã thu về hơn 6.400 tỉ đồng.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên