Phóng to |
Xét xử vụ Công ty TNHH Thành Phát lập hồ sơ giả chiếm đoạt 3.000 lượng vàng và 18 tỉ đồng của ngân hàng. Trong vụ này có sai phạm của lãnh đạo và nhân viên tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Chợ Lớn - Ảnh: Chi Mai |
Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, từ năm 2010 đến nay, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ngày một gia tăng, cả về số lượng lẫn tính chất nghiêm trọng. Hầu hết vụ việc xảy ra đều liên quan trực tiếp hoặc có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng. Theo thống kê năm 2010 và 10 tháng của năm 2011, cơ quan điều tra đã khởi tố 40 vụ, khởi tố 70 cán bộ ngân hàng và kiến nghị xử lý hành chính 85 cán bộ khác.
Coi nhẹ phẩm chất đạo đức
Kết quả khảo sát của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đối với 30 vụ án trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy chủ thể phạm tội thường có hai nhóm: thứ nhất là chính cán bộ của ngân hàng và nhóm thứ hai là các đối tượng ngoài ngân hàng. Có cán bộ ngân hàng phạm tội do bị lôi kéo, mua chuộc nhưng cũng có nhiều cán bộ chủ động lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để tham nhũng.
"Không chỉ cán bộ sai phạm bị xử lý mà người lãnh đạo ngân hàng cũng phải chịu, ít nhất là hình thức kỷ luật. Không thể để người lãnh đạo để thất thoát hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước mà không bị xử lý gì" Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Phân tích nguyên nhân của các tội phạm này, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cho rằng lãnh đạo nhiều ngân hàng còn coi nhẹ vấn đề phẩm chất đạo đức cán bộ. Người có tiền án, tiền sự về kinh tế, bất minh về lối sống vẫn được trọng dụng.
Dẫn chứng cụ thể là vụ Huỳnh Thị Huyền Như làm giả con dấu, chữ ký Ngân hàng Công thương lừa đảo 3.600 tỉ đồng. Năm 2008, Như đã nổi tiếng là nhà đầu tư chứng khoán, ăn chơi, đạo đức kém nhưng vẫn được bổ nhiệm là trưởng phòng giao dịch Nhà Bè. Vụ cố ý làm trái gây thiệt hại 500 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN, hai cán bộ ngân hàng vi phạm đều từng có tiền sự nhưng vẫn được giao nhiệm vụ kinh doanh ngoại tệ.
Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, có trường hợp người đứng đầu đơn vị ngân hàng không muốn giảm uy tín trong kinh doanh, sợ liên quan trách nhiệm người đứng đầu, e ngại khi phát hiện sai phạm, sợ công khai vi phạm ở đơn vị mình nên bưng bít vi phạm hoặc xử lý nội bộ, không chuyển đến cơ quan chức năng xem xét.
Đại tá Trần Duy Thanh, cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, nói: “Điều đáng nói hầu hết các vụ án tham nhũng xảy ra việc thu hồi tài sản không đáng kể, có vụ không thu hồi được đồng nào do các bị can đã dùng tiền kinh doanh chứng khoán, cá độ bóng đá, kinh doanh bất động sản thua lỗ hết”. Báo cáo cho thấy trong 8.000 tỉ đồng các ngân hàng bị thiệt hại chỉ có khả năng thu hồi được 2.000 tỉ đồng.
Chú trọng giáo dục cán bộ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói gần đây xảy ra nhiều vụ sai phạm, tham nhũng trong ngành ngân hàng nhưng tỉ lệ vẫn còn ở mức thấp “không có gì phải hốt hoảng”. Tiếp thu các đóng góp của đại diện Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, ông Bình thừa nhận: “Hệ thống thanh tra của ngân hàng hiện nay là yếu kém, nói thẳng ra là đã bị vô hiệu hóa. Tôi xin nhận khuyết điểm về vấn đề này”.
Ông Bình cũng cho biết sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ ký một thông tư liên tịch với cơ quan công an để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp phòng chống tội phạm lĩnh vực ngân hàng. Ông Bình còn nói đã đề xuất Chính phủ cho phép thành lập quỹ phòng chống tội phạm ngành ngân hàng (do các ngân hàng tự nguyện đóng góp), sẽ trích thưởng cho các cá nhân, tổ chức phát hiện, tố giác tội phạm trong lĩnh vực này.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sau hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần chú trọng khâu thanh tra, kiểm soát nội bộ để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện sai phạm.
Phó thủ tướng lưu ý các ngân hàng cần chú trọng vấn đề giáo dục đạo đức cán bộ và nhân viên, quan tâm hơn nữa trong khâu đề bạt cán bộ, kiên quyết loại khỏi ngành những cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức, có sai phạm. Phó thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cơ quan để xảy ra sai phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận