24/08/2011 03:55 GMT+7

"Phải biết làm cho cái bụng nó no"

KIM ANH
KIM ANH

TT - Chàng thủ lĩnh thanh niên của xã Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai không chỉ giỏi vận động mọi người tham gia các hoạt động vui chơi, mà còn luôn tìm cách hướng dẫn cách làm ăn cho mọi người thoát nghèo...

TThDSW5U.jpgPhóng to

Thủ lĩnh Yưm, bí thư Xã đoàn Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, bên vườn cà phê trĩu quả - Ảnh: K.Anh

Đấy chính là Yưm, bí thư Xã đoàn Glar. “Cái bụng tụi nó mà no thì tụi nó mới ra chơi đá bóng, văn nghệ chứ. Nó đói nó chẳng thèm nghe mình đâu” - Yưm cho biết.

Cùng nhau đuổi cái đói

Từ lúc làm bí thư chi đoàn làng Dơk Rơng, Yưm được cán bộ xã hướng dẫn trồng cà phê, làm rẫy theo cách hiện đại. Về nhà, Yưm ứng dụng ngay vào vườn của cha mẹ mình để đám bạn trong chi đoàn nhìn vào mà làm theo. “Ngày trước mọi người trong làng lên rẫy trồng bắp, trồng mì chỉ trông chờ ông trời cho cái trái, cái củ để ăn. Nhưng bây giờ đã biết bón phân, nhổ cỏ để thu được nhiều hơn. Nhà ai có đất nhiều còn trồng cà phê để kiếm thêm tiền nữa đấy” - Yưm cho biết.

Mỗi lần trên xã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, Yưm đi học và làm cho vườn cà phê nhà mình xanh mướt, trĩu quả. Nguồn thu hằng năm từ vườn cà phê được từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Bằng chính hình ảnh của gia đình mình, Yưm bày lại cho đám trai gái của làng về nhà phụ cha mẹ cùng làm rẫy, trồng cà phê để đẩy dần cái nghèo ra khỏi làng mình.

Khi cuộc sống vơi bớt khó khăn, và từ lúc Yưm lên làm bí thư xã đoàn, các phong trào đá bóng, văn nghệ của các làng trong xã rộn ràng hơn. Quanh làng có đến hơn chục sân bóng đá. Đám cầu thủ nhí của xã Glar đã được chọn vào đội tuyển bóng đá nhí của tỉnh đi thi đấu giải bóng đá dành cho trẻ đặc biệt, khó khăn toàn quốc và từng “ẵm” giải nhất. “Tụi nó còn được qua tận Thái Lan để đá bóng giao lưu với thanh thiếu niên nữa đấy” - Yưm khoe.

Dám làm cái mới

Năm nay Huyện đoàn Đắk Đoa triển khai thí điểm một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi, đại diện cho trai làng, Yưm sẵn sàng nhận triển khai mô hình nuôi nhím tại nhà mình. Bỏ tiền xây chuồng, học cách chăm sóc nhím, Yưm nhẩm tính: “Mỗi cặp nhím giống khi trưởng thành trị giá 15 triệu đồng, nếu mình chịu khó sẽ có thêm nguồn thu”. Yưm cũng dự tính hướng dẫn lại cho các bạn trong xã, ai muốn nuôi nhím để tăng nguồn thu sẽ giới thiệu để vay vốn làm ăn.

Với hoạt động phong trào, Yưm cũng tìm cái mới để mọi người không nhàm chán. Hoạt động của các chi đoàn không có quỹ, Yưm chỉ cho cách đi làm thuê gây quỹ... do vậy mà các chi đoàn có tiền rủng rẻng. Các chi đoàn còn hùn tiền mua rạp, giàn âm thanh để giúp các bạn trẻ trong làng mỗi lần tổ chức đám cưới. Ban nhạc của đám trẻ luôn có mặt phục vụ các chương trình lễ kỷ niệm quan trọng hay các ngày hội làng...

Khi vận động mọi người “Học tập và làm theo lời Bác”, Yưm đã làm thật cụ thể: “Mình nói các bạn học theo Bác Hồ là luôn phải làm điều tốt. Không nghe kẻ xấu mà làm điều không hay” - Yưm cho biết.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên