24/04/2018 11:43 GMT+7

Phải biết bảo vệ chính mình

TRẦN KIÊM HẠ
TRẦN KIÊM HẠ

TTO - Hãy từ bỏ suy nghĩ "mua bằng", cảnh giác với những lời cam kết "bao đậu". Phải có quán tính, suy nghĩ học lái xe là bảo vệ chính mình.


Phải biết bảo vệ chính mình - Ảnh 1.

Đang dừng đèn đỏ trước giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM), hai người mất mạng và năm người bị thương bởi cú đạp nhầm chân phanh sang chân ga - theo lời tài xế. Trước đó, có nhiều tai nạn thương tâm chỉ vì "đạp nhầm ga..." - thao tác tuyệt đối không được có của người cầm lái.

Ấy vậy mà, việc học và dạy lái xe diễn ra bát nháo nhưng vẫn cam kết "bao đậu".

Đạp nhầm ga, có thể tài xế do thiếu kỹ năng xử lý nhưng nguồn gốc sâu xa là do sự yếu kém từ đào tạo đến quản lý cấp bằng. Nhưng lỗi lớn nhất vẫn là "đương sự" khi thực tế có nhiều người cần bằng lái xe là nghĩ đến "mua" bằng lái. 

"Mua" ở đây là khai thác sự dễ dãi của những trường vì lợi nhuận đã đơn giản chương trình, thu gọn thời gian đào tạo lái xe; là một số bác sĩ nhắm mắt xác nhận giấy khám sức khỏe cho học viên, trong khi cơ quan chức năng thiếu giám sát chương trình đào tạo lái xe.

Không ít người cho rằng họ cần tấm bằng để lái xe kiếm sống, để vi vu, là để ra đường đối phó với lực lượng giám sát giao thông, là lái dần sẽ quen mà quên rằng bằng lái trước hết là bảo vệ mạng sống của chủ tấm bằng lái. Học để đối phó, hiểu như thế là sai nghiêm trọng. 

Bởi thực tế đã chứng minh chỉ vì kỹ năng non yếu, thiếu rèn luyện mà nhiều tài xế vĩnh viễn không trở về với gia đình, có người mang thương tật suốt đời, hoặc sống trong nhà giam với nỗi day dứt giá mà...! 

Nhưng nguy hiểm hơn, họ trở thành "nguồn nguy hiểm" cho cộng đồng. Vì họ mà không ít người đã bị vạ lây, đảo lộn cuộc sống, kể cả ra đi vĩnh viễn...

Một người ngồi sau tay lái ôtô, điều trước tiên là phải tĩnh tâm, không vướng bận điều gì. Rồi họ phải có kỹ năng điều khiển thuần thục xe, mọi xử lý tình huống thuộc về phản xạ, không được lừng khừng. 

Thứ hai, người lái xe phải thông hiểu Luật giao thông đường bộ, nhìn thoáng qua biển báo là hiểu phải làm gì, không phải mất thời gian suy nghĩ. Chính sự lừng khừng khiến tài xế thao tác không chính xác, luống cuống như đạp nhầm phanh, bẻ nhầm lái, phạm luật... Tai nạn phát sinh từ đó.

Hãy sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Hãy tỉnh ngộ, làm những điều hữu ích để bảo vệ mình và kéo giảm tai nạn giao thông. Các bạn muốn có tấm bằng lái, dù là nghiệp dư cũng cần phải học và thực hành thấu đáo cả kỹ năng và luật lệ giao thông. 

Và dẫu có học tốt cũng phải thao dượt, làm quen tay lái ở mọi tốc độ, mọi tình huống đường sá với người hướng dẫn ngồi bên, sau đó mới cầm lái một mình. Nếu đã lỡ học đối phó thì nên học lại cho kỹ càng. Có như vậy mới đủ tự tin khi cầm lái một mình.

Hãy từ bỏ suy nghĩ "mua bằng", cảnh giác với những lời cam kết "bao đậu". Phải có quán tính, suy nghĩ học lái xe là bảo vệ chính mình. Bởi trong tai nạn giao thông, chữ "giá mà" gần như không còn ý nghĩa.

Bát nháo dạy lái ôtô Bát nháo dạy lái ôtô 'bao đậu' nhưng ra đường... không biết gì

TTO - Hiện nay, có tình trạng nhiều trung tâm đào tạo lái ôtô tại TP.HCM gợi ý học viên đóng tiền để bao đậu 100%, gồm bao khám sức khỏe, bao đậu lý thuyết và có cách nói "ý tứ" về chuyện đậu cả thực hành.

TRẦN KIÊM HẠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên