18/04/2011 05:50 GMT+7

Phải bảo vệ trẻ em trong mọi hoàn cảnh

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Ba đứa trẻ bị một tài xế xe ôm dụ bán cho một chủ xưởng may gia công như cách người ta bán những chiếc máy may. Thực tế, các em đã bị buộc làm việc như máy chứ không phải như người lao động làm thuê: các em chỉ được cho ăn, còn tiền lương nhận được sau khi vụ bóc lột bị phát hiện không phải do chủ tự nguyện trả, mà là kết quả can thiệp của người đại diện nhà chức trách lao động.

Xuất thân từ những gia đình rất nghèo, những đứa trẻ ấy đã bỏ nhà, bỏ học đi tìm việc với mong muốn giải thoát cho bản thân (có khi cho cả gia đình) khỏi sự bế tắc về kinh tế. Sự đói nghèo được hình dung như con sóng đã cuốn các em ra khỏi thế giới trẻ thơ và cả vòng tay yêu thương của người thân thuộc, đẩy các em vào biển khơi của cuộc mưu sinh khốc liệt và đầy những bẫy rập.

Câu chuyện tạm khép lại với việc giải cứu và giao trả các nạn nhân cho gia đình, cùng với việc áp dụng các biện pháp chế tài hành chính đối với chủ bóc lột. Song không loại trừ khả năng sau một thời gian, những đứa trẻ ấy lại bị cuốn đi một lần nữa vì khó nghèo, xa tít và có thể không bao giờ trở lại. Mà đó không phải là những trường hợp cá biệt. Ngay tại xưởng may ấy có ba đứa trẻ khác cũng đồng cảnh ngộ và làm việc trong những điều kiện tương tự.

Chắc chắn còn nhiều xưởng may khác sử dụng lao động trẻ em theo kiểu vắt kiệt sức mà chưa bị phát hiện và không chỉ trong ngành may, trẻ em đã và đang hiện diện với con số lên tới hàng vạn ở các hầm mỏ, xưởng máy, nông trại, không ít trong số đó phải chịu sự bóc lột thậm tệ.

Suy cho cùng, “vào đời sớm” là một thực tế phổ biến ở những nước nghèo, là một loại dịch bệnh luôn chực chờ tấn công trẻ em của các gia đình cùng khổ. Nhà chức trách, xã hội phải có trách nhiệm làm thế nào để ít nhất giúp được các em đương đầu với nó. Xây dựng, mở rộng mạng lưới đào tạo và giới thiệu việc làm miễn phí đến vùng sâu vùng xa là một trong những biện pháp cho phép đạt mục tiêu đó.

Vả lại, ngoài những đứa trẻ bị lừa đem bán sống, nhiều em rơi vào cảnh đọa đày là do còn quá non tuổi đời để có nhận thức đầy đủ về giá trị của sức lao động. Các em thường chấp nhận xác lập quan hệ lao động với những điều kiện dễ dãi, đặc biệt là chấp nhận thù lao rẻ mạt cho công việc mình làm.

Cũng có trường hợp việc bán rẻ sức lao động trẻ em là kết quả sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và cha mẹ của người lao động. Khi đó, người lao động nhỏ tuổi bị coi như một công cụ hoặc một người bị đem “đợ” và đặt dưới quyền sinh sát của chủ hơn là một chủ thể của quan hệ lao động.

Chính vì thế, cần tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của các thiết chế công có chức năng bảo vệ quyền lợi của lao động trẻ em.

Cần có cơ chế thông thoáng cho phép cộng đồng giao tiếp dễ dàng vào bất kỳ lúc nào với các cơ quan, tổ chức này để tố giác các vụ lạm dụng, xâm hại đối với lao động trẻ em. Cần thừa nhận cho các cơ quan, tổ chức này quyền can thiệp của một người đại diện đương nhiên và chính thức cho các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em khi cần, trong giao tiếp pháp lý mà trong đó trẻ em ở vị trí người lao động làm thuê.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên