04/07/2015 09:37 GMT+7

Phải bảo vệ hình ảnh đất nước

ĐỖ QUYÊN - TRƯỜNG TRUNG
ĐỖ QUYÊN - TRƯỜNG TRUNG

TT - Giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 5-2015” đã được trân trọng trao đến hai bạn đọc có chung suy nghĩ là phải hành động để bảo vệ hình ảnh đất nước.

Du khách nước ngoài bị một người bán dừa chèo kéo, ép mua hai trái dừa tươi với giá 200.000 đồng ngay khu vực ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp trưa 11-5)Ảnh: HỮU KHOA
Du khách nước ngoài bị một người bán dừa chèo kéo, ép mua hai trái dừa tươi với giá 200.000 đồng ngay khu vực ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp trưa 11-5) - Ảnh: HỮU KHOA

Giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 5-2015” đã được trân trọng trao đến hai bạn đọc có chung suy nghĩ là phải hành động để bảo vệ hình ảnh đất nước trước những lời nhận xét phiến diện hoặc kiểu làm ăn chụp giựt lừa gạt du khách.

Hai bạn đọc nhận giải thưởng còn lại đã hướng đến việc qua báo Tuổi Trẻ để tìm lại công bằng cho người dân bị xử ép trong đền bù nứt nhà, cho các sinh viên có được môi trường tuyển dụng minh bạch.

Không để đất nước bị nghĩ xấu

“Lúc đó tôi chẳng nghĩ hành động của mình là “yêu nước” hay một điều gì đó “đao to búa lớn”. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng khi đi xa quê hương, Tổ quốc trở thành một điều gì đó rất thiêng liêng. Khi những điều thiêng liêng với mình bị mang ra chỉ trích thì đứng lên bảo vệ là việc nên làm và phải làm” - tác giả Nguyễn Hữu Công, một du học sinh ở New Zealand, người viết bài “Khi đất nước tôi bị nói xấu” (Tuổi Trẻ Online ngày 16-5), đã chia sẻ như vậy.

Bài viết này đã thu hút nhiều phản hồi của bạn đọc, kéo dài thêm bốn bài viết nữa, tạo thành làn sóng bình luận, bảo vệ hình ảnh đất nước trước bạn bè quốc tế với 516 ý kiến phản hồi. “Lần đầu tiên một bài viết của tôi có nhiều phản hồi như vậy nên cảm xúc rất khó tả.

Tôi đọc từng bình luận trên trang báo điện tử, Facebook của báo và nhiều diễn đàn khác. Nói thật là tôi không khỏi chạnh lòng khi có ý kiến cho rằng tôi cực đoan, bảo thủ hay không biết tiếp thu góp ý để tiến bộ. Tôi cảm ơn những lời phê bình góp ý đó, nhưng vẫn tin rằng mình đã làm một việc rất nên làm.

Và sự quan tâm, chia sẻ của mọi người càng khiến tôi tin rằng mọi người còn trăn trở, còn xót xa khi ở đâu đó hình ảnh đất nước mình bị người ta mang ra chỉ trích, dẫu cho đó là những tồn tại xã hội mà chúng ta đang nỗ lực giải quyết. Nỗ lực ấy cần sự khích lệ và tôn trọng” - tác giả Hữu Công bày tỏ.

Cũng để bảo vệ hình ảnh đất nước, bạn đọc H.N. - một tài xế lâu năm ở TP.HCM - đã báo tin cho Tuổi Trẻ về việc xung quanh hội trường Thống Nhất và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM có những người bán dừa tươi thường dụ du khách nước ngoài chụp hình rồi bán dừa cho họ với giá “cắt cổ”.

“Tôi và các anh em tài xế thường chứng kiến cảnh này nhưng không dám can thiệp vì nhóm bán dừa rất đông, họ sẵn sàng kéo đến để uy hiếp. Tôi gọi điện cho đường dây nóng để nhờ báo Tuổi Trẻ lên tiếng cảnh báo và giúp cho môi trường du lịch được sạch đẹp hơn, để du khách nước ngoài không còn ấn tượng xấu với Việt Nam và sẽ quay lại thăm thú TP.HCM cũng như nước mình nhiều lần nữa” - bạn đọc H.N. cho biết.

Từ thông tin của bạn đọc này, hai phóng viên Đức Phú - Hoàng Lộc đã đeo bám và phản ảnh trong bài viết Ép du khách mua dừa với giá “chặt chém” (Tuổi Trẻ ngày 12-5). Sau đó, UBND phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM đã xử phạt năm người bán dừa có dấu hiệu ép du khách mua dừa và UBND phường 6, quận 3 đã thường xuyên cử lực lượng tuần tra để kịp thời chấn chỉnh tình trạng này.

Bức xúc vì “họ coi mình như củ khoai, con kiến”

Đó là lý do mà ông Trần Huỳnh Quang (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) gọi điện đến báo Tuổi Trẻ để báo tin về vụ làm nứt nhà dân nhưng đền tiền chỉ đủ... uống trà đá. Ông Quang là một trong số 110 hộ dân ở xóm Nam Sơn (thôn Chiêm Sơn) có nhà bị nứt do quá trình đánh mìn làm hầm đường bộ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

“Khi nghe họ công bố mức giá đền bù đợt đầu cho người hàng xóm chưa tới 2.000 đồng thì tôi vừa thấy nực cười vừa bức xúc quá. Ai đời nổ mìn nhà cửa rung bần bật, nứt khắp nơi mà đền tiền không đủ cho con nít ăn kem, khác chi họ coi bà con mình như củ khoai, con kiến ” - ông Quang nói.

Ông Quang nói biết đến báo Tuổi Trẻ nhờ một người bà con trước đây của ông được báo can thiệp đưa ra ánh sáng một vụ việc. Vì vậy khi “có chuyện”, ông liền xin số điện thoại của người bà con để báo ngay cho Tuổi Trẻ.

Sau khi Tuổi Trẻ liên tục thông tin vụ “Làm nứt nhà dân, định đền 6.000 đồng”, các cơ quan chức năng đã vào cuộc giám sát quá trình kiểm định và định giá bồi thường cho người dân. Từ số tiền dự toán đền bù ban đầu chưa đầy 100 triệu đồng, đến nay sau nhiều lần điều chỉnh, con số này đã được nâng lên 835 triệu đồng.

Người được dự toán đền bù với số tiền 2.000 đồng nay đã tăng lên 3 triệu đồng. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ra văn bản yêu cầu đơn vị thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phải giải quyết ngay những khiếu nại của người dân trên toàn tuyến đi qua Quảng Nam trong vòng 10 ngày từ khi có phản ảnh, không để xảy ra tình trạng nay đền như thế này, mai đền như thế khác.

“Tôi điện thoại đến Tuổi Trẻ với mong muốn báo nói được tiếng nói của những người thấp cổ bé họng, để trả lại sự công bằng cho những thiệt hại của người dân. Điều quan trọng là sau khi báo vô cuộc, mọi chuyện đã được giải quyết, người dân cũng đồng thuận để dự án triển khai thuận lợi, công trình quốc gia mau được đưa vào sử dụng” - ông Quang bày tỏ.

Mong công bằng trong tuyển dụng

“Cay đắng mới ra trường tìm việc: mấy trăm triệu cho vừa?” (Tuổi Trẻ Online ngày 20-5) của tác giả Cao Nguyên (Gia Lai) cũng là bài viết được nhiều bạn đọc quan tâm trong tháng 5-2015 vừa qua. Cao Nguyên tâm sự: “Cả năm nay tôi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học đi xin việc mà không tìm được.

Bạn bè tôi nhiều người cũng vậy. Tôi viết bài này chỉ mong có chính sách tạo công ăn việc làm cho những người mới ra trường để họ được thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình đã ấp ủ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Khi bài đăng lên, có rất nhiều bạn đọc cùng hoàn cảnh với Cao Nguyên đã chia sẻ thêm về trường hợp của mình và hầu hết đều mong muốn môi trường tuyển dụng được công bằng, minh bạch và sẽ tìm được việc trong nay mai, không còn rơi vào tâm trạng bất mãn khi “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” nữa.

Đ.Q.

ĐỖ QUYÊN - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên