Ông Pete Buttigieg vận động tranh cử ở New Hampshire ngày 8-2 - Ảnh: Reuters
Sự vô danh của cựu thị trưởng Pete Buttigieg trên chính trường Mỹ giờ đây là thước đo cho niềm tin của cử tri Đảng Dân chủ vào sức mạnh của các ứng viên đảng này.
Luồng gió mới
Theo khảo sát NBC News/Marist công bố cuối tuần trước, ông Buttigieg nhận khoảng 21% số phiếu từ cử tri Đảng Dân chủ. Số liệu này gợi lên một cuộc đua song mã, trong đó Buttigieg phải cố gắng bắt kịp thượng nghị sĩ Vermont - ông Bernie Sanders, người nhận được 25% tỉ lệ ủng hộ theo khảo sát trên. Đây cũng là hai nhân vật đã nhận được số đại biểu cao nhất sau cuộc bỏ phiếu họp kín ở bang Iowa.
Chặng đường phía trước của Buttigieg còn lắm gian nan, nhất là khi một ứng viên nặng ký khác như Michael Bloomberg vẫn đang dùng chiến thuật "mua ghế tổng thống" một cách âm thầm nhưng hiệu quả.
Những khó khăn hiện ra trước mắt cho Buttigieg và người ủng hộ ông. Ở tuổi 38, Buttigieg là ứng viên trẻ nhất cuộc bầu cử tổng thống 2020 và điều này đồng nghĩa kinh nghiệm chính trị của ông không thể là cái mang ra so sánh với các đối thủ. Ông từng là thị trưởng, nhưng chỉ là một thành phố nhỏ tại Indiana.
Khoảng thời gian công tác của Buttigieg trên cương vị này cũng không mấy tốt đẹp. Việc số lượng người da màu bị bắt tăng lên khi Buttigieg làm thị trưởng đang là điểm yếu bị các đối thủ của ông khai thác. Tại một số nơi, khảo sát sự ủng hộ của người da màu dành cho Buttigieg rớt xuống mốc gần như 0%, theo Đài BBC.
Dù vậy, liên tục ở hai vị trí dẫn đầu ở Iowa và New Hampshire (dự đoán), Buttigieg từ chỗ phải tự đánh vần tên họ của mình trên sóng truyền hình, đang thổi luồng gió mới vào chính trường Mỹ, hoặc ít ra đây là hiệu ứng ông mong chờ.
Những yếu tố "đầu tiên"
Tính tới nay dường như Sanders đang ở vị trí đầy tiềm năng để đại diện cho Đảng Dân chủ chạm trán đương kim Tổng thống Donald Trump vào cuối năm. Ông Trump đang tranh cử bên Đảng Cộng hòa nhưng gần như chắc chắn đây là cuộc đua độc mã. Có điều sự trỗi dậy của ông Buttigieg dẫu ở giai đoạn đầu, cũng đang phần nào lột tả mấu chốt trong lá phiếu của cử tri Đảng Dân chủ năm nay.
Buttigieg còn trẻ, non kinh nghiệm và cũng vướng không ít chỉ trích trong quá khứ. BBC cũng cho rằng bức tranh toàn cảnh đang ảm đạm cho Buttigieg, vì cử tri Dân chủ ngày nay không như Iowa hay New Hampshire, mà đa dạng và thành thị hơn.
Các cuộc khảo sát ở Nevada và South Carolina cho thấy ông Buttigieg chỉ xếp thứ năm, còn trên toàn quốc, tỉ lệ ủng hộ Buttigieg cũng không khả quan. Nhìn chung, không có cơ sở vững chắc nào ủng hộ ông Buttigieg sẽ đủ khả năng đại diện cho Đảng Dân chủ để thắng ông Trump.
Nhưng trong tất cả những bất lợi trên vẫn tồn tại một khả năng nhỏ. Sự mới mẻ của Buttigieg có thể chính là điểm tựa của ông này. Với những người tin vào điều kỳ diệu, Buttigieg có thể là tổng thống trẻ nhất lịch sử Mỹ ở tuổi 38. Hiện nay, ông cũng là ứng viên tranh cử tổng thống đầu tiên công khai đồng tính.
Những yếu tố "đầu tiên" như vậy khiến người ta liên tưởng tới Barack Obama, tổng thống da màu đầu tiên lịch sử Mỹ. Đó là lý do Joe Biden, vị cựu phó tổng thống đang bị cử tri quay lưng đầy ngạc nhiên ở Iowa và New Hampshire, vừa qua phải tìm cách khẳng định "Buttigieg không phải Obama".
Điểm thứ hai để tin ở sự mới mẻ của Buttigieg là niềm tin của Đảng Dân chủ. Năm 2016, phe Dân chủ đã đặt niềm tin vào kinh nghiệm của Hillary Clinton và thất bại. Năm nay, đối thủ chính của Buttigieg tại New Hampshire và Iowa là Sanders, thậm chí đã từng thất bại trước bà Clinton trong việc giành quyền đại diện cho đảng.
Vẫn có khả năng cử tri Dân chủ vì quá chú trọng tới khả năng đánh bại ông Trump nên sẽ suy nghĩ khác, thà đặt một ván cược lớn vào sự mới mẻ hơn là những ứng viên giàu kinh nghiệm nhưng cũ kỹ và già cỗi như Sanders, Biden hay Elizabeth Warren. Mới hay cũ, an toàn hay phiêu lưu, đây chính là bài toán của Đảng Dân chủ, vốn có thể mang đáp án tốt nhất cho Buttigieg.
Vào năm 2019, Buttigieg đã quyên góp được hơn 76 triệu USD cho chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, một con số khổng lồ cho người đàn ông hầu như vô danh trên chính trường vào thời điểm đầu năm ấy.
Đấu siêu thứ ba
Ông Buttigieg vừa qua đã chi đậm cho đợt quảng cáo chính trị dịp bầu cử "siêu thứ ba" (Super Tuesday), chủ yếu tập trung vào các khu vực từng chuyển sự ủng hộ từ Obama sang Trump năm 2016, theo Politico.
Nhưng để khai thác khả năng thắng Trump, có vẻ người mà Buttigieg nên cẩn trọng hơn cả là tỉ phú Bloomberg. Theo Guardian, tổng giá trị tài sản của tỉ phú Bloomberg lên đến hơn 60 tỉ USD, mang về cho ông 2 tỉ USD lợi nhuận hằng năm. Bloomberg từng tuyên bố sẽ dùng số tiền này để tranh cử cho vị trí tổng thống Mỹ.
Sau khi chứng kiến màn bầu cử với kết quả ì ạch của Đảng Dân chủ ở Iowa, Bloomberg đã quyết định tăng gấp đôi khoản chi dành cho quảng cáo truyền hình của mình, cũng như nâng số lượng nhân viên trong chiến dịch lên hơn 2.000 người. Vị tỉ phú này cũng không tranh cử ở 4 bang đầu tiên, mà thay vào đó sẽ tập trung vào ngày siêu thứ ba.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận